Chống văn hóa 'rác': Gạn đục, khơi trong

Chống văn hóa 'rác': Gạn đục, khơi trong
TP - Ngày bế mạc hội thảo khoa học toàn quốc VHNT 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) “Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm VHNT có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao - thực trạng và giải pháp” tại TPHCM 28/11, giới chuyên môn có nhiều ý kiến thẳng thắn.

> Văn học - nghệ thuật với hiện thực đất nước

Nhạc sỹ Thế Bảo: Quản lý nhạc giải trí quá lỏng lẻo

Ngày xưa muốn chơi tốt một loại nhạc cụ phải mất khoảng 10 năm. Bây giờ nhiều người chỉ cần 2 năm. Họ không biết nhạc lý, chỉ cần có người dạy hát. Trong thế giới nhạc giải trí mới có chuyện cho khán giả ăn quả lừa. Công nghệ thông tin sửa chữa được khuyết tật, biến giọng hát bình thường thành chất giọng của danh ca. Nhiều ca sỹ sau khi sửa giọng, ghi sẵn vào đĩa CD, lúc biểu diễn chỉ cần mở đĩa hát nhép.

Chiếm thị phần lớn song quản lý nhạc giải trí rất lỏng lẻo. Cả 64 tỉnh thành đều có quyền cấp phép, nếu TPHCM cấm biểu diễn thì họ sang tỉnh khác. Rồi các đài đua nhau ký hợp đồng phát nhạc giải trí ở khung giờ vàng. Nhạc giao hưởng, thính phòng bị đẩy sang phát sóng lúc nửa đêm. Đây là mặt trái của kinh tế thị trường. Tư nhân đầu tư, mục tiêu hàng đầu của họ là lợi nhuận, không phải phục vụ nhu cầu công chúng.

Sản phẩm rác ảnh hưởng xấu đến phát triển nhân cách thế hệ trẻ. Trước thực trạng ấy, cần có kênh âm nhạc riêng, phát sóng các tác phẩm chất lượng. Các tổ chức xã hội cần tổ chức xét chọn các ca khúc hay nhất và các ca khúc tệ hại nhất trong năm, công bố rộng rãi để đánh động xã hội, định hướng công chúng. Nếu báo Tiền Phong tổ chức, tôi sẵn sàng tham gia.

GS Ca Lê Thuần: Cần giáo dục thị hiếu.

GS Ca Lê Thuần
GS Ca Lê Thuần.
 

Âm nhạc là con dao hai lưỡi, một thứ vũ khí. Nếu không biết sử dụng sẽ gây tác hại đến công chúng, đầu độc thế hệ trẻ. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là quản lý nó như thế nào. Theo tôi, cần kích thích, tạo điều kiện cho các nghệ sỹ sáng tạo và làm hài hòa các thể loại âm nhạc, nghệ thuật. Cái nào cần phát triển, cái nào cần hạn chế.

Ngoài ra, cần nâng cao thẩm mỹ, thị hiếu của công chúng. Làm điều này không thể chỉ ngày một ngày hai mà cần kiên trì với sự tham gia của toàn xã hội, gia đình và đặc biệt là các cơ quan thông tin đại chúng cần có các chương trình giáo dục thị hiếu. Có như vậy mới mong đời sống âm nhạc phong phú, đa dạng.

Diễn viên Thế Anh: Ta đang rơi vào cảnh ăn đong.

Diễn viên Thế Anh
Diễn viên Thế Anh.
 

Hiện nay, từ đạo diễn, diễn viên, biên kịch, hóa trang, quay phim đều theo kiểu truyền nghề. Học “mót” rồi tự làm đạo diễn, phim làm sao hay được. Phim không hay nên nhiều khi người ta phải thu hút người xem bằng các yếu tố dung tục, tầm thường. Điều này rất nguy hiểm, đặc biệt là đối với lớp trẻ bởi giới showbiz hiện rất nhiều thị phi. Mặt trái của kinh tế thị trường là “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”.

Bao giờ nền điện ảnh VN bơi ra biển? Hiện nó chỉ loanh quanh trong khúc sông hẹp mà còn chưa xong. Nhiều người Việt ở nước ngoài nói thấy có phim VN chiếu ở nước ngoài thì rất mừng nhưng càng xem càng đỏ mặt vì nội dung bắt chước phim nước ngoài. Tệ hơn là diễn không tới, không hay như người ta. Vì không được đào tạo bài bản nên sự sáng tạo không có.

VN có nhiều diễn viên giỏi, trẻ đẹp, không thua kém nước ngoài nhưng thiếu một đạo diễn tầm cỡ như Trần Khải Ca, Trương Nghệ Mưu… Ta đang rơi vào cảnh ăn đong. Đó là tận dụng những đạo diễn Việt kiều, không phải đào tạo mất tiền song mục tiêu làm phim của họ là lợi nhuận, xem nhẹ chức năng tuyên truyền, giáo dục.

Rất nhiều đề tài hay, lay động lòng người, phát sinh trong cuộc sống. Đám tang bác Giáp vừa qua, nhiều người mới biết cái đêm ông trăn trở khi thay đổi chiến thuật, kéo pháo vào trận địa Điện Biên Phủ rồi lại kéo ra. Chi tiết hay như thế mà đến nay chưa phim nào khai thác (Thực ra đã có bộ phim của đạo diễn Hà Bắc nhưng là phim hoạt hình 3D - BTV). Rồi mới đây là vụ án oan của ông Chấn ở Bắc Giang.

Trong nghệ thuật, khó nhất là sự sáng tạo. Phải có phông văn hóa rất sâu mới sáng tạo được.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát: Phim “thảm họa” ra thị trường, chúng tôi rất buồn.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát. Ảnh: LT
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát. Ảnh: LT.
 

Tôi là Phó chủ tịch Hội đồng duyệt phim, những phim sản xuất trong nước hay nhập ngoại đều qua hội đồng trước khi cho lưu hành. Khi xét duyệt, nhiều ý kiến băn khoăn: Những phim nghiệp dư, chất lượng yếu quá có nên cho lưu hành không. Tuy nhiên, Luật Điện ảnh và các văn bản hướng dẫn đều không cấm thì không có cơ sở để ngăn chặn.

Tôi khẳng định không có tiêu cực hay chịu áp lực trong xét duyệt. Có chăng là tình cảm, ưu ái phim Việt. Các nhà làm phim dù nhà nước hay tư nhân đã bỏ vốn thì cần tạo điều kiện cho họ thu hồi vốn. Giữa lằn ranh ấy, những người duyệt phim rất khó xử và thường thông qua. Chất lượng những bộ phim ấy để công chúng đánh giá một cách công tâm.

Hiện Luật đấu thầu còn nhiều bất cập. Giá trị đích thực của một sản phẩm điện ảnh là bao nhiêu thì không xác định được. Anh làm kiểu anh, tôi làm kiểu tôi. Thế mà khi đưa ra đấu thầu, người bỏ thầu thấp hơn thì được giao. Nhà nước có thể tiết kiệm vài chục triệu nhưng đổi lại là một sản phẩm chất lượng kém!

Huy Thịnh
ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG