Chuyện người say đọc thơ và... véo...!

Chuyện người say đọc thơ và... véo...!
TP - 1. Chiều mùng ba Tết Giáp Thân, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật từ Đồng Hới điện báo cho tôi tin buồn: Nhà thơ Xuân Hoàng mất rồi! Ôi, anh ra đi ở tận Sài Gòn, làm sao chạy tới thắp  nén hương tưởng niệm!
Chuyện người say đọc thơ và... véo...! ảnh 1
Nhà thơ Xuân Hoàng

Thế là tôi đành ngồi lục tất cả các tác phẩm của anh ra lật dở từng trang. Cuốn sách nào anh cũng đề tặng với nét chữ bay bướm, thân thuộc: “Thân mến tặng Ngô Minh & Tâm và các cháu”.

Đối với anh em làm thơ Quảng Bình, Xuân Hoàng vừa là người anh cả, vừa là một mẫu thi sĩ đào hoa, đam mê, chỉ biết có thơ, thơ và...  thơ!

Cái chất thi sĩ ấy thể hiện hàng ngày trong cách đọc thơ, trong điệu cười hả hả rung mắt kính của anh. Tôi còn nhớ, hồi chống Mỹ, Xuân Hoàng, lúc đó là Hội trưởng Hội Văn nghệ Quảng Bình, dẫn nhà thơ Anh Thơ về làng tôi, làng Thượng Luật, xã Ngư Thủy, nơi có Đại đội nữ pháo binh anh hùng.

Tôi lúc đó là học trò trường làng, mê thơ, nên nghe có các nhà thơ là chạy theo “để xem”. Thầy giáo tôi bảo, người cao cao, đeo kính cận ấy là nhà thơ Xuân Hoàng. Nhà thơ vừa đi dọc mép sóng vừa sang sảng đọc cho chị Anh Thơ nghe bài thơ viết về Ngư Thủy mới được đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân Đội: “ ...Cha chuyền cho con, chồng chuyền cho vợ / Khẩu súng trường bóng loáng tiếp tay trao...”.

Đọc xong, Xuân Hoàng cười hả hả, rồi đột ngột véo vào tay chị Anh Thơ một cái làm nữ thi sĩ đau điếng, rồi hỏi rất  thơ trẻ: “Có mới không ? Có xúc động không?...”.

Đó là ấn tượng đầu tiên của tôi về Xuân Hoàng. Sau này được sống gần gũi anh suốt 13 năm ở Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, tôi hàng trăm lần nghe anh đọc thơ, hàng trăm lần “bị” anh véo vào sườn, vào đùi đau điếng, cũng hàng trăm lần nghe anh hỏi hồn nhiên:  “Hay không? Mới không ?”.

Giai thoại kể rằng, có lần, trong một cuộc rượu, Xuân Hoàng ngồi bên một  nữ thi sĩ, khi  anh đọc thơ xong, hứng lên, anh véo một cái vào đùi, làm nữ thi sĩ kêu ré kên: “Anh làm cái gì thế !”. Mọi người biết “tật véo” của Xuân Hoàng, cười rũ ra. Còn Xuân Hoàng thì đỏ mặt, líu ríu xin lỗi: “Mình lộn, mình lộn...!”.

Lần ấy tôi theo xe của Hội Văn nghệ Quảng Bình đi dự Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ tư. Ngồi ghế trước là anh Tranh lái xe và anh Xuân Hoàng. Hàng ghế sau là tôi, Hoàng Vũ Thuật và Nguyễn Văn Dinh.

Dọc đường, Xuân Hoàng say sưa đọc thơ. Rồi anh bỗng véo thật mạnh vào đùi anh Tranh, làm xe đảo tay lái, xuýt lao xuống ruộng!

2. Nhà thơ Xuân Hoàng tên thật là Nguyễn Đức Hoàng, tham gia cách mạng từ năm 20 tuổi ( 1945) với công việc dạy học, làm văn nghệ ở Quảng Bình, Liên khu 4. Thời gian này anh được  dự lớp bồi dưỡng cán bộ văn hóa văn nghệ do Đoàn Văn nghệ kháng chiến Liên khu 4 tổ chức trong ba năm liền 1947, 1948, 1949 ở Quần Tín (Thanh Hoá).

Sau đó  anh lặn lội đi khắp chiến trường Bố Trạch, Sông Gianh, Cảnh Dương, Đồng Hới... viết báo, làm thơ động viên kháng chiến. Anh là Hội viên Hội  Nhà văn Việt Nam lứa đầu tiên (1957).

Năm 1959, anh về công tác ở Nhà xuất bản Văn học  với cương vị Trưởng phòng biên tập Văn học hiện đại. Năm 1963, theo lời đề nghị của Tỉnh ủy và ủy ban hành chính tỉnh Quảng Bình, anh rời Thủ đô Hà Nội, đưa vợ con về  Quảng Bình để xây dựng Hội văn nghệ địa phương.

Mấy chục năm liền anh làm lãnh đạo Hội, chăm lo tận tuỵ cho phong trào sáng tác và từng tác giả trẻ. Từ đó thơ anh ngày càng máu thịt với mảnh đất cơ hàn và đạn bom khốc liệt này.

Cũng từ đó anh trở thành người anh cả, góp công lớn  bồi dưỡng, vun đắp nên  lực lượng sáng tác văn nghệ Quảng Bình  sung sức  với những tên tuổi được cả nước mến mộ như Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Trần Nhật Thu, Hoàng Vũ Thuật, Hải Kỳ, Nguyễn Khắc Phê, Trần Công Tấn, Văn Lợi, Hữu Phương, Mai Văn Hoan v.v..

Anh như cây cột trụ của ngôi nhà Văn nghệ Quảng Bình, mà một thời, các nhà văn trẻ dựa vào đó để mà tồn tại và đi tới. Tám mươi tuổi, Xuân Hoàng có 60 năm dấn thân vì cách mạng, 60 năm yêu, 60 năm nhớ, 60 năm thơ dâng miền gió cát.

Cho đến khi qua đời anh đã cho xuất bản 15 tập thơ, 4 tập bút ký, hồi ký, trong đó có nhiều tập sách có tiếng vang như các tập thơ Biển và bờ, Quãng cách và lặng im, Thơ tình gửi Huế. Dài hơi và nặng ký còn có hồi ký Âm vang thời chưa xa.

Anh đã nhận được giải thưởng về thơ của Đoàn Văn nghệ kháng chiến Liên khu 4, giải thưởng Văn học Bình Trị Thiên, tặng thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1996 cho tập hồi ký Âm vang thời chưa xa.

Mới đây là Giải thưởng Nhà nước… Nhưng, có lẽ “giải thưởng thơ” lớn nhất của anh là những bài thơ khảm vào trí nhớ, hay được chép cẩn thận vào sổ tay của nhiều thế hệ thanh niên  Quảng Bình  như bài Đồng Hới, Biển và bờ, Trăng Trường Sơn, Hoa chua me đất, Con tàu trắng, Khi nào thấy, Tự biết....

Khi tóc anh bạc rồi
Em là hoa me đất
Nở trong chiều xa lắc
Tím hồng màu thời gian...

(Hoa chua me đất)

Xuân Hoàng là thi sĩ đậm chất ngất ngư tang bồng, là nhà thơ trẻ thơ, hồn nhiên nhất trong các nhà thơ miền Trung mà tôi từng biết. Nàng thơ, bạn thơ nhắn nhe ở đâu, dù thật xa xôi anh cũng lặn lội tìm đến! Gặp bạn bè ở đâu, câu trước câu sau đã thấy anh đọc thơ sang sảng.

Đọc xong cười hả hả, véo mạnh vào tay, vào vai, vào đùi  làm người ngồi nghe bên cạnh đau điếng, rồi lại cất tiếng hỏi ngây thơ: “Mới không ? Thích không ?”. Hình như suốt đời anh không giận ai, mà cũng chẳng ai giận anh. Cũng chẳng bận tâm nhiều đến chức tước, quyền lợi.

Tổ chức phân công công việc thì anh làm hết lòng. Khi không phân công thì anh mừng hớn hở  vì  được nhiều thời gian để đi, để viết, để đọc thơ cho mọi người nghe. Xuân Hoàng làm thơ rất nhanh và nhạy.

Nhưng anh cũng suy nghĩ rất nghiêm túc, rất trăn trở với thơ. Anh giận “thơ mình chưa vút một đường bay”. Anh tâm sự: “Tôi vẫn đuổi bắt thơ suốt đời như đuổi bắt một vẻ đẹp vĩnh hằng ở trước mắt mà rất khó bắt”.

Khi phát biểu quan niệm về sáng tạo văn học, anh thường  giãi bày với lớp trẻ chúng tôi: “...phải đấu tranh không ngừng để nhận thức ra được chính mình thông qua sự nhận thức thiên nhiên và xã hội (quy luật sinh tồn) để mỗi ngày một vươn lên đến sự tự hoàn thiện là yếu tố hàng đầu, đóng một vai trò quan trọng và cơ bản đối với công việc sáng tác”.

3.Trong hành trang tâm hồn tôi, có rất nhiều câu thơ về chiến tranh mà lay động, thấm dẫm tình yêu xứ sở của Xuân Hoàng: Em đi phố nhỏ động cành dừa / Đồng Hới về khuya gió đêm ngả lạnh  ...Phố nhỏ quê ta thức nhiều kỷ niệm / Dạ lan hương thơm ngững canh dài / Em đi nhé, bóng em lồng bóng biển / Bài thơ lành em đến ngủ bên vai  (Đồng Hới). Hay những câu thơ tình đẹp như tranh:

Nếu cần nữa tôi là hồ trên núi
Trong hoang vu im lặng ngắm mây trời
Em hãy đến chim thiên nga cánh mỏi
Đậu yên lành trên gương mặt hồ tôi.

(Khi nào thấy)

Trong hành trang tâm hồn tôi còn có rất nhiều kỷ niệm về nhà thơ Xuân Hoàng đào hoa, đãng trí. Có lần anh gọi tôi tới nhà để nghe thơ mới. Thấy lâu lâu vắng anh, tôi hỏi. Anh tủm tỉm cười rồi đọc một câu thơ: Chừng lâu rượu chẳng về chai. Thấy tôi ngớ ra.

