Chùm truyện rất ngắn của Nguyễn Nguyên An

Minh họa: Đỗ Hiệp
Minh họa: Đỗ Hiệp
TP - Đã in hai tiểu thuyết (đều NXB Công an nhân dân), ba tập truyện ngắn và tập Cơn mê của gió – thơ, NXB Thuận Hóa 2011; Nguyễn Nguyên An (tên thật Nguyễn Văn Vinh, sinh năm 1952, tại Huế) vẫn giữ được lối viết hồn nhiên.

Điều hay, sự hồn nhiên này bắt đầu chạm đến sự thấu triệt lẽ đời. Điều hay nữa, truyện cực ngắn của Nguyễn Nguyên An thẳng và mạnh, khác với lối thường của văn nghệ sĩ xứ Huế.

Có được điều này không dễ, tôi e anh cũng đã từng kinh qua nhiều gian khổ.

Chờ chút

Hồi những năm tám mươi thế kỷ trước, Ga Nha Trang ngột ngạt hơi người chờ tàu. Tôi bảo vợ: “Ra biển ngủ, khuya vô choán chỗ mua vé, em hè”. Vợ tôi đồng tình. Tôi liền gom đồ đạc gia đình tôi trong một đôi quang gánh. Đến biển, vợ tôi dặn: “Anh nấu cơm, để em đi chợ”. Tôi đào bếp và sai đứa con gái đầu tám tuổi kiếm ít củi vụn nhen lửa. Con chị dắt thằng em theo để lại đứa con út hai tuổi cho tôi trông. Cu út lẫm chẫm nghịch cát. Nó đang chơi, chợt như nhớ điều gì đó, đến bên tôi mặt buồn hiu, thểu não nói : “…on… ói… ụng rồi ba !…”. Con gái tôi và em nó về, nghe em đòi ăn liền mau miệng dỗ: “Chờ chút mẹ về…”.

Tám con mắt đục thủng biển đêm chờ… Chờ một chút vậy mà đã hơn hai chục năm…

Đau con mắt

Ba mươi tám tuổi Hạo mới lấy được Tiên cùng tuổi. Hạo và Tiên ngày ngày hủ hỉ hạnh phúc. Tiên có bầu, cái tính lười biếng, đỏng đảnh thời con gái đến suýt ế chồng lại trở về. Tiên thích nằm ì một chỗ. Đã vậy, Tiên còn sai bảo, hạch sách Hạo đủ điều. Buổi sáng, thức dậy, Tiên ngồi dựa ngửa trên ghế gọi:

- Anh H…oo…Hạo !

Hạo chạy đến lăng xăng đánh răng, rửa mặt cho vợ.

Một hôm, Tiên đòi đi chợ sắm tã lót. Chợ đông, Hạo chạy tới chạy lui, giơ cánh tay phải ra hất người người đang tranh mua tranh bán dẹp đường cho Tiên, miệng la :

- Tránh… tránh…

Ai thấy cảnh ấy cũng đau con mắt. Đứa bé trong bụng Tiên do mẹ thiếu vận động cũng không chịu ra đời!

Kẻ cắp

Sau một cuốc xe mệt lử dưới nắng 39oC, tôi ghé quán ven đường uống ly nước giải khát. Cạnh bàn tôi có hai người đàn ông ngồi nhậu nhẹt, trên bàn ê hề đặc sản. Người đàn ông to béo, nói:

- Muốn xin, con viết đơn đưa thủ trưởng con ký, ba duyệt là xong. Ba còn tại chức năm nay nữa, để ba gửi thư tay cho thủ trưởng con, ổn cả. Con sẽ thấy một tiếng nói của nhạc phụ con năm bảy chục triệu là chuyện nhỏ.

Minh họa: Đỗ Hiệp
Minh họa: Đỗ Hiệp.

Đúng lúc ấy một con bé đi xin lê chân đến, ngửa nón:

- Xin ông cho con năm trăm.

Người đàn ông to béo vất tờ một ngàn xuống bàn. Con bé cóm róm tới nhặt. Ông nói:

- Mày có biết đi xin như vậy là đồng loã với kẻ cắp không? Liệu hồn bỏ nghề không thôi ông cho người đưa vào trường giáo dưỡng nghe chưa.

Tình già

Dạo tôi dạy học ở cù lao Dung, một dải cồn toàn đất phù sa cuối nguồn một nhánh Cửu Long đổ về, nhờ rễ bần mọc ngược giữ đất lại, nổi cồn từ năm 1952. Tôi quen vợ chồng má Tư mù là dân lang thang về sinh sống nơi đây. Một buổi tối chập choạng, tôi sang nhà má Tư để nghe chuyện đời của ông Tư. Tôi giật mình thấy má ngồi ăn một rổ rắn nước luộc chín, những con rắn cong queo, vằn vẹo dưới ánh đèn dầu nhập nhoà trông rất dễ sợ. Ông Tư ngồi bóc rắn đút má ăn. Ông bà Tư mời tôi ăn rắn, tôi không dám. Mấy hôm sau tôi nghe mấy anh trai làng đi dụt đất về nói:

- Ông Tư đi bắt rắn, bị rắn hổ cắn chết rồi!

Sau đám tang chồng, má Tư mù trầm mình xuống sông Cửu Long. Bà con xóm kinh tế mới xao xác tìm mãi không thấy xác má!

