Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ
"Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" có một cách đọc khá lạ lùng. Đọc để nhớ lại. Có cách đọc này chính là do câu đề dẫn của Nguyễn Nhật Ánh: “Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai từng là trẻ em”.
Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ ảnh 1

Gặp nhau giữa “hai người bạn”

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là con người đa tài, trong anh luôn có một sự tồn tại song song.

Các câu truyện anh viết cho thiếu nhi như Thằng quỷ nhỏ, Đi qua hoa cúc, Kính vạn hoa, Chuyện xứ Lang Biang… luôn có những thế giới trẻ thơ thuần túy, nơi đó cuộc sống dù hiện thực hay kỳ ảo đều khá tách biệt với những vấn đề của hiện tại.

Ngược lại, các bài báo, các tập tản văn của anh như Bay cao hơn Boeing, Người Quảng đi ăn mì Quảng, Chờ World Cup luận anh hùng… lại thấm đẫm những vấn đề xã hội mang nặng tính thời sự.

Sau một thời gian dài để cho hai Nguyễn Nhật Ánh tồn tại song song, nhà văn đã quyết định cho cả hai gặp nhau. Và đó là lúc tác phẩm Tôi là Bê-tô xuất hiện. Cũng vẫn hình ảnh một cậu bé với đủ những chuyện vui buồn trong cuộc sống nhưng với những bạn đọc quen thuộc một Nguyễn Nhật Ánh “trẻ thơ”, tác phẩm này hơi lạ.

Còn với những ai biết một Nhật Ánh “nhà báo-tản văn”, tác phẩm này lại hơi quen! Tuy nhiên, sự gặp gỡ ban đầu đó có phần hơi bối rối, giống như hai người bạn thân lâu ngày bất chợt gặp nhau nghẹn ngào chưa biết nói gì. Phải đến khi Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, tác phẩm mới nhất của nhà văn xuất hiện (ảnh), hai người bạn thân mới thật sự tay bắt mặt mừng với bao chuyện kể nhau nghe.

Trẻ em và người lớn

Truyện mở đầu rất đơn giản: “Một ngày, tôi chợt nhận thấy cuộc sống thật là nhàm chán và tẻ nhạt. Năm đó tôi tám tuổi”.

Cái cậu bé 8 tuổi đó ngao ngán khi cứ phải lập đi lập lại mỗi ngày những công việc quen thuộc. Nào là cố gắng dậy sớm, đi học, đánh nhau, học bài, đi ngủ… tất cả những điều đó khiến cậu bé 8 tuổi cảm thấy ngao ngán và âm mưu nổi loạn bằng những trò chơi kỳ cục với bạn bè.

Nếu chỉ dừng ở đó, tác phẩm sẽ giống như mọi tác phẩm khác về thiếu nhi của chính nhà văn. Thế nhưng, đúng lúc đó, nhân vật cậu bé ở cái tuổi hơn 40 xuất hiện với những kinh nghiệm cùng suy nghĩ khác.

Cậu bé 8 tuổi thấy cuộc sống lập lại là nhàm chán nhưng người đàn ông 40 tuổi thì gọi đó là sự ổn định!

Và cái thế giới tuổi thơ vốn hồn nhiên, trong sáng đã được nhà văn xây dựng lên bằng cả hai đôi mắt, đôi mắt của trẻ thơ và đôi mắt của một người trưởng thành.

Đứa trẻ 8 tuổi làm nên những chuyện “động trời” như cuộc cách mạng đổi tên sự vật, đóng giả làm những ông bố bà mẹ “hoàn hảo”, trò chơi gửi tin nhắn cho nhau…

Tất cả những câu chuyện đó nếu chỉ thuần túy được kể dưới con mắt trẻ thơ với chất giọng của nhà văn cũng đủ để vui, để cười. Thế nhưng, với cả hai đôi mắt, những câu chuyện đó đã đưa bạn đọc đến một khoảng trời khác hẳn, nơi đó, những trò con nít không còn đơn thuần là “trò con nít”.

Những đứa trẻ 8 tuổi tự hỏi nhau “tại sao người lớn có quyền lên án trẻ em mà lại không cho trẻ em lên án người lớn”.

Còn người lớn thì lại tự nhủ “tôi sợ nếu cho nó phán xét thì nó sẽ thấy người đáng bị quỳ gối nhiều nhất trong nhà là tôi chứ không phải là nó, Khỉ thật!”. Cứ thế, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ nhớ về một tuổi thơ đã qua và đồng thời nhìn lại tuổi thơ đó bằng suy nghĩ của người lớn.

Tấm vé về một thời ai cũng có

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ có một cách đọc khá lạ lùng. Đọc để nhớ lại. Có cách đọc này chính là do câu đề dẫn của tác giả: “Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai từng là trẻ em”. Mỗi câu chuyện của tác giả như một sự gợi mở, gợi cho những người từng là trẻ em nhớ về cái thời trẻ em đó.

Và như vậy, coi như bạn đọc đã cầm một tấm vé để về với sân ga tuổi thơ. Từ tuổi thơ trong tác phẩm để sống lại với tuổi thơ của chính mình và vui buồn những kỷ niệm của một thời ngây thơ.

Tấm vé mà tác giả xin ở nhan đề sách đã chuyển thành tấm vé để những ai đọc sách có thể đi chuyến tàu về tuổi thơ.

Theo Tường Vy
Sài gòn Giải phóng

MỚI - NÓNG