Chưa đã với 'Mộng ước không xa vời'

Cảnh trong Mộng ước không xa vời. Ảnh: Tuấn Đào.
Cảnh trong Mộng ước không xa vời. Ảnh: Tuấn Đào.
TP - Mộng ước không xa vời tiếp tục đông khách tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội. Vẫn chưa ai cạnh tranh với Nguyễn Phi Phi Anh và đồng bọn trong thị phần nhạc kịch trẻ trung, mang tính giải trí cao. Nhưng khán giả có quyền đòi hỏi hơn thế…

Sau thành công bất ngờ của hai vở Góc phố danh vọngĐêm hè sau cuối - luôn đông khách kể từ khi diễn lần đầu vào 2012 và 2013 - có thể hình dung vở diễn thứ ba của Nguyễn Phi Phi Anh (PPAN) được trông đợi ra sao. Thông tin từ BTC: sau 48h mở bán, vé cho đợt công diễn đầu tiên của vở vào đầu tháng 3 đã được mua hết.

Có thể thấy chính tác giả cũng bị áp lực về thời gian khi phải cho ra vở mới nối tiếp thành công của hai vở cũ. Mộng ước không xa vời lên sàn chậm cả tháng so với kế hoạch. Kịch bản khá ly kỳ, có thể nói lớp lang hơn hai vở trước, nhưng có lẽ tác giả và ê-kip cần nhiều thời gian hơn để dàn dựng.

Ấn tượng ban đầu về vở diễn dài hai tiếng rưỡi là hơi lê thê khi để diễn viên múa hát hơi nhiều. Vở diễn có cả phần âm nhạc mở màn (overture) qua việc để cho 3 giọng nữ ra hát vocal. Ở giữa tự nhiên có màn nhảy múa chắc hẳn là interlude (tiết mục chuyển tiếp). Nhạc kịch nhất là opera thường có những phần đó nhưng tất nhiên nó được viết riêng với chủ đề âm nhạc gắn bó với nội dung vở diễn.

 Trong khi Mộng ước không xa vời cũng như hai vở còn lại làm nên thương hiệu PPAN vẫn vừa vặn hơn với tên gọi kể chuyện bằng nhạc. Với phần âm nhạc lựa chọn từ những bài hát có sẵn mang tính giải trí hơn là thể hiện tính cách nhân vật hoặc không khí vở diễn. Tất nhiên với sự nhạy cảm của một đạo diễn, PPAN chọn nhạc và đặt lời khá phù hợp.

Với Mộng ước không xa vời, khán giả bước đầu thỏa mãn với một kịch bản tích hợp những yếu tố hấp dẫn từ hai vở diễn trước. Nếu Đêm hè sau cuối có trinh thám, án mạng và khoa học viễn tưởng (phi thuyền, người hành tinh khác) thì Mộng ước không xa vời không kém cạnh. Hai nhân vật Ken và Mina rủ nhau du hành về quá khứ cứu nhân loại khỏi thảm họa tuyệt diệt. 

Cụ thể họ phải ngăn chặn một vụ giết người. Quán Mây Thần Tiên trong Mộng ước không xa vời cũng gợi nhớ bối cảnh ăn chơi ca kỹ của Góc phố danh vọng. Mộng ước… cũng có một nhân vật ca sĩ, sau chuyển nghề MC. Tự dưng cô này có ý định muốn tự tử, mà động cơ (mượn từ câu chuyện thời sự trong showbiz) không thuyết phục cho lắm.

 Đó cũng là logic dựng vở của PPAN: thà kiếm trò cho khán giả cười còn hơn là xây dựng kịch bản nghiêm ngắn. Ngay động cơ giết người nghiêm trọng là thế cũng chỉ được nhắc qua loa. Bởi đào sâu vào đó, vở diễn chắc không còn là hài kịch.

Hầu hết nhân vật chính trong Mộng ước… chưa định hình tính cách và do đó chưa thể để lại ấn tượng- là điều mà hai vở trước phần nào làm được. Nhân vật được coi là điểm nhấn- Hồng, cũng lại không nhất quán. 

Đang là bệnh nhân tâm thần, cuối vở lại thành tỉnh táo. Một số nhân vật khác cũng lúc mê lúc tỉnh tùy hứng đạo diễn, cốt gây tiếng cười. Ngay tên Mộng ước không xa vời cũng không liên quan lắm đến nội dung vở diễn. Có vẻ nó được nghĩ ra trước khi kịch bản hoàn thành.

Nhưng tất cả hạn chế của Mộng ước… không phải vấn đề lớn vì đây mới là đợt công diễn đầu tiên. Nhạc kịch kiểu Broadway dù sao vẫn là của hiếm ở Hà Nội và PPAN đang nắm thế độc quyền. Đi theo anh còn có dàn diễn viên trẻ khỏe, đầy tài năng và nhiệt huyết. Khán giả thì vẫn đang háo hức đón chờ những lần tái diễn có bổ sung hoàn thiện sắp tới.

Dự án nhạc kịch HOPE với ba vở Đêm hè sau cuối, Góc phố danh vọng và Mộng ước không xa vời sắp hoàn tất kế hoạch diễn 35 buổi cho 1 vạn người xem. Sáu đêm cuối (3,4,5 và 10,11,12/4) dành cho vở nào khán giả muốn xem lại nhất. Đường dẫn bình chọn cho khán giả yêu thích nhạc kịch PPAN: http://bit.ly/2mP98uj

MỚI - NÓNG