Chuyện đời gái điếm

Chuyện đời gái điếm
TP - Chắc chắn sẽ có một số bài học đắt giá rút ra từ chuyện đời gái mại dâm. Điều đầu tiên làm nên giá trị của Tôi là Ê-ri (NXB Văn học - 2013) bởi nó là hồi ký.

> Gia đình - sự giày vò tiếp nối?
> 'Bãi vàng, đá quý, trầm hương' của Nguyễn Trí

Tôi là Ê-ri là tựa sách đúng chất Tây. May mà nó không được “diễn nôm” thành Hồi ký gái điếm quốc tế chẳng hạn. Vì tác giả làm điếm ở vài nước thật nhưng gắn mác quốc tế vào nó cứ “lãng mạn” thế nào. Theo đúng thực tế mà người viết chỉ ra thì quốc tế chỉ khác quốc nội là đối tượng khách hàng phong phú hơn mà thôi.

Ê-ri là tên do trùm xã hội đen (yakuza) ở Nhật đặt cho Thanadda Sawangduean khi cô sang đây hành nghề mại dâm, với kinh nghiệm đã có ở Hồng Kông. Đây cũng là thời kỳ huy hoàng của tác giả khi không phải tiếp khách mà trở thành con nuôi ông trùm. Cuộc đời đầy mạo hiểm với nhiều khúc ngoặt trút vào trang sách thành ra hấp dẫn. Đúng là không hư cấu nào bằng logic của sự thật.

Sự thật đầu tiên là trong một xã hội tương đối dễ dãi với chuyện mại dâm, Ê-ri đã tự nguyện làm nghề. Thực ra lần đầu tiên gặp khách, cô đã van xin không phải làm chuyện đó. Người khách rất tốt đã cho cô rất nhiều tiền mà không bắt cô làm gì. Ê-ri suy luận: Không phải làm gì đã nhiều tiền thế, nếu làm thì thế nào. Và thay vì đem tiền về nhà, cô ở lại Pattaya bắt đầu sự nghiệp. Rất giống câu chuyện ngụ ngôn về đứa bé đứng trên cầu đái xuống nước, đúng lúc thuyền ông quan văn đi qua. Ông này vui vẻ, lại còn cho tiền đứa bé. Đứa bé quen mui, lại tè vào ông võ quan. Và bi kịch xảy ra.

Tất nhiên đã có những tiền đề dẫn đến nghề này trước đó, khi Thanadda trao thân không suy nghĩ cho người anh họ dẫn đến hậu quả có thai, nhiễm bệnh và mất cơ hội đi học.

Chính vì làm nghề tự nguyện nên không có những màn dằn vặt nội tâm, oán trời trách đất. Ê-ri chỉ đơn giản là đi đến cùng cái nghề cô đã chọn. Cô kể mọi sự một cách đều đều đúng với tinh thần sẵn sàng đón nhận mọi chuyện chứ cũng chẳng gắng công lèo lái cuộc đời mình. Câu chữ của gái làng chơi đơn giản, hay lặp lại thông tin. Văn phong đó lại góp phần thể hiện tính cách của cô và càng làm nổi vẻ chân thật của câu chuyện, giống như một loại kỹ xảo 3D đối với phim ảnh vậy.

Bản dịch tiếng Việt tập hợp 2 tác phẩm Tôi là Ê-ri: Trải nghiệm hải ngoại (giải nhất cuộc thi sáng tác văn học phi hư cấu dành cho nữ giới của Thái Lan 2009) và Tôi là Ê-ri: Trải nghiệm trong tù. Thanadda mới ra cuốn thứ ba Tôi là Ê-ri: Trải nghiệm mới... hơn cả giấc mơ.

Làm điếm không ngăn Ê-ri làm người tốt. Chính lòng thương người đã dẫn đến việc cô bị tù oan 3 năm rưỡi ở Thái Lan. Tuy nhiên đó lại là quãng thời gian cô thấy hạnh phúc vì đã viết đơn giúp nhiều người được ân xá. Là gái điếm, Ê-ri cũng có những nguyên tắc sống. Cô viết: “Ai muốn ngủ với tôi đều phải trả tiền vì đó là nghề của tôi. Không giống giới trẻ bây giờ, nhiều người chỉ mới gặp nhau thấy thích đã làm chuyện đó. Tôi thấy chuyện họ làm thật đáng xấu hổ và không có lòng tự trọng, bởi người phụ nữ đó không hề có giá trị.” Xã hội tự cho mình quyền giẫm đạp lên những người như Ê-ri thì cô cũng được phép kết án ngược lại vậy.

Thanadda viết sách khi đã đứng tuổi và gặp được tình yêu của đời mình. Từ câu chuyện của cô có thể rút ra: khó lòng thay đổi cuộc sống của người khác cho đến khi nào họ muốn điều đó.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG