Chơi cổ vật

Chơi cổ vật
Bộ sưu tập cổ vật của ông Phan Tấn Nam làm ai thấy và nghe đều mê hồn và choáng ngợp khi gắn với nó là những câu chuyện li kì về gốc tích.
Chơi cổ vật ảnh 1

Ông Nam với thẻ bài cổ

Niên đại đến cả ngàn năm

Ông Nam cho rằng, mình may mắn thừa kế một số cổ vật của ông nội và bố vợ mang từ bên Tàu qua từ đầu thế kỷ trước để lại. Ngay khi cuộc sống chưa dễ thở như bây giờ, ông đã chú ý săn tìm để… học hỏi.

"Sau này cuộc sống khá hơn thì đó là cơ hội tốt để nghiên cứu, đối chiếu những giá trị lịch sử, văn hóa ẩn trong những cổ vật", ông Nam nói.

Bên cạnh những cổ vật là những pho sách khảo cổ in tiếng Việt, Hoa, Anh, Pháp...

Lần từng trang sách, ông Nam có vẻ thích thú khi nói về những bộ ngọc làm lệnh bài. Nhiều loại có niên đại trên 3.000 - 4.000 năm. Làm sao ông biết chính xác niên đại? Đối chiếu sách vở và làm phép thử, ông Nam trả lời vậy.

Có loại ngọc mát lạnh, lên huyết tẩm đỏ thắm, cái thẻ bài này tự nó phản ứng hoá học và thay đổi màu theo thời gian; khi chiếu đèn vào ngọc, ánh sáng đi xuyên qua nó phát ra màu đỏ cam tuyệt đẹp.

Trên thẻ bài chạm nổi hình chữ "Thiên". Đây là miếng ngọc "ngự dựng" thời Tây Chu (Trung Quốc) có từ 2.700 - 3.100 năm trước Công nguyên.

Ông Nam cho xem 2 bộ sưu tập ngọc cổ gồm một bộ "lễ khí" từ đời Tây Chu cách nay trên 3.000 năm cho tới đời nhà Thương (TQ) cách đây 4.000 năm.

Trên các miếng ngọc nhiều màu có chạm hình các vị thần mà người xưa thờ cúng lúc tôn giáo chưa ra đời như: thần mặt trời, sơn thần, thuỷ thần, lôi thần, mộc thần…

Một bộ tập ngọc khác là những lệnh bài có chữ "Thiên viết" chỉ dành cho các bậc vương quyền đeo để khẳng định đẳng cấp và quyền lực.

Chu du khắp nơi để hiểu cổ vật

Chơi cổ vật ảnh 2
Bình gốm cổ

Sau bộ ngọc đến bộ sưu tập đèn từ thời nhà Đường - Nam Bắc Triều - Hán cách nay khoảng 1.500 - 2.000 năm. Riêng bộ đèn cổ tuỳ táng bằng gốm tráng men thời Lục triều (Trung Quốc) cách nay trên 1.500 năm, bộ gốm ấm rượu đời Tống.

Độc đáo nhất là cục đá cổ dùng để đo độ sâu của những tàu biển đời nhà Tống được vớt lên từ lòng đại dương còn dấu hàu biển và một cây san hô đỏ được xem là cổ vật độc bản.

Trong căn phòng nhỏ còn có một tượng đá Chămpa hoá thân của thần Vishnu. Kế đó là tủ đựng đầy ấm rượu cổ bằng gốm Nhữ cực hiếm từ thế kỷ 10 - 12 sau Công nguyên vẫn còn màu men xanh "Vũ quá thiên thanh" và nhiều loại gốm Tống: Ca diêu, Long Tuyền diêu, Định diêu, Diêu Châu diêu…

Riêng chiếc gối men ngọc "Thanh bạch từ" - Cảnh Đức trấn khi so sánh với chiếc gối cùng loại công bố trong sách cổ Trung Hoa giá trị cũng đã trên hàng trăm ngàn USD.

Tuy nhiên, ông Nam không đề cập về giá trị của những bộ sưu tập cổ vật mà chỉ nói, "mỗi cổ vật mang một thông điệp, chơi món này phải biết tường tận mới thấy hết cái thú vị của nó".

Để biết tường tận, nhiều lúc ông khăn gói đi hỏi các chuyên gia ở Phân viện Khoa học vật liệu, trường Đại học Bách khoa TP.HCM, trường Đại học Khoa học tự nhiên, thậm chí đi tới các nhà sử học, dân tộc học và cả những chuyên gia giám định cổ vật ở Đại học Milano Bicocca (Ý), Đại học Lille (Pháp) và Viện Kist Seoul (Hàn Quốc), nhà nghiên cứu khảo cổ ở Thành Đô - Tứ Xuyên (Trung Quốc).

Ông Nam bảo: "Càng đi xa càng thích".

Theo Tuyền Lê
Sài gòn Tiếp thị

MỚI - NÓNG