Chuyện tái ngộ của 11 tài tử cello

10 trong 11 thành viên của “Cello & friends”. Ảnh: Trần Vũ Hoàng
10 trong 11 thành viên của “Cello & friends”. Ảnh: Trần Vũ Hoàng
TP - Khi được hỏi “Cello & friends” có gì khác so với các nhóm nhạc thính phòng ở Việt Nam, trưởng nhóm Đào Tuyết Trinh tiết lộ “Cả 11 thành viên đều phải đóng tiền để được chơi cello”.

Ý tưởng thành lập nhóm cello thính phòng nảy ra trong dịp hội bạn bè đồng môn nhạc viện Hà Nội gặp nhau hồi đầu năm. Nhóm bạn nhận thấy chị Nguyễn Anh Tú đã bỏ đàn từ quá lâu theo nghề giảng dạy đại học nay cứ nhìn thấy đàn ở đâu là giằng lấy đòi kéo một lúc. Rất nhiều người trong số họ tốt nghiệp trường nhạc ra không theo nghề, sau bao năm bôn ba mưu sinh chợt nhận ra đã để thất lạc mảnh phù du đẹp đẽ với cello...

Những người bỏ cuộc chơi tái ngộ

Trong 11 thành viên, chỉ có năm người theo nghề nhạc công chuyên nghiệp, sáu người còn lại từng tuyệt giao với cello từ một đến vài chục năm. Tuổi của họ cách xa nhau từ 29 đến 55. Nghề nghiệp họ từng trải qua cũng vô cùng phong phú như nội trợ, bán hàng, vũ sư, phân phối xăng dầu, kiểm toán…Sự kết hợp tưởng chừng khập khiễng và sáng kiến lập nhóm nhạc thính phòng amater dường như có chút điên rồ. Lên Facebook trình làng, bạn bè người thân của nhóm ngỡ ngàng  nhưng cảm động và nhiệt tình cổ vũ.

Trong nhóm có chị Trần Bích Huyền là người gián đoạn với cello hẳn 30 năm.  Sống trong nhà nhiều người thân nổi tiếng, bố chồng là ca sĩ Trần Hiếu, em chồng là Trần Thu Hà, em trai là nhạc sĩ Thanh Phương, chị Huyền đành giữ tình yêu âm nhạc như một khán giả vì phải bươn chải nhiều công việc vất vả, chèo chống bao bọc gia đình. Sau mấy chục năm có lúc từng bán quần áo, bán cơm, café  rồi bán bún, tuần đầu tiên tập lại đàn mười ngón tay chị sưng vù. Bàn tay trái bị gãy trước đó cứng quèo. Lúc đầu chị chỉ được phân đánh bè dễ, tập được hai tháng tiếng đàn đã êm dần như chị thổ lộ “đang phục hồi trí nhớ âm nhạc”. Chồng con đều ủng hộ sự trở lại kỳ ngộ của chị. Họ sẵn sàng phụ giúp, nhường cả căn phòng rộng nhất để nhóm nhạc đến tập cò cưa mỗi tuần.

Nhóm cello tài tử đầu tiên của VN được tạo lập bởi nhiều cuộc tái ngộ thú vị. Nguyễn Chánh hiện đang làm tại công ty xăng dầu kể hồi nhỏ nhà  tận Hải Phòng, hàng tuần phải lên Hà Nội học đàn. Gia đình từng khá giả rồi sa sút nhưng bố anh vẫn quyết tâm cho con thi vào nhạc viện. Có giai đoạn hai năm liền bố anh phải tranh thủ bán báo trên tàu nhân mỗi lần đưa đón con. Tốt nghiệp trường nhạc, anh Chánh làm nhạc công chuyên nghiệp được vài năm thấy không đủ sống thế là chuyển qua nhiều nghề khác để tồn tại. Tái ngộ bạn nhạc, anh Chánh như trẻ ra. Anh nhận phần việc lập Facebook hẹn hò giờ giấc và động viên mọi người tăng buổi tập.

 Thiều Quang Hải cũng có chặng đường vòng rất xa mới nối lại duyên với cello. Sau khi học xong nhạc viện, anh Hải trau dồi thêm một khóa cello nữa tại Học viện  Nghệ thuật biểu diễn Hồng Kông. Không thấy tương lai, anh chuyển hướng sang Philippines học kinh tế. Nghệ sĩ cello thủa nào giờ ổn định với sự nghiệp của kiểm toán viên.

Hai tuần trước buổi công diễn đầu tiên của “Cello & friends” thành viên thứ 11 của nhóm mới từ nơi xa lắc trở về. Tuyết Mai từng là hoa khôi và tay đàn ưu tú của lứa học sinh đàn dây thời trung cấp nhạc viện được cử sang Đại học Âm nhạc Sophia (Bungaria). Lấy bằng xong, chị cưới chồng Việt kiều, ôm hộp đàn theo chàng về Canada và cũng chính thức từ đó bỏ cuộc chơi. Hai mươi năm Tuyết Mai mải mê làm bà nội trợ, trông coi tiệm bánh mì nho nhỏ bỗng một lần nhận được lời mời gọi tập đàn từ bạn đồng môn ở quê nhà. Lâu lắm mới nghe tiếng đàn của Mai, nhiều bạn bè đã bấm like khi xem video  “Cô ấy đã trở lại! Tiếng đàn vẫn ngọt lắm!”. Cơn đau của bàn tay rớm máu sau lần đầu tái ngộ và khổ luyện cello đã được bù đắp.

