Chuyện nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi cãi “sếp”

Chuyện nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi cãi “sếp”
TP - Tháng 6/1956, tôi về nhận công tác ở trường Sư phạm Sơ cấp Hà Nội. Đây là trường đào tạo nhanh giáo viên cấp 1 để đáp ứng nhu cầu cấp bách cho miền Bắc; chỉ 1 năm là thi tốt nghiệp.
Chuyện nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi cãi “sếp” ảnh 1
Bùi Nguyên Vợi bao giờ cũng bình thơ như “lên đồng”

…Dạy văn theo kiểu của tôi rất mất sức. Tôi chú trọng yếu tố truyền cảm, theo tôi đó là yếu tố hàng đầu của giảng dạy văn học. Không chỉ cung cấp kiến thức mà là lay động tâm can học trò về những nỗi niềm, tâm tư của con người trong cuộc sống. Tôi là học trò của thầy Hoàng Như Mai, cũng dạy văn bằng tâm hồn nghệ sĩ như thầy đã dạy chúng tôi.

…Ban giám hiệu bắt đầu có kế hoạch đi dự giờ của giáo viên, tổng hợp tình hình để báo cáo lên vụ Sư phạm, năm ấy giáo sư Phạm Thiều là vụ trưởng. Tôi vẫn dạy văn một cách say mê và nôn nóng cộng tác với các báo: Tiền Phong, Độc lập, Cứu quốc, Tổ quốc.

Gần cuối học kì 1, một sự kiện chuyển cuộc đời tôi sang một bước ngoặt: Vụ trưởng Sư phạm Phạm Thiều và một số chuyên viên của Vụ về kiểm tra tổ Văn. Công văn gửi về trường báo trước đoàn sẽ dự 3 giờ giảng của 3 giáo viên: Đỗ Thái Đồng, Đinh Nho Lương, Nguyễn Bùi Vợi để tìm hiểu tính thiết thực trong việc truyền thụ kiến thức cho giáo sinh sư phạm sau này ra dạy cấp 1.

Thế là tôi hiểu rồi. Chắc Nhà trường đã báo cáo lên như đã có dư luận là chúng tôi mở rộng kiến thức, khoe khoang sự hiểu biết để học sinh nghe cho sướng tai, còn chẳng giúp ích gì cụ thể cho việc giảng dạy ở cấp 1. Hồi ấy tồn tại một quan điểm rất thực dụng trong giảng dạy, cho rằng biết ba dạy một tốt hơn biết mười dạy một.

Tôi, Đồng và Lương bàn bạc với nhau. Lương cười khà khà, giọng thuốc lào, tiếng Hà Tĩnh:

-Mọi hôm dạy thế nào, hôm nay cứ như thế!

Gần 40 năm trôi qua. Tôi không nhớ kĩ nội dung bài giảng của Đỗ Thái Đồng nữa, nhưng việc xảy ra thì vẫn nhớ như in. Kiểm tra xong giờ Đỗ Thái Đồng, tổ chức góp ý kiến ngay.

Là trưởng tổ Văn, tôi được phép điều hành cuộc họp. Thông thường và hợp lý nhất là các giáo viên văn nhận xét giờ của bạn, sau đó Ban giám hiệu bổ sung, chuyên viên Bộ có ý kiến, cuối cùng Vụ trưởng Phạm Thiều nói lời kết luận. Như vậy là thuận. Nhưng, tôi vừa nói lý do cuộc họp xong, Vụ trưởng… đã nổ ngay.

Ông chê giờ giảng của Đồng từ đầu đến cuối, chê rất nặng lời, chê không thương xót. Chỗ này ông nhấn mạnh, chỗ khác ông mỉa mai và chung cục đó là một bài giảng hỏng hoàn toàn.

Cả phòng họp lặng im đến mức có thể nghe được một tiếng muỗi vo ve. Mặt Đỗ Thái Đồng tái mét. Còn tôi thì cả người nóng ran như vừa uống xong một cốc rượu mạnh. Tôi cố kìm nén, mời mọi người phát biểu. Tất cả ngồi im. Còn ai dám nói nữa! Hỏi ba lần không ai nói. Tôi xin phép nói. Tôi trình bày ý kiến một cách tự tin và khúc chiết về bài giảng, bác lại ba bốn điểm vụ trưởng đánh giá thiếu khách quan.

Mọi người nghe. Căng thẳng như dây đàn sắp đứt. Người này tưởng như nghe trái tim người kia đang thình thịch đập. Tôi nói chưa xong thì ông Vụ trưởng cắt ngang:

- Tôi biết anh học loại khá ở khu học xá (Nam Ninh, Trung Quốc), tôi cũng có đọc vài ba bài thơ của anh ở báo nọ báo kia, nhưng nói thật với anh rằng anh làm sao đủ trình độ, kiến thức để tranh luận với tôi. Cỡ các anh học trò của tôi chưa đáng!

Hiệu trưởng Đoàn Ngọc Lung lấy khăn mùi xoa lau  mồ hôi trán.

Tôi cố gắng bình tĩnh… ăn miếng trả miếng.

- Thưa Vụ trưởng, tôi không có mảy may ảo tưởng nào về trình độ, kiến thức của mình, càng không hợm mình về một số bài thơ rất học trò đăng trên báo. Về tuổi đời, chúng tôi chắc chỉ bằng tuổi con nhỏ của Vụ trưởng. Về kiến thức, chúng tôi không thể nào xứng đáng là học trò của giáo sư Phạm Thiều mà chỉ mới được là học trò của giáo sư Đinh Gia Khánh, Hoàng Như Mai, Nguyễn Lân, Trần Văn Giáp, Nguyễn Hữu Tảo...Tuy vậy, trong học thuật, xin Vụ trưởng cho chúng tôi được bình đẳng…

Ông đập bàn, quắc mắt:

- Anh đòi bình đằng với ai?

Tôi vẫn không núng:

- Thưa Vụ trưởng, Vụ trưởng đã hơn một lần xúc phạm nhân cách chúng tôi. Xin Vụ trưởng bình tĩnh. Nếu Vụ trưởng đập bàn lần nữa là tôi đập lại.

Ông đập bàn, xô ghế đứng dậy.

Tôi đập bàn, xô ghế đứng dậy.

Bốn mắt nhìn trừng trừng vào nhau. Rồi ông quay sang, vơ tài liệu nhét vào cặp ra về không chào ai. Mấy chuyên viên lùi lũi đi theo, cũng không chào ai, ra xe cùng Vụ trưởng. Mọi người bạc mặt nhìn nhau như nhà có đám tang. Có người nhìn tôi bằng con mắt khích lệ. Có người nhìn tôi như oán trách.

Anh Lung rít lên:

- Anh làm khổ Nhà trường, làm khổ Ban giám hiệu!

Tôi cãi:

- Không đúng như anh nói, tôi đã bảo vệ uy tín tổ Văn và Ban giám hiệu. Đáng lẽ anh phải khen tôi.

Chắc biết là không thể tranh luận với tôi, quy kết gì cho tôi được, anh nói bâng quơ:

- Làm thế nào bây giờ ?

Hiệu phó Lê Năng An có ý kiến:

- Thôi cứ chờ vài hôm cho Vụ trưởng nguôi nguôi, ta lên lựa lời xin lỗi Vụ trưởng và mời Vụ trưởng về kiểm tra nốt hai giờ còn lại.

Tôi điên tiết lên :

- Anh nói ngược, không phải Nhà trường lên xin lỗi Vụ trưởng mà Vụ trưởng phải lên xin lỗi Nhà trường. Như thế mới là dân chủ.

Khi tôi viết những dòng này thì giáo sư Phạm Thiều và hiệu trưởng Đoàn Ngọc Lung đã mất. Xin anh Lung và Vụ trưởng tha lỗi cho tôi vì đã viết ra những điều này, nhưng quả thật không có sự lựa chọn nào tốt hơn sự trung thực.

Mấy lần tôi giục anh Lung gửi công văn mời Vụ trưởng và các chuyên viên của Vụ về dự nốt giờ của tôi và Đinh Nho Lương. Anh Lung gắt:

- Đấy là việc của Ban giám hiệu chứ không phải việc cậu.

Sáng thứ Sáu ấy, tôi đang ngồi ăn sáng thì Hiệu trưởng đến. Anh hỏi:

- Cậu có giờ thứ hai ở lớp B1 phải không?

- Vâng.

- Giảng Văn hay Ngữ pháp ?

- Thưa anh, giảng Văn.

- Cậu dạy cho tử tế, Bộ trưởng về kiểm tra.

Tôi phản ứng :

- Câu anh dặn là thừa. Giờ nào tôi dạy cũng tử tế chứ không phải Bộ trưởng kiểm tra mới dạy tử tế đâu !

Anh Lung cau mặt :

- Cậu kiêu ngạo vừa vừa chứ, không ai chịu nổi !

