Chửa văn bản

Chửa văn bản
TP - Trên 15 năm trước tôi có ông bạn mua đất ở Bắc Ninh, những năm ấy giá đất chưa sốt. Cả cái thổ cư 500 mét có nhà cấp bốn, vườn rộng thênh thang giá chưa đầy 40 triệu. Hỏi mua làm gì khi cả nhà đang giữa nội thành? Thì nó bảo dăm trăm mét đất giá chừng ấy, dại gì không mua!

> Làng anh, làng em

Thời gian sau thấy nó nói chuyện đưa phần mộ bố mẹ về đất ấy, ở góc vườn, vì để ở Yên Kì thì xa quá.

Giờ mới biết nó có tầm nhìn. Chả biết đúng thế không hay chó ngáp phải ruồi.

Hôm trước về quê có việc hiếu, ngồi với mấy chú em mới biết một chuyện suýt bật ngửa người: người sinh ở quê nhưng đi làm ăn xa mà tạ thế, muốn về nằm trên nghĩa địa dòng họ ở quê phải trả vuông đất chôn cất ấy là 25 triệu theo quy định mới! Người quê ít hơn thì vài ba triệu. Cách đây 10 năm, nhà tôi mất, đưa về quê chồng chỉ phải nộp năm trăm nghìn lệ phí. Loanh quanh 10 năm, tăng giá đất cho người chết 50 lần bổ vào đầu người sống.

Tất nhiên với người giàu thì nộp vài chục triệu chẳng là bao, nhưng người nghèo muốn về quê nằm với con cháu kiếm được chừng ấy tiền không dễ. Nhưng vấn đề cũng không hẳn là tiền!

Người chết rồi, chôn đâu chả được. Nhưng người sống bị hành, phải nôn tiền ra cho việc chôn cất. Mặc dù ai cũng biết con người sinh ra từ đất. Chết nằm xuống là về với gốc, với cội nguồn chứ có đi đâu.

Nghe chuyện chợt cay cay sống mũi, tủi thân cho những người nằm xuống mà vẫn còn muốn tìm đường về quê nằm với họ mạc.

Ngẫm đời một con người sống làm ra bao nhiêu của cải cho xã hội, ai chả đóng góp ít nhiều. Khi nằm xuống cần được ra đi nhẹ nhàng thư thái trong tình thương yêu của gia đình họ hàng làng nước, thì nay lại có quy định ăn theo cái chết nữa, chẳng quá tủi thân hay sao?

Có người bảo tôi, thế là rẻ anh ơi, chỗ em thu 35 triệu mấy năm nay rồi. Tôi cũng chưa kịp hỏi ủy ban xã xem một năm thu vào ngân sách địa phương được mấy trăm triệu và dùng tiền đó tiêu vào việc gì mà đẻ ra cái quy định thất nhân tâm thế.

Bây giờ kể cũng lạ, cứ quy định mới nào về bất cứ vấn đề gì đều có khoản quy ra tiền, mà tiền thì năm sau cứ tăng hơn năm trước vài lần là chuyện thường.

Cần tăng thu là bàn bạc để đẻ luôn ra một quy định chứ không phải quy định như một nhu cầu quản lý xã hội. Rất khó kiểm soát văn bản, chả biết nguồn văn bản đó từ ở đâu ra. Dân mình thì cứ có yêu cầu thu là phải nộp, cấm cãi. Cắn răng mà chạy tiền.

Một ông cụ trong thôn có tính hài hước bảo: Chính quyền bây giờ mắn đẻ văn bản lắm, gớm cứ chửa sòn sòn, văn bản đẻ dầy, năm vài ba cái, dân lấy tiền đâu mà nuôi nổi! Nhưng mà cũng khối cái đẻ non chết yểu!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.