Chớp nhoáng mấy “cảnh quay”

Chớp nhoáng mấy “cảnh quay”
Đại hội Hội Điện ảnh Việt Nam lần thứ VI đã kết thúc, không kịch tính, không khí nhẹ nhàng. Tuy nhiên, đằng sau đó là những bức xúc chưa được giải tỏa.
Chớp nhoáng mấy “cảnh quay” ảnh 1
Đại hội được đánh giá là không có sự đột biến và không có các nhân tố mới

Những gương mặt

Một Đại hội không kịch tính đã kết thúc. Tổng thư ký Hội ĐA VN Trần Luân Kim nay là Chủ tịch Hội ĐA VN, 3 Phó Chủ tịch: Khải Hưng, Đặng Xuân Hải, Dương Cẩm Thúy; ngoài ra còn các tên tuổi BCH khoá 6: Lại Văn Sinh, Vương Đức, Nguyễn Hồ, Phạm Minh Trí, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Nguyễn Thanh Vân.

Vẫn không có thành phần diễn viên trong BCH, Quyền Linh trong danh sách ứng cử không trúng.

Tân Chủ tịch Trần Luân Kim nói: “Chúng tôi xin hứa sẽ bảo nhau để làm tốt nhiệm vụ” làm bầu không khí càng dịu nhẹ hơn, nhiều nghệ sỹ còn nán lại chụp ảnh kỷ niệm trước khi ra về.

Một bản kiến nghị của Đại hội 6 cũng được gửi đến các cấp lãnh đạo, với một số ý chính sau: Để sử dụng ngân sách Nhà nước làm phim đạt hiệu quả cao, cần nghiên cứu cải tiến phương thức quản lý, có thể tổ chức thí điểm hình thức xét chọn phương án làm phim tốt nhất và nghiệm thu tác phẩm theo hợp đồng;

Quy định thành luật chế độ đãi ngộ đặc biệt đối với những tài năng có cống hiến xuất sắc, tạo điều kiện đầy đủ cho tài năng trẻ trưởng thành và cống hiến;

Có kế hoạch xây dựng phim trường hiện đại đáp ứng nhu cầu cơ bản và lâu dài của hoạt động sản xuất phim ĐA và truyền hình;

Tập trung cải tiến quy trình, cơ chế duyệt tác phẩm thông qua các tiêu chí cụ thể và khả thi, thống nhất giữa các ngành liên quan trên cả nước, hiệu quả kiểm duyệt phải được thể hiện đồng thời ở hai mặt: mặt định hướng chung và mặt kích thích sáng tạo, phải thật sự tạo sự thoải mái, bay bổng và trách nhiệm nơi người nghệ sĩ…

Lời khẩn cầu

Đạo diễn Trần Vịnh photo bản tham luận của mình thành nhiều bản để phát cho ai cần. Tham luận có những đoạn: “Cách đây 3 năm tôi làm phim "Đối mặt" dài 10 tập nói về mặt trận Vĩnh Linh thời điểm 1968 đến 1990 với 30 nhân vật, hàng nghìn diễn viên quần chúng, đánh hàng trăm quả nổ, phải dựng nhà, đào hào… thế mà toàn bộ số tiền tôi nhận cho phim gồm: nhuận bút kịch bản, đạo diễn, tiền diễn viên đóng, diễn viên lồng tiếng ăn ở đi lại, thiết kế bối cảnh phục trang là 327 triệu, xin thêm được Tỉnh ủy Quảng Trị 70 triệu, làm phim xong không có tiền lồng tiếng tôi phải bán xe hơi riêng để bù vào cho phim hoàn thành”.

 “Xin thưa các đồng chí, tôi cũng là thằng ăn mày cao cấp, tất cả những phim làm về đề tài chiến tranh cách mạng ở các địa phương tôi đều xin thêm tiền mới làm được…”;

 “Hiện nay số tiền mà hãng phim truyền hình VN đầu tư: kịch bản 70 phút là 3,5 triệu/tập; đạo diễn được 3,5 triệu/tập, quay phim chính từ 1,7 đến 2 triệu/tập (không bằng quay đám ma đám cưới), nhạc sĩ sáng tác cả phòng thu, nhạc công 1,5 triệu/tập.