Anh lừ lừ đi lên văn phòng. Nảy ra một ý nghịch ngợm, tôi gọi anh:

- Anh Lung, phiền anh báo với Bộ trưởng như thế này: Tôi rất vinh dự được Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, người có ba bằng tiến sĩ (Văn học, Luật học, Sử học) dự giờ, nhưng không đồng ý để Bộ trưởng kiểm tra giờ.

- Cậu ăn nói lăng nhăng. Tôi chẳng hiểu gì cả !

- Anh chậm hiểu quá. Anh cứ nói thế không sao đâu. Cái đầu bác học ấy sẽ hiểu ngay.

Tôi lên văn phòng trước năm phút, vào phòng Hiệu trưởng chào khách. Bộ trưởng chìa tay cho tôi bắt, nói giọng rất sang:

Sắp đến giỗ đầu nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi (1933 - 2008), hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (tạ thế ngày 8/5/2008). Sinh thời, ông còn là một nhà báo, nhà giáo, nhà phê bình văn học, sáng tác văn xuôi, chuyên gia bình thơ..., lĩnh vực nào cũng được người đọc, người nghe cùng đồng nghiệp nể trọng.

Nguyễn Bùi Vợi là một trong những cộng tác viên thân thiết của Tiền Phong từ những năm 50 của thế kỷ trước cho đến tận ngày ông qua đời.

Những năm tháng cuối đời, trên giường bệnh, ông vẫn cần mẫn làm việc. Không còn sức cầm bút, ông phải nhờ con  cháu chép hộ, sau đó nghe, đọc lại và chỉnh sửa từng câu, từng chữ.

Tiền Phong xin giới thiệu một chùm thơ cùng một đoạn hồi ký của Nguyễn Bùi Vợi viết trên giường bệnh, lần đầu được gia đình ông công bố.

- Nghe đồng chí Hiệu trưởng báo cáo lại lời anh, tôi thấy tôi đã…vi phạm quy chế của Bộ. Bộ quy định bất kì cấp nào muốn kiểm tra giáo viên đều phải báo trước 24 tiếng đồng hồ; ở đây tôi chỉ báo trước một giờ. Đã trót rồi, anh cứ cho tôi dự giờ chứ không kiểm tra (Kiểm tra thì phải ghi biên bản đánh giá còn dự giờ thì không).

Như một định mệnh , hôm ấy tôi giảng Kiều, đoạn Kiều gặp Đạm Tiên :

Tà tà bóng ngả về tây,
Chị em thơ thẩn dan tay ra về
Bước lần theo ngọn tiểu khê
Nhìn xem phong cảnh có bề thanh thanh…

Giảng thơ là sở trường của tôi. Đoạn trích này lại rất hợp với tính cách và tâm hồn đa cảm của tôi nên tôi giảng rất…mê. Khi phân tích đến nỗi khổ muôn đời của người phụ nữ "hồng nhan bạc mệnh, hồng nhan đa truân", tôi đã tạo được một trường cảm thông tuyệt vời giữa học sinh và tâm thế nhân vật - giáo sinh uống từng lời. Có những cặp mắt đỏ hoe, có tiếng sụt sịt…

Khi tổng kết bài xong, hướng dẫn học sinh chuẩn bị bài tiết sau, tôi cúi chào thì ba tiếng trống "thùng thùng" cũng vừa điểm, không sai một giây.

Bộ trưởng lật đật bước lên, ôm lấy tôi, vỗ vỗ vào lưng :

- Đây là một giáo viên văn học tài năng. Anh đã tái hiện thành công không khí của tác phẩm. Sự truyền cảm tuyệt vời, giọng miền Trung ấm. Tác phong chững chạc, một cái cau mày, khoát tay đều hài hòa với nội dung. Chữ viết bảng đẹp, trình bày khoa học. Dạy văn như thế này thì ai chẳng thích học văn.

Sau này, có lần gặp một anh bạn học cùng lớp ở khu học xá Nam Ninh, giờ làm ở vụ Sư phạm, tôi khoe chuyện Bộ trưởng dự giờ. Anh nhìn trước nhìn sau rồi nói khẽ :

- Xưa nay Bộ trưởng làm việc… "qui lát" lắm. Nhưng bữa trước Vụ trưởng Sư phạm lên trả dấu, xin về hưu, bảo rằng không thể nào làm việc được khi bị một cậu giáo viên ngoài hai mươi tuổi đập bàn, chỉ mặt đuổi ra lúc đang tranh luận khoa học.

