Chuyện ít biết về nhà văn Nguyễn Khải

Chuyện ít biết về nhà văn Nguyễn Khải
TP - Tin nhà văn Nguyễn Khải ra đi làm tôi bàng hoàng! Đó là người bạn văn vong niên, tôi được sống cùng trong một mái nhà, năm chúng tôi mươi mười lăm tuổi!

Gọi là bạn văn hình như chưa đúng lắm! Bạn văn thường là do đọc của nhau rồi mới tìm đến nhau, tìm đến rồi thì câu chuyện chủ yếu là tác phẩm này, tác phẩm nọ. Bạn đang viết trường ca ư? Còn tôi, mới xong phần I tiểu thuyết…

Khi chúng tôi gần nhau đã ai nghĩ gì đến viết lách. Anh Khải hơn tôi 4 tuổi, mà vẫn “trẻ con” lắm! Mười bốn, mười lăm tuổi mà chỉ lớn xác, vẫn thích chơi trận giả với đám trẻ lên mười chúng tôi.      

Đó là những năm 1943,44,45 và nửa đầu 1946 ở Hà Nội. Gia đình tôi và gia đình anh Nguyễn Khải ở cùng một số nhà 4b, phố De Miribel, sau đổi là Trần Nhân Tôn, con phố có một đầu đường nhìn sang Chợ Hôm bên kia ngã tư Phố Huế - Trần Nhân Tôn.

Chúng tôi sống  gần nhau khoảng 4 năm, vậy là những năm ấy tôi là chú bé 9 đến 12 tuổi, anh Khải từ 13 đến 15 tuổi. Hai gia đình đều ở dạng neo đơn.

Gia đình tôi chỉ có bà ngoại, bà nuôi hai chị em tôi, khi mẹ tôi tái giá sau gần chục năm ly hôn với ba tôi. Gia đình anh Khải cũng chỉ có ba mẹ con, ngoài bà mẹ, anh có một cậu em trai tên là Toàn, kém tôi chừng một hai tuổi.

Tôi cũng không còn nhớ gia đình nào đến ở trước, chỉ biết đó là một dẫy nhà hai tầng giống nhau, xây để cho thuê, mỗi gia đình thuê một phòng khoảng 24 mét vuông.

Bốn gia đình (hai ở trên gác, hai ở dưới nhà) chung nhau một nhà vệ sinh, một cái sân chung. Gia đình anh Khải ở căn gác ngoài, đúng trên đầu căn phòng mặt tiền, nhà tôi thuê. Vì có mặt tiền, bà ngoại tôi tận dụng mở cửa hàng tạp hoá, để có tiền thêm cặp nuôi hai cháu ăn học. 

Còn gia đình anh Khải, cả xóm cứ gọi là nhà bà Huyện, cả ba mẹ con cứ trắng xanh ra, và đều tạng người gầy gầy, cao cao. Gọi là bà Huyện, vì bà là vợ một ông quan Huyện.

Tất nhiên là có trợ cấp của chồng, nên không phải buôn bán gì, nhưng vẻ mặt của bà lúc nào cũng u buồn, tôi cảm thấy bà khổ hơn những người dân nghèo trong xóm, họ còn có việc để làm, có sự vất vả để than thở, trò chuyện.

Ông Huyện tất nhiên phải trọng nhậm ở một huyện ngoại thành hoặc tỉnh khác, nhưng hàng xóm bàn tán, nghe đâu ông Huyện lấy bà này làm lẽ, không thể sống công khai những năm ấy.

Chuyện người lớn, chúng tôi chẳng quan tâm. Chưa bao giờ tôi thấy mặt ông. Thì cũng như ba tôi, hàng xóm của tôi có bao giờ thấy mặt ba tôi, dù ông là chủ một hiệu may có tiếng ở Tràng Tiền, chỉ cần đi bộ mươi phút…

Dường như những căn phòng nhỏ bé cho thuê này chỉ để những hộ neo đơn, xộc xệch, “không đồng bộ” của dân Hà nội trú ngụ, ấy là tôi nghĩ như vậy hồi bé!

