Chơi vơi - có sao nhưng chưa chắc có tiền

Chơi vơi - có sao nhưng chưa chắc có tiền
TP- "Chơi vơi" là nhan đề bộ phim truyện nhựa đáng được coi là tiêu điểm của điện ảnh Việt 2009: Sản phẩm mang thương hiệu Bùi Thạc Chuyên và dàn diễn viên ngôi sao Linh Đan, Hải Yến, Johnny Trí Nguyễn, Duy Khoa…

 Được bấm máy từ tháng 11/2008, chuẩn bị vào hậu kỳ nhưng Chơi vơi vẫn ở tình cảnh vừa làm vừa chờ tiền! Cần phải có khoảng 6 tỷ đồng cho phim trong khi tiền trợ giá của Nhà nước chỉ khoảng hơn 1 tỷ. ĐD Tất Bình- GĐ Hãng phim truyện I cho biết đã chạy được khoảng 4 tỷ, nếu không xin thêm được ở đâu đó thì bắt buộc: “Phải tới ngân hàng vay thêm 2 tỷ để hoàn thành phim cho bằng được”.

Chơi vơi cũng là tình cảnh chung của một số dự án làm phim đang tạm hoãn vô thời hạn bởi khủng hoảng tài chính Mỹ lan rộng ví như phim Lửa Phật của diễn viên Việt kiều Dustin Nguyễn. Dù có mời được cả dàn sao tham gia thì thời buổi này các nhà đầu tư vẫn phải dè chừng, thận trọng. Cuộc hỏi chuyện ngẫu hứng với đạo diễn Bùi Thạc Chuyên khi anh đang ở phòng dựng phim Chơi vơi cũng xoay quanh vấn đề này.

Chơi vơi liệu có kịp xong để dự giải Cánh diều 2008 không anh?

Chúng tôi vừa quay xong, bây giờ đang dựng, lại còn phải đi xin thêm tiền nữa. Trong buổi họp báo phim này tại Hà Nội cũng đã nói rõ khoảng tháng 9/2009 mới xong.

Gần đây có một số người đẹp của ta được mời đóng phim Hollywood. Mừng đấy, nhưng vào thực tế mới biết nguyên tắc làm việc chẳng đơn giản, không thể tuỳ tiện tuyên bố về nội dung phim, hợp đồng, cũng không phải cứ chụp ảnh cùng ngôi sao ngoại rồi khoe lên báo mà không xin phép trước… Còn anh, mời được Linh Đan từ Pháp về và làm việc cùng cô ấy có vướng vào những ràng buộc, phép tắc đặc biệt nào không?

Tôi chủ yếu liên lạc, làm việc với người đại diện của Linh Đan. Tôi nghĩ ở Pháp làm phim không phức tạp như ở Mỹ đâu, đặc biệt là phim không nói tiếng Anh. Chuyện đàm phán về thù lao tất nhiên phải có, nhưng cô ấy đã cho đoàn làm phim mượn lại toàn bộ cát-sê của vai diễn này, tức là khi nào phim thu lợi nhuận rồi mới trả cô ấy cũng không sao.

Ở phim Sống trong sợ hãi anh chủ trương chọn và khai thác những gương mặt mới, nhưng Chơi vơi thì ngược lại. Anh đã thay đổi nguyên tắc làm việc? Hay là anh muốn có diễn viên ngôi sao để phim ăn khách hơn?

Không phải thế. Đơn giản là với Chơi vơi thì phải người có kinh nghiệm mới được. Diễn viên mới khó kham nổi.

Vậy trường hợp của Duy Khoa - ca sĩ trẻ vừa đoạt giải Sao Mai anh mời đóng phim này thì sao?

Duy Khoa đã học diễn xuất rồi, từng đóng phim và đang là một nghệ sĩ biểu diễn. Tuy nhiên cũng phải dụng công để giúp cậu ấy nhập vai trong Chơi vơi. Có người nói tôi mời Linh Đan chẳng qua là muốn tiêu tiền của người Pháp?! Sai, tôi mời Linh Đan, Hải Yến… là bởi yêu cầu của phim: Những nhân vật nữ có tính cách vô cùng phức tạp.

Johnny Trí Nguyễn vẫn bị dán mác diễn viên hành động. Anh định giúp Trí Nguyễn “lột xác”?

Diễn xuất của cậu ấy trong Chơi vơi cũng tốt. Mặt khác, tôi chọn Trí Nguyễn cũng bởi chúng ta đang quá thiếu những diễn viên nam có vẻ mặt lãnh đạm, sang trọng và thể hiện được tính cá nhân rõ rệt. Chơi vơi là câu chuyện của những cá nhân. Trí Nguyễn có ngoại hình đạt yêu cầu này.

Anh từng phát biểu đây là phim về người trẻ cho nên sẽ thu hút được khán giả trẻ. Nhưng có vẻ Chơi vơi với những ám ảnh câm lặng, chuyện ngoại tình, đồng tính… là câu chuyện của những người già trước tuổi đấy chứ.  Anh chắc được bao nhiêu phần trăm phim sẽ hút người trẻ tới rạp?

Thì tôi cứ nói thế đã (cười). Hơn nữa Chơi vơi có hãng Thiên Ngân đảm nhận phần phát hành chứ hãng phim của Nhà nước có biết phát hành đâu, xưa nay cứ xong phim là chỉ bán cho Fafilm. Hợp tác với hãng phim tư nhân cũng là để học kinh nghiệm phát hành, quảng bá của họ.

Quay xong phim này anh có vẻ đuối sức?

Làm phim trong tình cảnh không đủ tiền thì không kiệt sức mới lạ!

Hay tại anh đặt tên phim là Chơi vơi nên nó… ám ảnh và khiến anh chật vật hơn?!

Không đủ tiền thì đành cứ để phim đấy thôi!

MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.