Cả người tôi râm ran :

- Sao Vụ trưởng… ăn không nói có như thế ?

Anh bạn ngăn tôi:

- Mình hỏi mấy anh cùng dự hôm đó rồi. Hôm ấy cậu không sai về nội dung nhưng không khéo về thái độ ứng xử. Cậu nói như thế thì tớ cũng cáu chứ không phải Vụ trưởng. Chắc Bộ trưởng bị sốc nên tức tốc về kiểm tra ngay. Nhưng được Bộ trưởng khen là vinh dự rồi !

Tôi gay gắt :

- Nhưng sao ông ấy lại xuyên tạc sự thật như thế…Thì ra, làm người lớn cũng khó đấy, cậu ạ.

*    *

*

Vinh dự hạnh phúc đâu chưa thấy, cốc nước đã đầy chỉ cần một giọt là tràn.  Mấy cô nữ sinh đi qua phòng tôi cười rúc rích trêu:

- Đi qua phòng thầy Vợi là phải đi… từ từ.

Tôi biết là lộ chuyện rồi. Cái giống tình yêu nó lạ thế. Đầu mày cuối mắt, không giấu được ai…

Tuần sau, một hôm dạy xong hai tiết học, tôi được Hiệu trưởng gọi lên. Anh Lung vào đề ngay:

- Anh Vợi, tôi gặp anh lần này với tư cách chính quyền và tư cách Đảng. Anh cho tôi biết anh yêu cô Từ (Đỗ Thị Từ, sau trở thành nhà giáo, phu nhân ông Nguyễn Bùi Vợi - PV) lớp B1 phải không?

- Thưa anh, vâng !

- Sao anh mất lập trường thế? Bố cô ấy là địa chủ di cư vào Nam mà anh dám yêu? Nhân danh bí thư chi bộ, tôi yêu cầu anh cắt đứt quan hệ ngay với cô giáo sinh này.

Tôi chất vấn:

- Tôi tưởng anh nhân danh bí thư chi bộ yêu cầu ngược lại, khuyên tôi nên yêu cô ấy, nâng đỡ tinh thần cô ấy mới đúng bản chất nhân đạo của Đảng Cộng sản.

Anh Lung quát lên :

- Anh ăn nói như một thằng điên.    

Bị xúc phạm danh dự, không chịu được, tôi nói to :

- Nếu trong hai chúng ta có một thằng điên thì người ấy nhất định không phải là tôi…

Anh Lung níu lấy mép bàn, cố trấn tĩnh. Sau này anh bảo: Anh đã muốn cầm cái lọ mực con voi bằng sứ trên bàn ném vào mặt tôi.

(Anh Lung ơi, tôi vừa gặp chị tháng trước xuống Đại La (Khu tập thể Đài TNVN, nơi ông Vợi cư trú) thăm cháu. Gặp tôi, chị mừng lắm. Cái thời ấy, anh rất chân thành -  chân thành tin vào những tín điều. Tôi cũng rất chân thành - chân thành bảo vệ những điều mình cho là đúng!)

…Tôi bị Ban giám hiệu đình chỉ giảng dạy, yêu cầu viết kiểm điểm. Tôi từ chối vì cho rằng mình không có lỗi gì cả - lương tâm tôi hoàn toàn trong sáng - chỉ thương em (giáo sinh Đỗ Thị Từ - PV) bị kiểm điểm lên kiểm điểm xuống ở lớp và chi đoàn, tội… yêu thầy!

Chị

Chị về làm dâu: mười lăm tuổi
Nuôi đứa em vừa mới lọt lòng
Rồi từ đó chồng xa cha yếu
Chân cứng đá mềm vượt bão giông.

Chị là chị. Chị vừa là mẹ
Nuôi chúng em cứng cáp làm người.

Chân em đi đến chân trời góc bể
Một lòng thương quý chị không nguôi

Vĩnh Yên

Vĩnh Yên ơi, ta lại về đây
Nhớ thương năm tháng có vơi đầy
Thuyền ai mái động trăng Đầm Vạc
Nghe bốn bề xuân rạo rực cây.

Một nẻo đường khuya xao xác lá
Mang đi để nhớ lại mang về
Ôi chao, đã ba mươi năm lẻ
Phố cũ, đêm dài, sương lạnh tê.

Phố cũ đêm nay dường trẻ lại
Râm ran tiếng bè bạn anh em
Bàn chân lại ấm đường đất sỏi
Nghe rợp hồn đầy một Vĩnh Yên...

MỚI - NÓNG