(Tôi rất thấm thía khi sau này đọc những dòng hồi ức của Nguyễn Khải: “những năm còn nhỏ tôi sống rất buồn. Những người thân nhất của tôi đều có số phận rất buồn. Họ gánh vác mọi nỗi buồn một cách nhẫn nhục, cam chịu và đã xem đó là định mệnh…”).

Anh Khải và tôi hợp nhau ở tính mê đọc truyện, và “thượng vàng hạ cám” loại sách gì cũng đọc. Từ loại sách riêng cho trẻ em như Sách Hồng, Truyền Bá, Hoa Mai, Hoa Xuân…từ tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn đến loại trinh thám (Lệ Hằng với chí phục thù, Người nhạn trắng…).

Đặc biệt được chúng tôi mê thích là loại sách Kiếm Hiệp, những Giao Trì hiệp nữ, Bồng Lai  hiệp khách… Chúng tôi ngốn sách rất nhanh: những cuốn khoảng hai trăm trang, thuê trên đường đi học.

Thế rồi đọc lén, đọc vụng  cả trong giờ thày cô giảng bài, chỉ đến 2,3 giờ chiều là ngốn hết. Vậy là từ 3 giờ chiều đến tối khuya chả còn gì để đọc cả mà vẫn “mất oan” tiền thuê cả ngày.

Chúng tôi liền có sáng kiến trao đổi sách cho nhau cùng ngày hôm ấy. Thế là một lần tiền, được đọc hai cuốn sách trong ngày. Đang đọc đến chỗ hay mà bị gọi ra ăn cơm thì... không gì khổ bằng, lúc ấy nếu được bà hoặc mẹ đồng ý, có thể nhịn ăn, đọc xong cái chương hấp dẫn ấy mới ăn. 

Thế mà chúng tôi vẫn có lúc chơi với trẻ con hàng phố. Thường là anh Khải nghĩ ra trò, anh vừa hơn chúng tôi vài ba tuổi, vừa cao lênh khênh: “Giả vờ tao là tiên ông đang tu luyện trên núi, chúng mày là lâu la xông lên chiếm núi để lập sơn trại”.

Nhưng chơi đánh trận bao giờ anh cũng thua, mặc dầu đã chia thêm cho anh vài đứa giả làm tiểu đồng hầu hạ. Anh thua vì anh nhát gan hơn chúng tôi.

Cứ cho hai đứa xông lên cầu thang, mỗi đứa ôm gọn một bên chân cao nghều của anh, là anh sợ ngã kêu oai oái…Lúc bí quá, anh giơ cái chổi phất trần lên:

“Đây là chiếc phất trần có phép của tiên ông, khi phất lên chúng mày phải ngã ra bất tỉnh, nghe không! “ 

Sau này, khi hai đứa thành nhà văn, mỗi khi thấy anh “hạ sơn”…, đảm trách việc Hội nhà văn, gặp trắc trở là rút lui rất nhẹn, có thương tích gì anh cũng hoá giải thành chuyện nhẹ nhàng, để lại ẩn mình sau trang viết, để  một hai năm đã lại trình làng một cuốn tiểu thuyết mới, tôi cứ cười thầm nhớ đến thời niên thiếu của anh!

Dãy nhà cho thuê ấy, giống nhau như đúc một khuôn. Tôi biết là cùng một chủ cho thuê, vì hàng tháng cùng một người đến đòi tiền thuê nhà. Nhưng người này cũng là người làm công, chuyên đi thu tiền, nên tôi không biết chủ là ai.

Mãi đến năm 1995, đúng nửa thế kỷ sau, nhờ có bộ ba cuốn Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX của cụ Nguyễn Văn Uẩn ra mắt, tôi đọc, mới biết dãy nhà từ số 2 đến số 8 Trần Nhân Tôn, chủ cho thuê là ông Lê Cường, chủ nhà in và nhà xuất bản, kiêm chủ nhà thuốc Hồng Khê.

Nhân đọc được chi tiết này, tôi đã viết một bài báo vui, có câu “Hoá ra ngay từ bé, anh Nguyễn Khải và tôi, các nhà văn chưa bước vào nghiệp văn, đã phải phụ thuộc vào ông chủ nhà xuất bản!

