Chuyện cứu cây cầu đá cổ đẹp nhất nhì Hải Dương

Chuyện cứu cây cầu đá cổ đẹp nhất nhì Hải Dương
TP - Trải qua hơn 130 năm, cầu đá Đồng Cống vẫn “trơ như đá, vững như đồng”. Vậy mà, bỗng nhiên, tôi nhận được điện thoại từ bô lão làng Vàng, thảng thốt: “Người ta đang đập phá cây cầu Đồng Cống”. Tôi lập tức về làng Vàng, xã Quyết Thắng, huyện Thanh Hà, Hải Dương.

Cứu kịp

Ông Tăng Bá Hoành - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Hải Dương cho biết qua điện thoại: “Vấn nạn tàn phá di tích văn hóa - lịch sử trong tỉnh vẫn diễn ra. Riêng về cây cầu đá quý hiếm ở làng Hoàng Xá (tên cũ của làng Vàng), với tư cách cá nhân, tôi cũng vừa tham dự một cuộc họp có sự tham gia của lãnh đạo huyện, xã và đại diện bà con…”.

Nhịp cầu đầu tiên đã bị phá dỡ
Nhịp cầu đầu tiên đã bị phá dỡ.

Bà con từ già đến trẻ đều rất bức xúc, phẫn nộ trước hành vi phá dỡ cầu đá Đồng Cống. Một cụ già tóm tắt sự việc: Khi được tin tỉnh quyết định mở Tỉnh lộ từ thị trấn Thanh Hà qua đây nối vào Quốc lộ 5, dân làng vui mừng khôn xiết. Dù không được đọc luận chứng nhưng, chúng tôi cũng biết rõ rằng những người lập luận chứng ban đầu rất có ý thức tránh cây cầu đá này, và thực tế, địa thế của cây cầu đá cũng nằm xa mép đường mới. Vì rất quan tâm tới biểu tượng tinh thần của làng, xã, nên bà con chúng tôi cũng theo dõi sát sao việc thi công.

Suốt từ khi khởi công cho đến lúc tiến hành đền bù đợt 1, đợt 2, đợt 3, đợt 4 gần nửa năm trời cũng không thấy đả động gì đến cây cầu này. Vậy nhưng khi có tin một tư nhân sẵn sàng bỏ ra mấy tỷ mua cây cầu về cho trang trại riêng của mình, thì, bỗng dưng xuất hiện dự toán kinh phí hỗ trợ “di dời” cầu đá với số tiền 26,3 triệu đồng.

Mặc dù bà con chúng tôi kiên quyết phản đối, hàng trăm người viết đơn kiến nghị, tỉnh và huyện cũng chưa có ý kiến gì, vậy mà xã đã thuê một tư nhân và một thầy cúng lén lút đem hương ra đầu cầu cúng lễ rồi đưa cần cẩu 25 tấn về dỡ cầu. Cũng may, bà con phát hiện sớm ra ngăn chặn nên họ mới chỉ kịp phá một nhịp.

Khi đại diện bà con lên xã chất vấn, họ chỉ nói chối quanh, có lúc bảo cầu “cản trở tầm nhìn”, có lúc bảo “ngăn cản dòng chảy của cống ngầm”. Chỉ có ngồi bàn giấy thì mới “phán” như vậy. Vì rành rành cây cầu nằm cách xa mép đường vài mét, lại nằm thấp dưới mặt đường cũ hơn 1m thì làm sao cản trở tầm nhìn; đồng thời nằm cách xa cống ngầm thì làm sao cản trở dòng chảy? Rõ là toàn ngụy biện.

Cầu đá Đồng Cống có độ tuổi chừng 130 - 150 năm, đã được đăng ký hồ sơ di sản và từ bao đời đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của người dân làng Vàng. Sở Văn hóa Hải Dương cứ 5 năm lại cử cán bộ về kiểm tra, xem xét hiện trạng cây cầu đá.

Nhịp cầu đầu tiên đã bị phá dỡ, chân cột đá vững chãi hơn trăm năm, nay đã bị bàn tay của một “cò” xây dựng đập gãy, vỡ nhiều mảnh. Tôi liền gọi điện thoại cho ông Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương.

Qua trao đổi, ông Chủ tịch Hiển cho hay, sau khi nhận được thông tin, ông đã chỉ đạo dừng ngay việc di dời cầu đá Đồng Cống và giao cho Sở Văn hóa về tận nơi xem xét, tìm hiểu rồi báo cáo tỉnh. Huyện Thanh Hà cũng cử ông Nguyễn Văn Lực - Phó Chủ tịch huyện về cùng lãnh đạo xã lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của bà con.

Sau khi nghiêm khắc phê bình lãnh đạo xã, ông Lực đã phát biểu (ghi trong Biên bản cuộc họp): “Những gì là công trình của cha ông, chúng ta phải có trách nhiệm tôn tạo và giữ gìn... Bằng mọi giá, tạo điều kiện bảo vệ bằng được cầu đá trong quá trình thi công đường 390”. Thật may, sự chỉ đạo kịp thời của ông Chủ tịch tỉnh và ông Phó Chủ tịch huyện, khả dĩ có thể bảo tồn được một trong hai cây cầu đá cổ đẹp nhất Thành Đông!

