Chuyện sau lũy tre làng

Chuyện sau lũy tre làng
TP - Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn cho rằng thói xấu lớn nhất của người Việt là không thích nghe người khác nói lên thói xấu của mình. Tôi thấy thói xấu đó đúng, nhưng chưa phải lớn nhất.

Thói xấu lớn nhất là thói tạo ra sức ép cản trở bước tiến của cộng đồng hoặc có khả năng làm hại những con người cụ thể một cách vô tư, thậm chí lại còn nhận thức những việc đó là tốt.

1. Ông A ở quê tôi xuất thân nông dân, làm việc thành phố. Nghỉ hưu chuyển về quê, ông đã chuyển mọi sinh hoạt về rồi, được một thời gian ông lại chuyển trở lại thành phố.

Ông không ở được quê mình không phải ông làm cái gì sai hoặc về phẩm chất lối sống bị người dân từ chối. Ông cố hòa nhập nhưng rất khó. Ở quê vốn có những thói tật đã trở thành sức ép nặng nề không phải ai cũng vượt qua nổi.

Thói hay can thiệp, dòm ngó cuộc sống riêng tư. Thói không nhận thức được bản chất của mọi vấn đề mà rất dễ nghe theo lời người khéo lừa phỉnh, người rỗi rãi thời gian, “buôn dưa” suốt đêm ngày, thậm chí họ được cung phụng, tôn thờ, tín nhiệm.

Đáng buồn là có những người không hiểu ngay cả lòng tốt của người trong nhà, người anh em ruột thịt của mình trước những lời dèm pha vô cớ.

2. Chủ trương của địa phương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Bàn mãi về chuyện lấy cây lạc thay cây lúa sản xuất cây hàng hóa để có thu nhập cao. Ai cũng thấy lợi nhưng rất khó thực hiện.

Ông B gương mẫu đi đầu cả làng trồng một sào lạc trên ruộng 2 lúa lâu đời của mình. Đến mùa, lạc ông B đạt năng suất cao.Cả làng đến mừng, hái lạc, phơi lạc, bóc lạc, nói chuyện vui vẻ.

Tất nhiên, ai đến lúc đó ông B cũng phải luộc, phải rang lạc tiếp khách. Cuối cùng tính ra năng suất thấp hơn trồng lúa. Năm sau ông B lẳng lặng tháo nước vào trồng lúa.

Mảnh vườn nhỏ của nhiều gia đình ai cũng biết lấy nước vào để trồng rau muống, trồng lúa là năng suất thấp. Chỉ trồng cây ớt cay hái quả bán chợ cũng được nhiều tiền hơn, nhưng không ai làm vì người dân biết rõ vay chỉ một bát gạo cũng ghi sổ để trả sòng phẳng, còn quả ớt chỉ là đồ vặt, hái đầy bốn túi là chuyện thường. Trong nhiều lý do vì sao người dân rất khó dứt bỏ cây lúa để trồng cây hàng hóa khác có lý do của thói xấu đó.

3. Ông A không mời ông B uống rượu khi nào cả thì lại ổn. Còn ông C đã mời ông Đ uống 9 bữa rồi, nhưng đến bữa thứ 10 vì lý do nội bộ ông C không mời ông Đ.

Thế là ông Đ chửi bới cạn tình, ráo nghĩa về tội tráo trở, phản bạn. Con mời bố nhân tiện ở lại ăn cơm. Ngồi vào mâm bố chỉ uống rượu, nhắm thức ăn chứ nửa bát cơm bố cũng không đụng đến để chứng minh bố không ăn cơm nhà ai kể cả nhà con cái.

Lại có người sáng dậy chưa ăn gì cũng ngậm một chiếc tăm đi chơi, gặp ai cũng nói vừa ăn xong. Không biết nói dối như vậy để được cái gì?

4. Nhà có người ốm đau, kéo dài ngày đã làm kiệt quệ về kinh tế, mỏi mệt về sức lực, tinh thần con cháu họ. Người làng nghĩ đến tình nghĩa với người sắp qua đời đêm đêm kéo nhau đến thăm, trực suốt sáng.

Có người mỗi ngày đến thăm trực 3 lần. Họ ngồi nói chuyện riêng, đánh cờ tướng. Đương nhiên gia chủ theo lệ làng phải có rượu, trầu, thuốc đầy đủ. Ai ở đúng bữa thì mời cơm.

Khổ chủ lo âu, chán ngán nhưng thói đời không ai chịu nói thẳng ra một lần. Ai lỡ nói ra sẽ bị kết tội “coi miếng ăn là to” sẽ bị từ mặt. Những người đến thăm hỏi xong rồi cáo về không ngồi lại suốt đêm liền bị họ chê bai bêu riếu.

Có thể nói thói xấu lớn nhất của người thôn quê là tính bảo thủ, gàn và phép thắng lợi tinh thần; Khoe mẽ, tự mãn, không ý thức được mình là ai đang ở đâu, chịu khổ, không chịu khó, rỗi rãi quanh năm, hay đàn đúm, hội hè, sa đà rượu chè, ép người khác uống rượu kể cả nữ giới...

Một thói xấu đáng kể của công chức đang cản trở chất lượng của công vụ là thói không nói thẳng. Người Việt nói chung thích nói vòng, nói tránh, nói giảm, cái gì cũng thích “có lý, có tình” để rồi vận dụng vô nguyên tắc.

Đã đến lúc không nên ngủ mê trên thành tựu và phẩm chất có thật nữa. Phải nhìn thẳng vào những thói xấu, khuyết tật đang cản trở đường tiến của chúng ta.

Hoàng Văn Hân
Phó CT Hội Khuyến học huyện Yên Thành – Nghệ An

MỚI - NÓNG