Giai đoạn trước Cách mạng, anh Khải và tôi còn chung kỷ niệm những ngày tránh  bom Đồng minh truy kích quân đội Nhật. Hai gia đình chúng tôi chạy về nhờ sư cụ chùa Tó mạn Hà Đông.

Lần đầu được sống ở nông thôn, trong ngôi chùa có khu vườn rất rộng, thật là thiên đường với lũ trẻ thành phố chúng tôi, với chỗ trốn tìm lý tưởng, ao rộng để câu cá, làm những cây nỏ xinh xinh bắn tên cắm vào thân cây chuối phầm phập, theo người lớn đi chợ Tó dọc theo bờ sông Nhuệ, bị ngỗng đuổi…

Nhưng có một người  làm anh Khải nhớ nhất, đó là một chú tiểu nữ, tên Th., trạc 11,12 tuổi.      

“Chú” Th. là một cô bé rất xinh, nói chuyện hóm hỉnh, khi cười thì phô cả lúm đồng tiền lẫn chiếc răng khểnh, các cô bạn học của chúng tôi ở Hà Nội có lẽ không ai được như vậy!

Cô luôn dúi cho chúng tôi, những cậu bé thành phố, khi thì mấy trái ổi đào, khi thì trái khế ngọt.

Anh Khải rất thích hỏi chuyện “cô bé”, tôi biết một thứ tình cảm trong sáng nào đó, có thể như là dạng tình yêu buổi sơ khai đã xuất hiện ở anh Khải. Thì mới hôm nào, chúng tôi đọc chung nhau cuốn tiểu thuyết có mối tình của chàng lãng tử với một ni cô đó thôi!

Những chi tiết về “chú tiểu” Th., chính nhờ anh Khải nhắc lại khi chúng tôi gặp lại nhau ở Hội nghị nhà văn trẻ Thái Hà Ấp (1959) mà tôi nhớ lại như trên!

Tôi học ở vùng kháng chiến được vài năm, rồi phải theo gia đình về Hà nội (1950, lúc này bà ngoại đã yếu, phải “trao trả” tôi cho ba tôi).

Sống cô đơn giữa một gia đình lớn, tôi sợ ông bố như…cọp, các anh chị em hàng chục người là con hai bà khác của ba tôi. Tôi được “biệt đãi”, đi học ban ngày, buổi tối phải làm thợ gói chè (hãng chè Phú Xuân của ba tôi) đến 12 giờ đêm, sau thì phải nghỉ học hẳn để giúp cụ trông nom cửa hiệu may của gia đình ở Tràng Tiền…

Niềm an ủi tinh thần chỉ còn là tình bạn với nhóm bạn văn thơ khi còn đi học (nhóm Hoa Phượng), sau chỉ còn tôi và nhà văn Băng Sơn ở nhóm này theo đuổi nghề viết.

Trong bốn năm vừa đi học, vừa nai lưng làm đủ mọi việc phụ giúp ba tôi,  tôi in thơ trên hầu khắp các báo của Hà Nội tạm chiếm, đã quen tên, đã “có nghề”, chỉ có điều không dám chường mặt ra với các nhà biên tập, sợ họ coi là “trẻ con”, không in thơ cho nữa.

Không biết báo biếu, nhuận bút là gì đã đành, mà còn bị “bóc lột” (cướp đoạt bản quyền) mà không dám kiện ai. Tôi còn nhớ hồi cộng tác với tờ Thân Dân, trang văn nghệ thứ sáu do nhà văn Th. S. phụ trách.

Gần tết, viết được cái kịch thơ (để đọc) gửi cho báo này. Số Tết báo đó không thấy in, đã buồn. Nhưng lại gặp chính tác phẩm mình in ở Giai phẩm Xuân Đẹp, quảng cáo tên mình kèm với tên những Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương…

Thời đó, Tết đến, các văn nghệ sĩ có thể xuất bản riêng một đặc san mừng Xuân, không phụ thuộc vào tờ báo nào, hẳn là ông Th.S. đã bán bản thảo cho nhóm đó.

Kể dông dài để “khoe”, mình cũng là một cây bút trẻ được chú ý, sau Giải phóng thủ đô là hòa nhập được ngay với các trang báo Văn Học (tiền thân báo Văn Nghệ), Độc Lập, Cứu Quốc…ở kháng chiến về. 