Hoàng Mô Trang - Hoàng Xá xã - làng Vàng

Làng Hoàng Xá xưa có tên Nôm là làng Vàng (nay là xã Quyết Thắng - huyện Thanh Hà - tỉnh Hải Dương), vốn đậm nét đặc trưng của một làng Việt cổ được khai khẩn lập ấp từ hàng ngàn năm nay: “Hoàng Xá có cây Bồ đề/Có nghề dệt vải có nghề trồng bông/Anh về em đã lấy chồng/Tiếc công ống suốt ba Đông đợi chờ/Đèn khêu khi tỏ khi mờ/Năm đứt ba nối thẫn thờ tay thoi”.

Theo sách “Văn hóa dân gian làng Hoàng Xá” của nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Long Nhiêm, NXB Văn hóa dân tộc xuất bản năm 2012, qua đào đất thủy lợi, san tản đồng ruộng đã phát lộ nhiều di chỉ như mộ xây bằng chạt thời Đông Hán tại đồng Mố Hòa, nhiều mảnh sành cổ, than củi tại đống Cao Trại.

Trong miếu Tứ Giáp (đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa) có tấm bia dựng năm 1860 ghi rõ: từ đầu thế kỷ thứ VI, khi cụ tổ Phan Tư từ Thanh Hóa ra buôn bán lập nghiệp thì Hoàng Mô Trang (Ấp tre vàng) đã khá đông đúc. Cho đến niên hiệu Hồng Đức thứ III (1472) thì “Ấp tre vàng” được nâng cấp thành Hoàng Xá xã, rồi Tổng Hoàng Xá (thời Nguyễn). Làng Vàng xưa có rất nhiều đền, miếu, chợ, quán, đặc biệt là hàng chục cây cầu đá với kiến trúc tinh xảo, đẹp đẽ và bền vững.

Thuở mới lập xóm ấp, nơi đây vốn là bãi bồi đắp bởi phù sa của con sông Hương (còn gọi là Cam Gianh - “sông ngọt”) - phân lưu của sông Thái Bình đoạn qua Thanh Hà đổ ra sông Văn Úc rồi đổ ra biển. Từ con sông Hương đẻ ra chằng chịt những nhánh sông như Bái Rạt, cầu U, Đồng Cống, Đồng Và, Đồng Cửa, Đồng Hang, Đồng Út... Bởi sông ngòi chằng chịt vây quanh như vậy nên dân làng Vàng, bước ra khỏi làng là phải đi thuyền, bè.

Năm nào làng Vàng cũng có nhiều trẻ em, phụ nữ và người già chết đuối. Các bô lão họp dân làng tìm cách chống trả giặc nước. Dân làng đồng tâm nhất trí, người góp ít, kẻ góp nhiều, ai không có tiền, thóc thì góp công sức (trong số này, có cụ Tăng Bá Tường hăng hái đóng góp nhất), qua đó, dân làng đã dựng được trên 20 cây cầu đá.

Rất may, cầu đá Đồng Cống được cứu kịp thời
Rất may, cầu đá Đồng Cống được cứu kịp thời.

Trải qua gần 150 năm, đa số những cây cầu đá đó đã bị những người vô thức đập phá, lấy đá làm trục lúa hoặc nung vôi, chỉ còn lại duy nhất một cây cầu đá quý hiếm, đẹp nhất, đó là cầu Đồng Cống (theo một số nhà nghiên cứu thì cầu Đồng Cống là một trong hai cây cầu đẹp nhất Hải Dương còn sót lại cho đến ngày nay).

Quan sát kỹ, sẽ thấy cầu Đồng Cống quả là một công trình kiến trúc độc đáo, in đậm dấu ấn tài hoa, khéo léo của những bàn tay cha ông xưa. Cầu dài 29,7m với 9 khuôn nhịp gồm toàn bộ những phiến đá nặng cỡ 2 - 3 tạ ghép nối với nhau mà không cần bất kỳ một chất liệu xi măng, vôi vữa gì.

Các nhịp cầu dài từ khoảng 1,2m (đầu cầu) đến 3m (giữa cầu), cầu được tạo dáng cầu vồng khiến người nhìn thấy rất mềm mại, có 9 hàng cột ngang, đế cột tựa như chiếc cối đá rộng chừng 1 mét vuông được đục một lỗ vừa khít chân cột, cứ 2 chân cột là một vì cách nhau khoảng 1m, trên đầu hai cột là xà đỡ - một khối đá dài 1,5m, dày - rộng 20cm, hai đầu được chạm khắc hai đầu rồng, hai bên xà ngang có hai hàng rãnh để đặt các phiến đá dọc vừa khít, vừa giằng được vì nọ với vì kia, các mố cầu đều có tạc đầu những con thủy long và các loài tôm - cua - cá - ếch...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG