Chuyện dệt lụa may trang phục tặng lãnh đạo APEC

Chuyện dệt lụa may trang phục tặng lãnh đạo APEC
TP - Ngày 19/11, lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC cùng “diện” bộ trang phục truyền thống VN. Góp phần tạo nên những bộ trang phục đậm đà hồn Việt ấy, bên cạnh NTK Minh Hạnh, còn có ông chủ Cty lụa tơ tằm Toàn Thịnh: Hồ Viết Lý.
Chuyện dệt lụa may trang phục tặng lãnh đạo APEC ảnh 1
21 nhà lãnh đạo mặc áo dài truyền thống Việt Nam - Ảnh: TTXVN 

240 ngày căng thẳng, hồi hộp

Anh Lý cho biết, loại vải may trang phục phục tặng 21 nhà lãnh đạo nền kinh tế thành viên APEC hoàn toàn khác với vải thông thường. Về sợi, phải chọn loại tơ tằm có độ sạch tuyệt đối. Cấu trúc vải cũng khác, mỗi xăng-ti-mét có tới 110 sợi chỉ, trong khi các loại vải khác chỉ 70 sợi (lụa) hoặc tối đa 95 sợi (sa tanh).

Tuy nhiên, cái khó nhất vẫn là hoa văn. “Tôi phải mất 3 tháng để chuẩn bị công nghệ cho phù hợp và sau đó là 8 tháng ròng cùng nhà thiết kế Minh Hạnh tìm tòi, thử nghiệm các loại mẫu hoa văn và màu sắc” - Anh Lý cho biết.

Anh Lý đã sản xuất ba loại hoa văn, lúc đầu là lôgô APEC trên nền vải, sau tới logô APEC trên nền hoa văn, rồi sau cùng là hoa sen cách điệu. Mỗi loại  có từ 5 đến 7 màu khác nhau. Thời gian chuẩn bị cho mỗi loại mà mất ít nhất một tuần lễ và chị Mai (vợ anh Lý) là người tích cực giúp anh công đoạn này.

Ông chủ lụa Toàn Thịnh quê Gò Nổi - một làng nghề dệt lụa nổi tiếng ở Quảng Nam. Vợ anh, chị Trương Thị Mai vốn là thôn nữ chuyên trồng dâu nuôi tằm ở Bảo Lộc.

Từ khi nên vợ nên chồng (1980), họ lập nghiệp bằng nghề dệt lụa lại làng dệt Bảy Hiền - TPHCM. Thời gian đầu vợ chồng anh cũng dệt thủ công như mọi người, dần dần đầu tư thiết bị hiện đại và mở rộng sản xuất quy mô như ngày nay.

Anh Lý kể:

“Mỗi một mẫu vải tôi sản xuất ra, chị Minh Hạnh lại cho người cắt may ngay để đem ra Hà Nội trình lãnh đạo xem xét. Hết lần này tới lần khác…

Có lúc 2 giờ sáng tôi phải thức canh ở xưởng để khi máy dệt vừa xong lượng vải vừa đủ để may một cái áo là mang ngay đến Viện mẫu Fadin.

Ở đó chị Minh Hạnh đã bố trí người cắt may luôn để 5 giờ sáng chị bay chuyến đầu tiên ra Hà Nội trình duyệt…”.

Thế rồi những tháng ngày căng thẳng, hồi hộp cũng qua đi, loại vải được dệt bằng sợi tơ tằm cao cấp của Lâm Đồng với hoa văn hình hoa sen cách điệu đã được chấp nhận.

Khác biệt lớn nhất của loại vải này là có không gian ba chiều óng ánh và màu sắc thay đổi theo mỗi chiều quan sát khác nhau. “Tôi đã làm ra những mét vải đó bằng tất cả tâm huyết và niềm tự hào dân tộc” - Anh Lý nói.

Có “duyên” với các nguyên thủ

Chuyện dệt lụa may trang phục tặng lãnh đạo APEC ảnh 2
Anh Hồ Viết Lý bên những sản phẩm lụa tơ tằm thuần Việt do mình sản xuất

Năm 2004, trong khi đi tìm chất liệu may trang phục cho lãnh đạo 40 nước tham dự Hội nghị ASEM 5 tại Hà Nội, nhà thiết kế Minh Hạnh đã thử qua rất nhiều loại vải sản xuất trong và ngoài nước nhưng đều thất vọng.

Chị quyết định quay về với lụa tơ tằm truyền thống Việt Nam, rồi bỗng nhận ra lụa Toàn Thịnh nổi bật trong rừng lụa ngoài thị trường.

“Ngay sau đó chúng tôi đã hợp tác với nhau để sản xuất ra loại vải đúng theo mong muốn của nhà thiết kế” - Anh Lý nhớ lại, đồng thời cho biết: “Qua nhiều thử nghiệm, điều chỉnh cuối cùng chúng tôi cho ra loại một loại vải Damask silk chống nhăn, óng mượt và đặc biệt hoa văn rồng sắc nét”.

Qua bàn tay nhà thiết kế Minh Hạnh, 40 bộ áo mẫu hoa văn “lưỡng long chầu nguyệt” đã được các nguyên thủ khoác lên mình trong sự hạnh phúc của những người làm ra nó. Khi được giao nhiệm vụ thực hiện trang phục cho các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC 14, nhà thiết kế Minh Hạnh một lần nữa quyết định chọn lụa tơ tằm Toàn Thịnh.

MỚI - NÓNG