Chuông thành nước, đá thành vôi

Chuông thành nước, đá thành vôi
TP - Di tích cháy nhiều. Đã cháy thì vô phương cứu chữa. Sau vụ cháy đền Lê Lai, Sở VH-TT&DL Thanh Hóa chỉ còn biết nói: “Chúng tôi rất đau xót, chúng tôi xin lỗi bộ, vì đó là nguồn vốn chống xuống cấp của bộ. Giờ cháy hết rồi”.

> Đầu tư 18,6 tỷ đồng tôn tạo chùa Một Cột
> Phóng sự ảnh: Chùa Một Cột ở Mátxcơva

Cách đây mấy năm, tại cuộc họp báo chuẩn bị cho mùa lễ hội tại một di tích nổi tiếng tại Hà Tây (cũ), phóng viên báo điện tử nọ mạnh dạn hỏi “Tiền công đức được quản lý như thế nào?” Cả hội trường ngoảnh nhìn cô ấy với cái nhìn dành cho người từ trên trời rơi xuống, bởi tiền công đức, theo quan niệm của số đông, là dành cho đền chùa, ban quản lý hay địa phương không được chàng màng.

Nay thì câu hỏi ấy trở lại với tính thời sự cao. Giáo sư Trần Lâm Biền kể: “Người dân nói với chúng tôi rằng trước đây về làng tự hào khoe đó là chùa làng tôi, còn bây giờ là chùa của sư và của người khác”.

Và phải chăng, như vậy thì di tích không còn thuộc về dân nữa, sự kính trọng không còn nữa, cái thiêng không còn trong tâm khảm dân bản địa nữa nên nhiều khi dân không mặn mà cứu, cũng không lễ bái nữa (họ mất niềm tin bởi nơi đây chỉ làm dịch vụ ăn theo số lượng khách thập phương viếng thăm)?

Cuộc đua di tích di sản cấp này cấp kia đang khốc liệt. Hằng năm, tính trung bình, mỗi di tích ngốn biết bao nhiêu tiền của tu bổ từ Bộ rót xuống (tu bổ chưa chắc đã đúng đã đẹp), rồi khách đổ về nườm nượp.

Lẽ ra, với tiền công đức dầu đèn như thế, tiền tu bổ như thế, phải biết trang bị hệ thống chống cháy chống trộm chứ. Đằng này… Khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến nơi thì “chuông đã thành nước, đá tảng đã thành vôi”. Được công nhận mà không biết giữ thì chỉ tốn công tốn của, một trận can qua, một cơn gió bụi, tất tật công quả thành tro.

Nhiều địa phương có cổ thụ được công nhận cây di sản. Công nhận xong rồi vui, nhưng không dám quảng bá vì hở ra là lâm tặc thành phố về chặt nẫng ngay để bán cho resort hoặc chở sang bên kia biên giới. Các cụ cao niên đêm đêm đi tuần trông… cây cao niên, rõ khổ.

Có lẽ, trong hồ sơ di tích, di sản trong tương lai cần thêm một tiêu chí: ban quản lý di tích và địa phương cam kết có phương án phòng chống hỏa tai, thủy tai, đạo chích. Hoặc nên chăng, áp dụng hình thức cảnh báo và rút lại danh hiệu di tích quốc gia đặc biệt quan trọng, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh, như UNESCO vẫn làm với các di sản thế giới?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG