Chuyện người Mỹ làm “sống lại” nhật ký Đặng Thùy Trâm

Chuyện người Mỹ làm “sống lại” nhật ký Đặng Thùy Trâm
Nhà xuất bản văn hóa dân tộc và Cty Văn hóa & Truyền thông Võ Thị vừa phát hành cuốn “Bí mật về người Mỹ làm “sống lại” Đặng Thùy Trâm” của A. Frederic Whitehurst, Trương Uyên Ly và nhóm tác giả.

Bắt đầu từ số này, Tiền Phong trích đăng một số đoạn trong cuốn sách thú vị này.

Kỳ 1: Ba năm tham chiến ở Việt Nam

Frederic Whitehurst, người đã lưu giữ nhật ký Đặng Thùy Trâm trong hơn 30 năm trời và tìm lại được mẹ của chị để thông báo về kỷ vật vô giá này, là con của một sỹ quan Hải quân.

Sau khi thi đại học hỏng, anh gia nhập lực lượng dự bị Hải quân nhưng bị loại khỏi Trung tâm huấn luyện do mắc chứng mộng du. Sau đó anh vào học tại trường đại học Đông Carolina. Rồi bị chiến tranh Việt Nam lôi cuốn. Đoạn dưới đây trích trong tự truyện của Frederic. Người dịch: Trương Hạnh Ly – Cẩm Hà.

Vào năm bỏ dở chương trình cao học để tham gia vào chiến tranh ở Việt Nam, tôi gia nhập quân đội Mỹ ở thành phố New York mà không nói với những người tuyển quân một lời nào về việc tôi bị đuổi ra khỏi Trung tâm dự bị hải quân Mỹ.

Tôi sợ rằng họ sẽ bắt tôi phải quay về. Nhưng đó là sự lo lắng thừa. Thực tế là lực lượng Mỹ ở Đông Nam á đang rất thiếu quân và tất cả những ai tình nguyện sẽ luôn luôn được chào đón.

Tôi tham gia với lòng nhiệt tình bản thân, hoàn thành khóa đào tạo bộ binh ở Fort Gordon, Georgia và Ft. McClellan, Alabama rồi tham gia cuộc chiến ngay sau đó.

Khi đến Việt Nam và sau khi tham gia vào khóa huấn luyện trên đất nước này, tôi được phân công đến đại đội “B”, tiểu đoàn 5, lữ đoàn 198, sư đoàn 23. Sư đoàn 23 được biết đến trong lịch sử như một sư đoàn “America ô nhục”, đã từng là ngôi nhà của tôi trong vòng 3 năm.

Trước khi tôi đến đất nước này không lâu, lính của Sư đoàn America đang dính vào một vụ thảm sát hàng trăm người dân vô tội ở một làng tên Mỹ Lai, trên phía Nam Chu Lai của Việt Nam. Sau đó không lâu, tôi có mặt trong những đơn vị tại khu vực đó. Tội ác chiến tranh phổ biến ở khắp nơi. Tôi đã phản đối.

Không lâu sau khi tôi bước vào trận chiến, vụ thảm sát những người đàn ông vô tội, phụ nữ và trẻ em ở Mỹ Lai của quân đội bộ binh Mỹ bị phơi bày trên các mặt báo ở Mỹ.

Ba năm sau, cục diện trận chiến ở Việt Nam đã thay đổi. Các cấp chỉ huy đã thất bại trong việc duy trì kỷ luật trong quân đội. Trước tiên là Mỹ Lai, sau đó đến những vụ ném bom khác đã gây sự chú ý của cộng đồng Mỹ.

Tự chúng tôi cảm thấy xấu hổ. Chúng tôi đã quên mất những nguyên tắc hành xử đạo đức. Sự vô kỷ luật trở thành thứ vũ khí nguy hiểm nhất gần như phá vỡ đạo quân Mỹ.

Ma túy lan tràn như một dịch bệnh trong các đơn vị. Cực kỳ dễ kiếm heroin và bồ đà. Chúng tôi được xài một cách công khai. Chúng tôi không thắng nổi trái tim và tâm hồn của “Những kẻ nổi loạn” mà còn tự tàn phá chính bản thân mình.

Vào năm 1969, sau sáu tháng ở bộ binh tôi chứng kiến một cậu bé người Việt 14 tuổi bị thương què chân mà trên tay vẫn còn mang một trái lựu đạn. Chúng tôi gồm một đội khoảng 50 người, đang trấn giữ một trại tị nạn trên cồn cát bằng loại súng đầu đạn cỡ 142.

Chúng tôi bị quấy nhiễu vào ban đêm bởi những tay súng nhỏ của quân địch và có khả năng bị thương hay bị giết vào ban ngày bởi những người mà chúng tôi đang bảo vệ.

Những người đó, những nông dân Việt Nam bị quây trong trại tị nạn vào ban đêm vì khu vực đó đã được tuyên bố trở thành “Vùng tự do bắn phá”. “Vùng tự do bắn phá” có nghĩa là vùng mà chúng tôi được quyền bắn bất cứ thứ gì chuyển động. Những khu vực như thế được thiết lập để cắt đứt nguồn tiếp tế thực phẩm và thuế cho Việt Cộng.

