Chứng cứ về thiên đường của tiến sĩ y khoa

Oprah Winfrey đưa tác giả Chứng cứ về thiên đường lên truyền hình khi cuốn sách ra mắt lần đầu ở Bắc Mỹ 10/2012. Ảnh: oprah.com.
Oprah Winfrey đưa tác giả Chứng cứ về thiên đường lên truyền hình khi cuốn sách ra mắt lần đầu ở Bắc Mỹ 10/2012. Ảnh: oprah.com.
TP - Sách về trải nghiệm thế giới bên kia của những người may mắn trở về không hiếm. Nhưng chắc chẳng mấy khi người kể lại chuyến hành trình qua “cõi chết” là tiến sĩ y khoa. Vì thế mà Chứng cứ về thiên đường (Proof of Heaven) bao gồm cả những chứng cứ khoa học về một hiện tượng trường diễn trong lịch sử nhân loại: Trải nghiệm cận tử. NXB Thế giới vừa ấn hành cuốn sách này.

Là nhà phẫu thuật thần kinh danh tiếng ở Mỹ, tiến sĩ y khoa Eben Alexander có đầy đủ căn cứ để tin những lời kể về trải nghiệm cận tử của các bệnh nhân là do não bộ bị tổn thương của họ ngụy tạo nên. Cho đến khi chính ông rơi vào trường hợp tương tự.

Vào ngày 10/11/2008, Eben được xe cấp cứu đưa đến bệnh viện với chẩn đoán viêm màng não. Các bác sĩ phát hiện ra một chủng khuẩn E.coli hiếm gặp trong dịch não tủy của ông. Tức là bao quanh não Eben toàn mủ. 

Nguyên nhân căn bệnh không thể xác định. Căn cứ vào tình trạng lúc Eben nhập viện, bác sĩ xác định tỷ lệ tử vong tới hơn 90%. Tỷ lệ này tiếp tục tăng khi Eben rơi vào hôn mê. Sau 7 ngày, đúng lúc các bác sĩ chuẩn bị rút ống thở thì Eben hồi tỉnh. Đáng chú ý là trước khi hôn mê, ông còn kịp hét lên: “Chúa, cứu con!”, dù trước đó ông tự nhận mình không mộ đạo cho lắm.

Có những người chết lâm sàng chỉ trong mấy tiếng cũng ra được sách, huống hồ một tuần. Nhưng theo Eben, thời gian ở “thế giới bên trên” chỉ có tính tương đối. Chứng cứ về thiên đường được cái là chuyện chính được kể khá tường tận, chi tiết vừa đủ để thỏa mãn tò mò của người đọc. 

Trong khi chuyện đời của tác giả vốn đã khá ly kỳ lại được kể bằng giọng văn khúc chiết, tinh tế. Dường như bộ phận phụ trách ngôn ngữ trong não của những người có khả năng… mổ não cũng rất phát triển.

“Khía cạnh vật lý của vũ trụ chỉ là một hạt cát bé nhỏ so với phần vô hình và tâm linh của nó. Theo quan điểm trước kia của mình, tôi sẽ chẳng bao giờ dùng từ “tâm linh” trong các cuộc thảo luận khoa học. Nhưng giờ thì tôi tin rằng đó là một từ mà chúng ta không thể không nhắc tới”. 

Theo Eben, đó có thể chính là thứ mà các nhà vật lý thiên văn vì không xác định nổi (phần họ xác định được chỉ chiếm 4% khối lượng vũ trụ) nên vẫn gọi là “vật chất tối”, “năng lượng tối”. Hai trăm trang sách của Eben Alexander có thể xem là dấu gạch nối mềm mại giữa hai lãnh địa vốn bị chia cắt: khoa học và tâm linh.

MỚI - NÓNG