Cha

Từ nhỏ tôi thường thấy cha tôi đi bất cứ đâu cũng cầm theo cái cuốc, dù lúc ấy cha tôi mặc áo dài đen, đầu đội khăn đóng đi ăn giỗ. Trên đường về nhà, cha tôi ngửa cái cuốc xúc phân trâu do bọn trẻ mục đồng để trâu, bò vương vãi dọc đường làng. Còn những khi cha tôi muốn đi tiểu, cha tôi chạy về tiểu vào cái ghè đất nung sau vườn, nếu không kịp, cha tôi tiểu xuống đám ruộng lúa nước của ai đấy để thêm chút u-rê cho lúa. Đụn phân trâu, bò trộn chung với cỏ bổi để hoai dành trồng trọt, chăm bón cây trái vườn nhà nhờ thế mà cứ đầy lên lúc nào không hay.

Khi tôi già gần bằng cha tôi, làng tôi thành khu thị tứ sầm uất. Một chiều tôi thả bộ trên vỉa hè lát gạch láng tìm cửa hiệu bán phân, giống, thuốc trừ sâu hỏi mua ít phân chuồng để vào chậu kiểng. Tôi bỗng nhớ cha vô hạn!

Mẹ

Chiến tranh mẹ mất tay. Một người đàn ông gửi con trong lòng mẹ rồi đi! Mẹ nuôi dạy con không tay. Thuở bé, con hỏi: “Tay mẹ đâu?”. Mẹ âu yếm con bằng mắt: “Là con đó”. Lớn lên, con tách mẹ tìm yêu. Bạn trai con xin nguyên vẹn đời con rồi xô con ra giữa ngày giông gió. Con trở về ôm con thơ chạy tìm mẹ, lao đao nửa đời khát vọng. Con thắp ba nén hương, khấn:

- Lạy mẹ tha thứ cho con. Con muôn vàn hối lỗi ăn năn!

Giữa hư không mẹ cười. Nụ cười mẹ nghiêng một vằng trăng khuya khoắt bao dung.

Cắt ngắn

Tôi tập viết truyện rất ngắn. Đời tôi lận đận nên chữ cứ tràn đầy trang giấy. Tôi phải cắt ngắn lại. Tôi ngồi dính bàn suốt đêm vật lộn với những con chữ, mặt trời lên cao lúc nào tôi không hay. Mừng quá, tôi đã cắt ngắn. Nhưng trên trang giấy, vương nhúm tóc tôi rụng trong đêm! Hoá ra cắt chữ cũng đau như cắt thịt mình, ai chịu đau mới cắt được ngắn.

Sợ

Lão Biền suốt đời cuốc xới trên mảnh đất lụn vụn đá núi vườn nhà. Lão lăn lộn, sấp ngửa với đất đai hơn sáu mươi năm nên lão rất yêu đất, thích cuốc xới và những công việc lao động nghề nông. Một bữa tối, trong người mệt mỏi lão ngủ thiếp đi và mơ thấy lão rơi xuống một nơi giàu sang, tráng lệ. Người ta xây dựng hết thảy, không một cục đất nhỏ! Trong xã hội quá phồn vinh ấy, người ta vui chơi dậm dật. Lão bị ngồi không, không có việc làm, lão bỗng nhớ việc, nhớ đất, hai tay vòng bó gối ngồi khóc hu...hu...Lão đang khóc, có một phụ nữ rất đẹp, vàng bạc đầy người đến an ủi lão và bỗng nhiên bà ôm chầm lấy lão. Lão như bị phỏng lửa, thét lên:

- Bớ người ta cứu tôi với!

Lão bừng tỉnh dậy, vẫn thấy quanh lão một mái nhà tuềnh toàng thân thương, khu vườn giữa canh khuya chìm trong hương đất, hương cây lá, thỉnh thoảng cơn gió nhẹ quyện vào mũi lão mùi cỏ dại ngai ngái thân thuộc. Lão không dám ngủ tiếp nữa, đi bắc nước pha trà ngồi chong đêm. Thâm tâm lão không dám đi ngủ lại, sợ lại rơi vào giấc mơ, rơi vào chốn tráng lệ, nguy nga mà không có điểm tựa chắc chắn trên mặt đất.

Phát hành thơ

Từ khi lên phó giám đốc, Tư bỗng làm thơ. Không phải Tư lấy văn thơ làm sự nghiệp, mà vì muốn thể hiện để anh em nể năng lực Tư. Tư nghĩ: “Mình phải xuất bản cho thiên hạ lé mắt chơi”. Tư xuất tiền túi in thơ. Thơ Tư chẳng ai thèm mua. Bạn Tư bày:

Minh họa: Đỗ Hiệp
Minh họa: Đỗ Hiệp.

- Ông đem thơ vào các xí nghiệp tặng cho các thủ trưởng một vị một tập nhờ họ giúp vài chục cuốn. Nếu ông quen với trưởng phòng giáo dục huyện, ông bảo ông ta mua thơ ông dành làm phần thưởng cuối năm cho học sinh toàn huyện, ông phát hành hết cái vèo à.

Tư nghĩ cương vị Tư phó giám đốc không thể hạ mình như vậy được. Cuối tháng, khi cơ quan phát lương. Tư nhờ thủ quỹ bày thơ ra bán, các tập thơ đều có chữ ký và lời đề tặng của đương kim phó giám đốc. Tư phát hành hết sạch thơ của mình mà không cần xin xỏ một ai!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.