Anh giải thích: “Lâu chai là Lai Châu đó, mình vừa đi Lai Châu về, có nhiều thơ hay lắm. Trên đó có cô giáo dạy thể dục mà rất say thơ mình, viết thư về. Thế là mình “mò“ lên ngay, sướng không, sướng không?

Nói rồi, anh ghé vào tai tôi:  “Mình vừa về đến Huế đã nhận được hai lá thư của nàng. Thắm thiết lắm. Nhưng Ngô Minh không được nói với ai nhé !”. Dặn tôi như thế nhưng anh lại hồn nhiên kể với rất nhiều người!

Một lần khác, anh bảo tôi: “Mai, giữa buổi sáng, mình dẫn người bạn đến thăm cậu nhé”. Thế là mai tôi cáo ốm, nghỉ việc cơ quan, ở nhà chờ. Đến hẹn anh đến với một cô Tôn Nữ làm thơ từ La Chữ vào.

Qua thái độ hai người tôi biết ngay là... “kết” rồi. Tôi lịch sự xin phép vào phòng trong đóng cửa làm việc, để dành phòng ngoài cho “anh chị” tâm sự. Hai người say sưa đọc thơ tình tặng nhau đến gần hai giờ đồng hồ. Khi chia tay, tôi hỏi nhỏ Xuân Hoàng: “Chị Bình đã biết chưa?”.

Chị Bình là vợ anh Xuân Hoàng, lúc đó là Phó chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh. Xuân Hoàng  thực thà: “Bà ấy biết hết, biết hết,  biết cả cô “Lâu Chai” nữa, nhưng bà ấy “tha” tất !”.

Nói rồi anh lại cười ha hả, véo vào vai tôi, rồi lột kính chùi chùi có vẻ  ngây thơ  lắm! Sau này, tôi mới biết, chị Bình yêu chồng, hiểu chồng, thương chồng, nên mỗi khi buồn bực, đau khổ, chị lại âm thầm làm thơ với bút danh Hoài Thi:... sự thật kinh hoàng không dám gọi lên thôi / mà hai ta có thể nào hành khất...”.

Năm 1998, dù đã 74 tuổi, do dồn hết tâm huyết viết hai tập hồi ký ngàn trang “Âm vang thời chưa xa” nên sức khỏe anh sụt hẳn đi, mắt mờ. Thế mà một buổi chiều từ nhà riêng ở phường 18, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, anh trốn chị Bình, mò lên tàu hỏa mua vé ra Huế!

Anh bắt tôi chở  đi thăm lại “di sản tình yêu” của mình. Một căn phòng tập thể trên đường Đống Đa, một gốc thông già trên đồi  Thiên An, cây bàng góc phố... Anh đứng lặng người, tay sờ lên “từng hiện vật”, mắt chớp rưng rưng. Nhìn anh bần thần trước “cảnh cũ, người xưa” tôi thắt lòng nhận ra quỹ thời gian còn lại của anh  rất ít, mà  anh là con người luôn khát khao tươi trẻ!

Đó là đợt thăm Huế cuối cùng của anh. Ở thành phố Hồ Chí Minh, sáng ra chị Bình không thấy chồng, hốt hoảng gọi điện thoại cho bạn bè khắp nơi, gọi ra cả Đồng Hới, vẫn không có.

Thế là chị tức tốc mua vé tàu đi Huế...Vì biết Xuân Hoàng rất nặng tình với Huế ! Tìm được anh, chị lại nghe anh đọc những bài thơ mới, rồi “hả hả điệu cười rung mắt kính”,  lại hỏi “ Hay không? mới không?”.

Anh Xuân Hoàng là một người suốt đời không  giận ai. Gần anh ai cũng bị lôi cuốn bởi lối đọc thơ sang sảng, bởi những cú véo đau điếng, bởi điệu cười ha hả. 60 năm cầm bút đi theo cách mạng ngoài các tác phẩm để lại cho đời, anh đã lăn lộn trong mưa bom bão đạn mấy chục năm trời để xây dựng nên một đội ngũ nhà văn Quảng Bình rất sung sức.

Quảng Bình là tỉnh nghèo về kinh tế, nhưng Quảng Bình là “tỉnh giàu” về người cầm bút viết văn, làm thơ! Công đó có phần đóng góp không nhỏ của nhà thơ Xuân Hoàng. Vào tuổi 70, dù bị nhiều thứ bệnh nan y, anh vẫn thanh thản “Tự biết”:

Mắt không thấy rõ nữa rồi !
Buồn vui xin gửi xa vời bóng mây
Bâng quơ mấy khúc vơi đầy
Gửi mai sau, đợi cái ngày ra đi!
Thảnh thơi ngày tháng “vô vi”
Cuối cùng là cuộc chia ly nhẹ nhàng

Anh Xuân Hoàng ơi, những câu thơ buồn lắm, nhưng em lại nghe như anh vừa đọc xong, hả hả điệu cười rung mắt kính...   

MỚI - NÓNG