Chuyện dùng người và thay người

Chuyện dùng người và thay người
TPCN - Đọc xong bức thư của nhà văn Lê Hoài Nam trên “Tiền Phong Chủ nhật” số 17 (23/4/2006), thực chú  tình tôi thấy nẫu cả ruột.

Tôi quê Hà Nam nhưng thời trẻ có nhiều gắn bó với Nam Định, sau này đi xa vẫn coi Nam Định như quê. Tôi cũng làm văn nghệ như ông Nam, có nhiều bạn bè văn nghệ quý mến ở Nam Định...

Chính vì thế nên càng buồn, không hiểu tại sao chuyện của ông Nam lại dẫn đến nông nỗi ấy?

Cứ cho là ông Nam đã đào ngũ trong thời gian nằm chữa bệnh ở quân y viện (1970). Nhưng ngay sau đó, ông đã quay trở lại đơn vị, được đơn vị tiếp nhận, tiếp tục cùng với đồng đội ra mặt trận cho đến khi xuất ngũ (1974).

Năm 1978, ông tái ngũ khi có chiến tranh biên giới Tây-Nam, rồi đi học trường sỹ quan, học viết văn, để đến năm 1987, tỉnh Hà Nam Ninh “cử cán bộ ra tận Bộ Tư lệnh Hải quân” xin ông về công tác ở Hội VHNT tỉnh.

Trong khoảng thời gian đó, ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng các huân, huy chương cao quý, được thăng chức, được kết nạp Đảng, được 16 năm liền giữ chức Phó Chủ tịch Hội VHNT kiêm Tổng Biên tập tờ tạp chí văn nghệ danh giá của tỉnh Nam Định.

Tôi nghĩ chắc ông Nam không thể khai man những tình tiết này. Vậy thì cũng có thể coi ông là người sớm biết hối cải, biết lập công chuộc tội (xin nhắc lại: Nếu đúng là trước đó ông phạm tội đào ngũ), và đã có những đóng góp tích cực cho xã hội, được xã hội ghi nhận.

Gần ba mươi năm sau, kể từ khi ông Nam vào Đảng, và sau những sửa chữa lỗi lầm, đóng góp như đã nói, người ta lại “phát hiện” ra ông “kê khai lý lịch không khớp với thực tế” (chắc là không kê khai chuyện “đào ngũ” hồi nào?).

Ông phải nhận kỷ luật Đảng, ở mức cảnh cáo. Tuy vậy, dường như nhiều đồng nghiệp của ông vẫn cho như thế là chưa đủ. Ông còn bị bỏ phiếu cách chức, khai trừ khỏi Hội VHNT tới... 3 lần (1 lần cách chức, 2 lần khai trừ)!

Tôi cứ băn khoăn tự hỏi: Hay là cái ông nhà văn này còn mắc những “tội” tày đình khác nữa? Nhưng tội gì thì tội, người xử tội cũng phải xử cho đàng hoàng, thấu tình đạt lý, để kẻ bị xử cũng như công chúng tâm phục khẩu phục.

Ghét nhau xúc đất đổ đi, không thèm nhìn mặt nhau, không sao. Nhưng khi đã thành “án”, giấy trắng mực đen, là động đến danh dự, nhân phẩm, không thể cố tình làm lấy được rồi phủi tay nhắm mắt.

Một lần cách chức, thêm một lần khai trừ ông Nam đã không được Tỉnh ủy, UBND tỉnh công nhận, chứng tỏ đa số thành viên trong Ban Chấp hành Hội VHNT tỉnh Nam Định đã quá nôn nóng, quên mất cả nguyên tắc thông thường.

Lần thứ ba, lại kiên quyết khai trừ khi ông Nam vừa nhận quyết định chuyển sang cơ quan khác. Lần này có lẽ trót lọt, vì ông Nam không còn là Phó Chủ tịch Hội nữa, ông chỉ là hội viên thường, và Ban Chấp hành Hội đã có quyền bỏ phiếu kỷ luật ông.

(Theo lời ông Nam kể lại thì ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã kết luận, cho phép “tùy nội bộ các đồng chí xử lý”)! Đây cũng là thời điểm cận kề với ngày khai mạc Đại hội VHNT tỉnh Nam Định lần thứ 6 - thời điểm vô cùng nhạy cảm với những vấn đề nhân sự cho nhiệm kỳ mới.

Thế là một đằng khăng khăng đòi “trảm”, một đằng... tùy! Hết chuyện để nói. Ngẫm lại từ lúc được tỉnh nhà trân trọng mời về, rồi trải qua mấy chục năm dâu bể ở Hội cho tới cái ngày nhận “án” khai trừ trong tình cảnh ấy, không hiểu ông Nam có thấy ớn lạnh không?

Chuyện của ông Lê Hoài Nam hẳn còn nhiều uẩn khúc. Báo “Tiền Phong Chủ nhật” đã làm một việc rất nên làm là cho đăng bức thư của ông.

Đúng như báo đã nói, bạn đọc chúng tôi mong được thông tin thêm từ các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan tới vụ việc của ông để có cái nhìn đầy đủ, khách quan, đúng đắn. Riêng tôi, cứ thấy lấn cấn với mấy câu hỏi:

- Nếu đúng như ông Lê Hoài Nam kể thì ông đã bị kỷ luật Đảng (cảnh cáo) vì tội “kê khai lý lịch không khớp với thực tế”. Hội VHNT tỉnh có nên đem tội đó ra “xử” tiếp; và ông Nam có đáng phải nhận hình thức khai trừ ra khỏi Hội hay không, nhất là sau gần 30 năm, ông đã có một quá trình chiến đấu, học tập, công tác... như vậy? 

- Ông Nam bị khai trừ khỏi Hội VHNT tỉnh còn vì những lý do nào khác? 

Ở thời điểm này, ông Lê Hoài Nam đã nguyên là hội viên Hội VHNT tỉnh Nam Định, nhưng vẫn đang là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Vì thế tôi lại mạo muội nghĩ: Có lẽ Hội Nhà văn cũng nên để mắt đến chuyện này. Quan tâm, không có nghĩa là bao che cho ông Nam. Chỉ mong Hội tìm cách góp phần làm sáng rõ thêm vụ việc, cũng là để giữ gìn thanh danh cho Hội và cho hội viên.

Còn tôi, trước sau vẫn tha thiết mong những dịp về thăm Nam Định - nơi nổi tiếng có truyền thống nhân văn sâu sắc - không phải lặng lẽ mua mấy thẻ hương đến thắp cho cụ Tú Xương, cụ Nguyễn Bính, xong lại chỉ biết thui thủi... chơi một mình.

Vũng Tàu, ngày 23/4/2006

Trần Đức Tiến

(Nhà văn, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bà Rịa-Vũng tàu)

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.