Chúng tôi làm xẩm!

Chúng tôi làm xẩm!
TP - Tháng trước, chuẩn bị cho đêm khai trương, cả nhóm hồi hộp. Giữa Thủ đô mà vận quần áo nâu, con gái thì áo nâu yếm thắm váy“bu gà” (váy đụp), đi chân đất và mang mấy câu hát xẩm, liệu...

Sân khấu dựng ở mặt phố Hàng Ngang gần nhà 48, khá sang trọng trải thảm đỏ thẫm, cao chừng nửa mét. Vừa tạo được ngăn cách (yếu tố không thể thiếu của sân khấu chuyên nghiệp) lại vừa có sự gần gũi với người nghe (yếu tố đặc trưng của hát xẩm).

Bài “Vui nhất có chợ Đồng Xuân” vang lên: Hà Nội như động tiên sa/Sáu giờ tắt hết đèn xa đèn gần. Rồi Líu lo chú khách Pánh Pò Pán lao qua giọng NSƯT Thanh Ngoan cá tính hóm hỉnh.

Phía dưới GS.TS Phan Đăng Nhật và nhạc sĩ Nguyễn Cường cười sảng khoái. Chắc chắn hai ông hiểu ý của câu này, cực kỳ dân dã: Chẳng qua cu cậu kia rao hàng Bánh Bò Rán nào nhưng ngọng!

Sau lời hát kể đủ thứ hàng, khán giả lại được phen cười ngả nghiêng với NSƯT Xuân Hoạch đầm ấm, có phần hơi bàng hoàng: Lại những kẻ cắp như rươi/ Hở cơ chốc lát – Tiền ôi mất rồi... Thanh Ngoan chêm vào: Giậm chân xuống đất kêu trời. “Giậm chân xuống đất” nhưng giọng vút lên.

“Vui nhất có chợ Đồng Xuân “xôm” nhất trong “vốn” bài nhóm đang có, khi phục dựng nhóm đã khai thác triệt để yếu tố gây cười nên muốn “tung” ngay lần đầu để lấy không khí. Dí dỏm, tràn đầy lạc quan là một trong những đặc trưng của hát xẩm. Nhưng chỉ thế thôi chưa thể chinh phục người Hà Nội.

NSƯT Văn Ty kính đen, cầm đàn nguyệt gảy những giai điệu xẩm Chợ: “Mục hạ vô nhân chúng anh đây/ Nghe em nhan sắc lòng xuân anh bỗng dạt dào”. Mấy người đàn ông cao niên cười hả hê, cô bé tên Hoa nhà ở mãi dưới Mai Dịch ghé tai tôi thắc mắc. Tôi giải thích, họ cười phục tài dùng chữ của cụ Nguyễn Khuyến.

“Mục hạ vô nhân” là chỉ mấy anh xẩm khiếm thị, đã khiếm thị thì có nhìn được ai đâu, nhưng biết mấy em gái xinh tươi lướt qua thôi mà “lòng xuân” đã “dạt dào”. Cái tài ở chỗ chuyển từ “Nhìn” thành “Nghe”. Nhưng ý tứ sâu hơn ấy là: Cuộc sống khốn khó cùng cực họ vẫn lạc quan.

Điểm nhấn được trông đợi nhất có lẽ là điệu xẩm Tàu điện, riêng có ở Hà Nội, xuất phát từ nửa đầu thế kỷ XX, sáng tạo trong quá trình chuyển dịch môi trường diễn xướng từ thôn quê ra thành thị. Điệu Tàu điện trữ tình tinh tế nhưng cũng hàm chứa dí dỏm và thường khai thác thơ Nguyễn Bính.

Đêm khai trương, Mai Tuyết Hoa thể hiện bài tủ: “Giăng sáng vườn chè” (trích Thời trước của Nguyễn Bính). Những điệu xẩm mang tính trữ tình, giai điệu bóng bẩy nói về tình yêu đôi lứa, về những chiêm nghiệm hay răn dạy của các bậc tiền bối thực sự được đồng cảm. Một điều tạo ngạc nhiên cho khán giả: Công trình phục hồi  nhưng lại có tới phân nửa là người trẻ tuổi.

Đêm diễn đầu tiên thành công, mỗi thành viên được động viên. Đến tối thứ Bảy tuần thứ 2 sân khấu luân chuyển qua đầu phố Hàng Đào, nhìn ra phía vòi phun nước và Hồ Gươm nên níu chân hàng nghìn khán giả. Truyền hình Hà Nội, VTV1, VTV4 góp mặt càng làm tăng nhiệt tình của các thành viên. Nhưng rồi “sóng ngầm” bắt đầu nổi lên. 

Bất chợt nhận được lời từ giã của hai nghệ sĩ  trụ cột, rồi “tuần tới bận không tham gia được”. Nhóm có chục người mà nghỉ 4 thì “vỡ” là hoàn toàn có thể. NS Thao Giang triệu tập số còn lại, NS Hạnh Nhân (tay nhị điêu luyện) buồn thiu: “Hôm qua xem truyền hình thằng con trai tôi gọi điện chúc mừng. Nhưng đến khuya lại bảo bố nên thôi”. Thì ra cái định kiến một thời vẫn chưa gột bỏ được!

Tuần thứ 3 thì hoãn vì nguy cơ mưa. Tối thứ Bảy tuần thứ 4, chỉ Thanh Ngoan vắng mặt vì diễn ở Pháp. Đêm diễn thứ 4 này sân khấu chuyển đến cửa chợ Đồng Xuân. Chương trình hết được gần chục phút, bà con vẫn đứng quanh yêu cầu hát thêm, hỏi han về xẩm. Khí thế lại hừng hực!

Tối 29/4 là chương trình đầu tiên của tháng thứ 2, sân khấu sẽ đặt ở phố Hàng Ngang. Có mặt ở Hà Nội những ngày lễ này hãy đến thưởng thức và chia sẻ những buồn vui chuyện xẩm cùng chúng tôi. Nhưng không may trời mưa thì hãy chờ thứ Bảy kế tiếp!

MỚI - NÓNG