Nhưng những người dân mà chúng tôi bảo vệ ban đêm trong những làng tị nạn phải làm việc ngoài cánh đồng vào ban ngày. Những cánh đồng này nằm xa khỏi tầm kiểm soát của những cây súng “bảo vệ”. Việt Cộng tiếp cận họ để tuyên truyền, kích động họ đánh trả chúng tôi.

Thằng bé mười bốn tuổi là một trong những Việt Cộng đó. Một vài người lính trong trại đã đánh nó bằng những cây gậy kim loại cho đến khi nó chỉ còn là một đống xương gẫy và thịt nát.

Người cộng sự đánh thức tôi dậy để báo cho tôi biết về vụ đánh đập. Khi tôi nhìn thấy việc gì đã xảy ra, tôi trèo lên trên sàn máy bay lên thẳng ở trên đỉnh cồn cát.

Trung sĩ trèo lên để hét vào mặt tôi rằng anh ta sẽ báo cáo về cuộc đào ngũ của tôi khi đối mặt với kẻ thù. Tôi trả lời anh ta rằng tôi đã không còn ở trong cái quân đội mà anh ta sẽ báo cáo về vụ đào ngũ của tôi nữa.

Tôi còn nói rằng tôi đã từng là thành viên của lực lượng vũ trang Mỹ, một đội quân mà sẽ không bao giờ làm tổn thương một thằng bé 14 tuổi không vũ khí.

Chiếc trực thăng đã mang tôi về tuyến sau. Tôi bị điệu tới phòng hành pháp của tiểu đoàn gặp nhân viên phòng này. Ông nói chuyện với tôi suốt ba tiếng đồng hồ. Rồi ở phòng chỉ huy tiểu đoàn, lại ba tiếng nữa. Sáu giờ đồng hồ vô ích. 

Thông điệp mà họ dành cho tôi là những điều mà tôi đã từng nhìn thấy, sự tổn thương của những người dân vô tội bởi lính Mỹ, đã bị coi là bình thường trong chiến tranh.

Thông điệp cuối cùng mà tôi gửi cho ngài đại tá đó là những lẽ phải mà mẹ tôi đã dạy tôi. Bà đã từng là một trung sĩ phục vụ trong Không quân Mỹ một thời gian dài trước khi ngài đại tá và tôi được sinh ra.

Nhìn lại chuyện ấy sau nhiều năm sẽ thấy buồn cười vì lá thư của một anh lính non trẻ gửi lên ngài đại tá lại dẫn ra đầy những lời lẽ đạo đức mà mẹ anh ta đã dạy dỗ anh ta từ thuở nhỏ. Thật buồn cười. Nhưng cũng thật bi thảm.

Ngài đại tá cho tôi một sự lựa chọn. Tôi không thể nào ở lại tiểu đoàn. Tôi có thể chuyển sang một đơn vị lính đánh rừng ở Ba Tơ. Tôi biết rằng tôi có thể chết dưới họng súng của đối phương ở đó… Tôi gia nhập đơn vị tình báo.

Khi những điều này đang diễn ra, tôi vẫn tin rằng công luận sẽ phê phán những gì binh lính Mỹ đang làm ở Việt Nam là sai. Những người Mỹ này không biết chúng tôi làm thế nào để tồn tại ở đất nước đó. Vì vậy họ không nên phán xét hành động của chúng tôi.

Chúng tôi bị bắn, giẫm phải mìn, ngủ trong sự bẩn thỉu, lại bị xa lánh, nguyền rủa, phỉ nhổ từ chính những người đồng hương của mình. Chúng tôi phải xa cách quê hương chỉ vì tự nguyện làm theo luật pháp, chiến đấu “vì tự do” trên một mảnh đất xa xôi.

Tôi cảm thấy rằng lý do cuối cùng biến một số người thành thú vật không phải do lỗi của họ mà chính là lỗi của đất nước tôi. Và tôi đã không hiểu việc công luận lên án hành động của những người Mỹ chúng tôi đang là đúng. 

Tôi từng phẫn nộ trước hành động của những cá nhân đã bóc trần vụ Mỹ Lai ra trước công chúng. Giờ thì tôi thấy rằng họ không có cách nào khác. Quân đội của chúng tôi đã nằm ngoài tầm kiểm soát.

Để chấm dứt những hành động tàn bạo, tôi quyết định rằng tôi sẽ phản ứng với bất cứ viên chỉ huy chiến trường nào nếu họ để mặc cho những hành động ấy xảy ra.

Công việc của một sĩ quan quân báo tạo điều kiện cho tôi liên hệ với nhiều người Việt bị bắt, hầu hết là những người dân vô tội, song cũng có nhiều người là lính.

Khi những người tình nghi bị bắt giữ được đưa đến và nói với tôi rằng họ bị ngược đãi, bị thương do súng đạn, về những tổn thương mà họ phải chịu sau khi bị bắt, tôi nổi trận lôi đình.

Tôi muốn tất cả mọi người nghe thấy tôi đang nổi giận, rằng việc ngược đãi là không thể chấp nhận được. Điều tôi muốn thấy là những người lính sẽ sợ hãi khi biết đến chuyện này…

Nhưng thực tế, tôi cũng chỉ dừng lại ở đó. Đó là giải pháp của tôi, dù đúng hay sai. Sau hai năm rưỡi như vậy, tôi giải ngũ trở về nhà.

 (Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.