Cho tôi một bánh mì kẹp bọ!

Cho tôi một bánh mì kẹp bọ!
TP - Cứ tưởng tượng tôi chen vào giữa những bạn trẻ xếp hàng dài trước cửa hàng ăn nhanh thời thượng thương hiệu ngoại mới mở ở Việt Nam, dõng dạc “Cho tôi một bánh mì kẹp bọ”, phản ứng xung quanh sẽ thế nào?

Đừng cười tôi, trước Giáng sinh năm ngoái, tổ chức an toàn thực phẩm của Bỉ (FASFC) đã thông qua danh sách 10 loại côn trùng được phép làm thực phẩm cho con người.

Danh sách đặc sản mới này gồm cả ấu trùng sâu bọ, châu chấu châu Phi, châu chấu sa mạc châu Mỹ, một số loài dế và bọ cánh cứng. Người kinh doanh thực phẩm muốn bán buôn mặt hàng này trước hết phải đăng ký với FASFC và phải tuân thủ mọi luật liên quan đến vệ sinh, thời hạn sử dụng, nhãn mác...

Hành động này khiến Bỉ trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên chính thức cho phép tiêu thụ sâu bọ làm thực phẩm. Thời còn bao cấp ở Việt Nam, chúng ta ăn châu chấu, ve lột xác... bởi nó vừa là món ngon và còn vì thiếu đạm trầm trọng. 

Thời nay, người châu Âu bắt đầu ăn sâu bọ không phải thiếu lương thực mà bởi nghĩ xa “Sâu bọ chẳng tốn công chăn nuôi, không tạo khí thải nhà kính, tác hại môi trường ít hơn 10 lần so với chăn nuôi lợn, bò. Thực phẩm sâu bọ cung cấp từ 40- 70% đạm, trong khi lượng đạm trong ngô chỉ 10%. Tùy cách tẩm ướp, chế biến, ví như món châu chấu châu Phi có vị ngon chẳng kém thịt gà hoặc thịt hun khói”.

Ngày xưa thiếu đói, ăn châu chấu rang lá chanh ngậy béo, đặc biệt vớ được châu chấu cái đang ủ trứng đúng mùa gặt thì vị thơm bùi quyện với cơm trắng, rau muống chấm tương cứ gọi là mồm miệng mềm ngọt mãi không thôi.

Ngày nay thừa đạm nhưng châu chấu vẫn được chuộng ở nước mình, gọi mỹ miều “tôm bay”, cánh đàn ông còn dùng làm mồi nhậu. Hóa ra nông dân Việt mình sành miệng lắm, từ lâu đã ăn những thực phẩm “bi-o” thế này đây. 

Không chỉ châu chấu, còn bao loài sâu bọ khác được dân mình biến thành đặc sản. Quan trọng là cách chế biến khiến cái cảm giác ghê sợ ban đầu tiêu tan, chỉ còn mùi vị thơm ngon đậm đà lôi kéo người ta nhấc đũa. Nào đuông dừa (sâu dừa) chiên mắm ở Bến Tre, nhộng ong rừng U Minh, dế nướng... và hẳn phải chịu tai tiếng lắm nếu nhắc đến “nền ẩm thực côn trùng” của người Việt mà khuyết mất vị cà cuống.

Thế nhé, từ nay tôi có thể thoải mái khoe với bạn bè ở châu Âu này rằng, chuyến về thăm quê vừa rồi tớ được ăn sâu bọ thỏa thuê, toàn tinh túy của ẩm thực chứ đừng đùa: nhộng rang mỡ lá chanh, chả rươi thơm cay mùi vỏ quýt.

Và mắm rươi mới gọi là hảo hạng. Có dễ hơn chục năm rồi tôi mới lại được ăn mắm rươi. Bà nội tôi, nông dân vùng đồng bằng Bắc bộ, cứ đến tháng Mười mua rươi về đúc trứng cho các cháu ăn, tôi nghĩ đã là đỉnh cao của ẩm thực rồi. Nhưng bà không làm mắm rươi, có lẽ vì rươi đắt quá, nhà sẵn chum tương ngọt lịm ở góc sân rồi. 

Tháng chín đôi mươi, Tháng mười mồng năm/Cho dù bão nổi cũng chăm chắm về. Ca dao dân gian báo hiệu mùa rươi rồi đấy, đầu năm nay tôi về chơi, hơi trễ mùa rươi nhưng mắm rươi thì đã ngấu. Chị bạn đãi món mắm rươi Nghệ An, thứ rươi vớt từ dưới hạ nguồn sông Lam quyện đậm vị muối rang vàng, vỏ quýt, gừng, rượu nếp, thính gạo nếp... giờ quý hơn mọi sơn hào hải vị bởi cái cảm giác hòa hợp, thức tỉnh cùng lúc của vị giác và ký ức: thịt ba chỉ quyện mắm rươi hồng sánh, thêm chút rau thơm, lát khế chua, thanh chuối chát- mùi của ruộng đồng và làng quê gói trọn trong một miếng ăn.

Tôi chắc khi mình tả cảm giác được ăn mắm rươi, chả rươi, nhộng rang... như thế, hầu như người Việt nào cũng đồng cảm. Ai chẳng có ký ức làng quê, thuở ấu thơ làm gia vị đậm đà thêm cho món ăn dân dã. Nhưng người phương Tây không có được cảm giác đậm đà này, nay bắt đầu làm quen món ăn mới.

Một nhà hàng ở vùng Ostende giáp biển Bắc của Bỉ vừa giới thiệu món bánh mì kẹp ấu trùng sâu (bug burger). Một nhà phê bình ẩm thực được mời tới nếm thử, viết nhận xét “Chỉ miếng cắn đầu tiên, cảm giác tồi tệ đã lùi lại phía sau. Có tiếng lạo xạo phát ra như nhai hạt, rồi tiếng lách tách nhè nhẹ nhưng may mắn là mùi vị rất đáng ngạc nhiên, khiến chúng ta nghĩ về những điều khác hơn là chỉ chăm chăm nghĩ về bọ”.

Bình tĩnh và thư giãn đi. Trình độ ẩm thực sâu bọ của các bạn mới ở bước khởi đầu, muốn đạt đến “tinh túy món ngon đồng quê” như chúng tôi cần phải có quá trình... tiến hóa. Chúc sớm thấy ngon miệng!

MỚI - NÓNG