Gặp lại Nguyễn Khải ở cái sân rộng cạnh hội trường Thái Hà Ấp với bộ quần áo bộ đội, đeo lon hình như thượng sĩ thì phải, sau khi bặt tin nhau từ độ tản cư khỏi Hà Nội.

Anh vẫn trắng trẻo, cao lêu đêu như không có những ngày kháng chiến. Chúng tôi gần như ôm lấy nhau mà sống lại cả một thời thơ ấu. Sau đó mới nghĩ đến “Ông này viết gì nhỉ ? Sao mình chưa nghe tên? Hay ông ký tên khác?"

Tôi cũng không biết anh họ Nguyễn hay họ gì. Thuở bé, chẳng ai nhớ đến họ của nhau! Thú thật, tôi có chút tự thị: Chả gì mình cũng có đến chục năm in thơ trên báo.

Còn anh Khải, chắc cũng như một số bạn tôi mới quen trong tổ của tôi ở Hội nghị này, có người chỉ viết tin, bài báo ở một số nội san sư đoàn… Thậm chí, có người (như chị Hoàng Thị Rủ) công nhân nhà máy dệt Nam Định còn…chưa biết chữ!

Nói không ai tin, nhưng chắc những bạn đã từng dự Hội nghị người viết trẻ lần đầu còn nhớ hiện tượng ấy: Chị kể hồn nhiên: Tôi chỉ làm ca dao, hò vè ứng khẩu là nhanh, học bình dân đến nửa năm mà chưa đọc thông viết thạo.

Giấy của Liên Hiệp Công đoàn thành phố gửi về: Phải cử một người biết sáng tác đi dự Họp ở Hà Nội, giai cấp công nhân của một nhà máy dệt nổi tiếng không thể không có người biết sáng tác!” 

Còn một việc gây ấn tượng trước khi tôi gặp lại anh Khải:

Đó là cuộc gặp anh Toàn! Buổi giao thời Hà nội vừa được giải phóng, tôi mở một hiệu mua bán sách cũ, trao đổi sách y học. 

Đang đứng bán hàng, một hôm có một nhà sư trẻ đi vào, tôi chưa kịp hỏi xem nhà sư cần sách gì thì ông đã reo lên “ Anh Thông! “(tên gọi thuở nhỏ của tôi) tôi qua phố này luôn mà hôm nay mới thấy anh! Chắc anh mới mở hiệu sách ở đây?”.

Hoá ra đó là Toàn, em ruột anh Khải. Hàn huyên mới biết: Khi anh Khải vào bộ đội, làm y tá cho Tỉnh đội Hưng Yên, bà mẹ yếu, Toàn phải đưa mẹ trở về Hà nội chăm sóc.

Để tránh bị bắt đi lính cho Pháp, Toàn phải nương thân ở một ngôi chùa. Sau anh Khải ở kháng chiến về, Toàn mới bỏ áo “cà sa” làm sinh viên Đại học Thủy lợi.  

Căn cứ vào phẩm chất yếu ớt, hiền lành, cao nhã của hai anh em Khải, Toàn hồi bé, nếu không có cuộc kháng chiến đảo lộn mọi cách sống, tôi gặp lại anh Khải với dáng dấp nhà sư như Toàn, chắc cũng không có gì phải ngạc nhiên.

Nhưng tôi kinh ngạc xiết bao khi anh Khải trả lời tôi: “Mình vừa in Xung đột tập I, đang chỉnh lại tập II…” Tôi gần như lùi lại một bước để nhìn kỹ anh,  để biết anh Khải ngày xưa chính là nhà văn Nguyễn Khải vừa cho in Xung đột tập I, mà tôi vừa đọc vừa khâm phục, đinh ninh ngoài tài năng, tác giả phải là người theo đạo gốc mới hiểu người công giáo, xứ công giáo như vậy! Không thể ngờ được đó là anh Nguyễn Khải “tiên ông”, “hồn bướm mơ tiên” ngày nào cùng tôi ngập đầu vào mớ sách tạp nham.

(Còn tiếp)

Vân Long
Lược trích hồi ký

MỚI - NÓNG