Tiền ít chúng tôi vẫn phải làm, ít nữa cũng vẫn phải làm bởi vì phải tồn tại bằng chính nghề của mình, phải đối phó bằng cách quay cho nhanh đơn giản, tránh phức tạp”;

“Chỉ khẩn cầu đến các đồng chí lãnh đạo hoạch định chính sách cụ thể hơn nữa. Những nhà đài quan tâm đến phim VN một cách thiết thực hơn nữa để những người biên kịch, những đạo diễn, quay phim, diễn viên chúng tôi có điều kiện góp sức cho xã hội với những bộ phim tốt hơn nữa.

Chưa cần nhiều, chỉ 150 triệu/tập phim, biên kịch được 10 triệu/tập kịch bản, đạo diễn được 10 triệu/tập, quay phim 5 triệu/tập, diễn viên vai chính 3 triệu/tập”...

“Đông- ki- sốt” ở Đại hội

Ông Nguyễn Đức Kôn đến dự ĐH 6 trong danh mục nghề nghiệp: Lý luận phê bình - ngành chỉ chiếm 2% số đại biểu.

Ông bộc bạch nỗi niềm của mình bên ngoài hội trường: Tôi rất bức xúc, rất buồn, lần sau dự ĐH làm gì nữa vì mất thì giờ, còn nhiều việc khác cần làm.

Trong khi ĐA của ta đang có quá nhiều vấn đề từ quản lý, sáng tạo đến lý luận phê bình, quá nhiều bức xúc thì nên tập trung vào những vấn đề ấy, nói thẳng, nói thật, nói đúng cái cần nói trong tham luận chứ cứ dĩ hòa vi quý thì sẽ không tới một cái gì cả.

Cứ hô hào nâng cao tính lý luận phê bình, thực sự lý luận phê bình chết từ lâu rồi.

Mà tôi trách cả những người làm lý luận phê bình nữa, đáng ra các anh phải dũng cảm hơn, nhưng làm mà chẳng có gì thì họ cũng chán.

Cứ nói lý luận phê bình là một chân kiềng không thể thiếu nhưng có một điều thế này: chỉ cần cấp phần kinh tế tối thiểu cho những người làm phê bình hưởng trong cả một nhiệm kỳ, ví dụ một bộ phim làm trên 10 tỷ thì cho chúng tôi 1 tỷ thôi là đã sống được rồi, sống trong 5 năm chứ không đến nỗi tê liệt, mất hướng thế này.

Thực tế tài trợ cho lý luận phê bình không có đáng gì cả. Bản thân tôi tâm huyết thì viết thôi chứ không được ăn cái giải gì cả, viết ra thì bị đánh đấm, chửi rủa. Người ta gọi ông Đức Kôn là một thứ “Đông- ki- sốt”, tôi đau khổ lắm.

Tiền không có mà cứ lao vào thế này, nhưng đó là nghiệp rồi, trót đâm lao thì phải theo lao chứ nhiều khi ngán đến tận mang tai. 

Ở các nước khác lý luận phê bình chính là người đi đầu, họ không những là những người hiểu nghề, có học vấn về lịch sử, lý luận mà còn đánh giá tác phẩm rất khách quan. Stanislapski nói: “100 năm mới sản sinh ra một nhà phê bình đích thực”, khó khăn đến thế đấy!

 “Nhưng người ta có cảm giác anh hơi quá khích, cái gì anh cũng chê?” Đừng nói là tôi chỉ có chê. Tôi khen đấy chứ, Mùa len trâu, Thời xa vắng hay ngày xưa là Cánh đồng hoang, Thương nhớ đồng quê…

Còn cái gì dở thì phải chê, những phim mà quá tốn kém, ít người xem, hại của dân của nước thì không chấp nhận được.

 “Anh thấy kiểu đào tạo ĐA của ta hiện nay thế nào?” Rất nghiệp dư, chẳng giống ai cả, lãng phí kinh khủng, cổ lỗ sĩ cả về thầy dạy lẫn giáo trình, phương pháp, mà học sinh bây giờ cũng nhiều em lười và hư…

Làm phim tư nhân là một xu hướng tất yếu, hãy cứ để họ làm, bên cạnh dòng bác học nghệ thuật thì cũng để tư nhân làm dòng giải trí lành mạnh. Nếu họ làm giải trí lành mạnh thì tôi ủng hộ hoàn toàn.

Nhưng làm thế nào để phim sạch sẽ hơn, có thẩm mỹ hơn, chứ đừng có làm giải trí một cách vô tội vạ, kiểu kiếm tiền một cách vô tội vạ.

Cứ tình hình này, lực lượng kiểu này, làm ăn kiểu này thì tôi e 3 năm sau thôi, sẽ trở lại như tình trạng của phim “mì ăn liền” những năm 90.

MỚI - NÓNG