Èo uột văn hóa cơ sở - Bài cuối: 

Chuyên nghiệp chỉ để hội diễn

Chuyên nghiệp chỉ để hội diễn
TP - Hiện nay một số địa phương còn duy trì đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp nhưng cũng không làm cho hoạt động văn hóa ở cơ sở sôi động lên được bao nhiêu vì tốn quá nhiều công của vào các hội diễn.

>> Bài 2: Thông tin lưu động chỉ thi diễn

Chuyên nghiệp chỉ để hội diễn ảnh 1

Ông Lê Văn Chải (phải) và ông Bùi Hữu Tính - Ảnh: Sáu Nghệ

Câu chuyện điển hình ở Đoàn cải lương Tây Đô qua tham dự Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2009, do Bộ VH-TT&DL tổ chức ở TPHCM cuối tháng 11-2009.

Ông Lê Văn Chải ấm ức: “Tôi muốn nhịn nhưng không thể nhịn được”. Ông Chải là GĐ Nhà hát Tây Đô, cấp trên của Đoàn cải lương Tây Đô, nơi đưa vở Mẹ của chúng con tham dự hội diễn. Theo ông Chải, vở diễn xứng đáng Huy chương Vàng nhưng vì những lý do ngoài chất lượng nghệ thuật nên chỉ được Huy chương Bạc.

Qua điện thọai, ông Vũ Ngọc Quang, một thành viên ban giám khảo hội diễn, nói: “Vở của Đoàn cải lương Tây Đô tốt, tôi nghĩ trao giải bạc là oan uổng. Nhưng có vấn đề tế nhị, dư luận phức tạp, lại chuyện nội bộ tôi không được phát ngôn. Để tôi xin ý kiến, sẽ trả lời cụ thể sau”. Tuy nhiên, sau đó theo hẹn, ông Quang không nghe điện thoại

Dư luận báo chí đánh giá cao vở Mẹ của chúng con, khắc họa thành công nỗi đau của hai bà mẹ mất con không cùng chiến tuyến, sau chiến tranh gặp nhau, ngậm ngùi chia sẻ. Tác giả kịch bản Lê Thu Hạnh, chuyển thể cải lương Đức Hiền, đạo diễn Trần Ngọc Giàu.

Một tờ báo viết: “Vở diễn chắt chiu, tinh tế trong cảm xúc - rớt giải vàng là do có sự can thiệp của một quan chức địa phương”. Tờ báo khác: “Thực ra bị ban giám khảo đánh rớt, chỉ được Huy chương Bạc vào phút chót sau khi có sự can thiệp của cấp cao hơn”.

Ông Chải nói, vài thành viên ban giám khảo thuật lại đúng như vậy, một quan chức Cần Thơ đánh giá vở diễn có nhiều vấn đề nên ban giám khảo không dám cho giải cao. Quan chức địa phương tên gì thì ông Chải không tiết lộ.

Nhưng ông Chải kể, trước khi đi thi, vở cải lương diễn đến 4 buổi để báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo Sở VH-TT&DL, Tuyên giáo Thành ủy, UBND TP Cần Thơ và Cục Nghệ thuật biểu diễn của Bộ VH-TT&DL. Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ Tô Minh Giới có góp ý sửa chữa một số điểm nhưng đạo diễn Trần Ngọc Giàu không đồng ý, cho rằng sửa như vậy đã thành vở khác. Tuy nhiên, ông Chải cũng có chỉ đạo chỉnh sửa.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Tô Minh Giới thừa nhận: “Khi duyệt, tôi có yêu cầu sửa một số chi tiết, trong đó có vài chi tiết quan trọng. Đúng là đạo diễn Giàu không đồng nhất với quan điểm của tôi. Nhưng mời tôi duyệt thì tôi phải có ý kiến, nếu không cần ý kiến của tôi thì đừng mời duyệt. Tôi còn chỉ đạo nên lấy ý kiến của nhiều người để có quan điểm thống nhất”.

Việc ông Chải đã có chỉnh sửa, ông Giới nói: “Tôi không biết, sau đó không ai báo cáo với tôi gì cả”.

Ông Giới nói thêm, dù sao, đó là tác phẩm nghệ thuật nên ông không can thiệp sâu, vẫn đồng ý xuất tiền cho đi dự hội diễn. PV Tiền Phong hỏi: “Dư luận xôn xao về một quan chức của TP Cần Thơ đã can thiệp với ban giám khảo để không trao huy chương cho vở diễn, có phải là ông?”.

Ông Giới trả lời: “Một thành viên ban giám khảo là anh Ngô Hồng Khanh có hỏi tôi và tôi thuật lại cuộc họp sau buổi duyệt, đồng thời nói rõ quan điểm của tôi. Tuy nhiên, tôi không can thiệp và cũng không có thẩm quyền can thiệp với ban giám khảo”.

Nhớ lại hội diễn, nhiều vị trong ban giám khảo, ban chỉ đạo, có kịch bản hoặc làm đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật nhiều vở dự thi. Thậm chí, diễn viên của một vở dự thi cũng là thành viên ban giám khảo (NSƯT D.H.).

Ông Lê Văn Chải kể, khi chuẩn bị vở đi thi, ông Ngô Hồng Khanh có đưa đến một đề cương vở diễn do ông Khanh viết, nhưng thông qua Sở VH-TT&DL không được vì mô-típ cũ.

Hội diễn có 3 vở được trao Huy chương Vàng. Theo dư luận, vở Trọn đời trung hiếu với Thăng Long của Nhà hát cải lương Việt Nam là xứng đáng. Hai vở còn lại thiếu cảm xúc.

Đặc biệt vở Trở về miền nhớ của Đoàn cải lương Đồng Tháp do chánh chủ khảo Doãn Hoàng Giang làm đạo diễn, mướn diễn viên phụ cả trăm người với dàn trống hoành tráng. Dàn dựng như thế, theo ông Bùi Hữu Tính, Trưởng đoàn Cải lương Tây Đô, không thể lưu diễn phục vụ các vùng quê ĐBSCL.

“Vậy cải lương chuyên nghiệp tốn tiền dựng vở chỉ để đi hội diễn, tranh nhau huy chương, chứ không nhằm phục vụ khán giả?”, PV Tiền Phong hỏi. Ông Tính mỉm cười, không trả lời.

MỚI - NÓNG