Sợ một ngày cellist VN tuyệt chủng

Ở VN, khi mức sống cao lên số trẻ em theo học piano, violon, guitar tăng đáng kể nhưng cello chung số phận với viola và contrabass đang dần bị bỏ rơi. Tại Học viện Âm nhạc Quốc gia cả ba hệ sơ cấp, trung cấp, đại học chỉ có vẻn vẹn 20 học sinh cello, trong khi số học violon nhiều gấp năm lần. Theo quan niệm số đông, cello nặng cồng kềnh, giá đàn đắt mà không năng động khi trình diễn một mình.

Tâm lý chung vẫn coi piano sang trọng hơn, hình thức cây đàn dễ dọa mọi người hơn. Giáo viên dạy piano giỏi có thể giàu nhờ đông học sinh. Thầy chơi cello giỏi khó khăn lắm mới kiếm được một trò, đa phần không có cơ hội dạy. Nhạc công cello chuyên nghiệp chỉ trông vào những lần theo nhóm tam tứ tấu đánh sự kiện để có thu nhập thêm. Mà cũng chỉ có khách sạn, đám cưới nhà hàng đẳng cấp mới nhờ đến nhạc thính phòng làm sang.

Tại các nước âm nhạc phát triển, cello có vị trí đặc biệt hơn so với các loại đàn dây. Ở phương Tây, bốn trong số năm người vô tình được hỏi trả lời rằng họ yêu thích cello nhất trong dàn thính phòng. Họ cảm thấy bình tâm hơn khi nghe âm thanh mượt mà và dịu mắt với tông màu nâu cánh gián của cây đàn. Cellist có dáng ngồi nổi trội, thanh lịch nhất trong dàn nhạc.

Mỗi năm Nhật Bản tổ chức một buổi hòa nhạc cho 1.000 cây cello từ khắp địa cầu. Với VN mong muốn tụ được 100 cây đàn thôi đã là giấc mơ xa vời. Trên sân chơi thị trường VN, có Đinh Hoài Xuân là nghệ sĩ biết cách PR cho cello bằng nhạc Trịnh nhưng có thể khán giả vẫn để tâm đến giai điệu nhạc Trịnh hơn là giá trị thanh âm độc đáo của cây đàn.

Cả VN hiện chỉ có duy nhất một người thợ sửa được cello. Anh ấy luôn bận nên không dễ hẹn. Lùng mua phụ kiện còn khó hơn nữa. Chị Tuyết Trinh trưởng nhóm từng kết nối được một anh thợ người  Philippines sẵn sàng sang VN sửa chữa cello miễn phí nhưng kinh phí để thợ ăn ở cũng là cả một vấn đề. Mong muốn dinh được một thợ sửa đàn về nơi đang có nguy cơ tuyệt chủng nhạc công cello được tính như một dự án lãng mạn.

Những buổi tối phù du

Với sáu người từng bỏ đàn thì việc quay trở lại với cello một cách hào hứng là khá dễ hiểu nhưng với những tay đàn chuyên nghiệp trong nhóm thì hơi lạ. Chị Tuyết Trinh so sánh : “Hàng tuần nhạc công chuyên nghiệp phải tập với dàn nhạc, lịch biểu diễn trong hoặc ngoài nước đều mỗi tháng. Đánh đàn lúc đó là công việc, căng thẳng để không sai sót, đôi khi chơi đi chơi lại một bản nhạc thấy nhàm chán. Khi đánh ở nhóm bạn bè, được tự do chọn, dựng và soạn bài giống như đang chơi. Tinh thần hoàn toàn thư giãn”.

Chuyện tái ngộ của 11 tài tử cello ảnh 1

Trưởng nhóm Đào Tuyết Trinh.

Mục đích của ban nhạc là chơi đàn tự nguyện, không bán vé nên nhận được nhiều sự ủng hộ. Trung tâm Văn hóa Nga luôn sẵn lòng cho họ mượn khán phòng biểu diễn. Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc đã viết tặng đêm công diễn đầu tiên bản “Romance cho 11 cello”. Một ekip làm phim tài liệu tình nguyện đồng hành theo các tài tử.

 

Mặc dù số buổi tập không được nhiều trong bốn tháng nhưng các thành viên đều cố gắng có đủ 10 bản nhạc cho đêm ra mắt. Chương trình có từ giai điệu dễ nghe như Yesterday, Oblivion, Eleanor của The Beatles đến bản nhạc khó như Liber Tango của Astor Piazzolla.

Gần ngày ra mắt, mọi người đều cố thu xếp ngày nghỉ, buổi tối, bất kể mưa rét để cùng nhau luyện tập ghép bè mức độ khó dần lên. Nhóm chuyên nghiệp mệt phờ vác cây đàn trên 20kg từ buổi tập cơ quan tới buổi tập bạn bè. Có người chỉ tập được nửa buổi tối, tới giờ phải chạy đi đánh nhạc quán.

Mỗi thành viên trong nhóm có mong muốn giản dị là được chơi đàn cùng nhau. Tự đóng góp tiền và thời gian để có những giờ phút phù du với tiếng đàn của mình. Đêm công diễn đầu năm mới 2016 là món quà thanh cao mà các tài tử cello dành tặng người thân yêu, thầy cô và bạn bè. Họ hy vọng những buổi diễn trong tương lai của nhóm cello amaters sẽ truyền cảm hứng và nhân rộng tình yêu cello cho mọi người.

Trong 11 thành viên, chỉ có năm người theo nghề nhạc công chuyên nghiệp, sáu người còn lại từng tuyệt giao với cello từ một đến vài chục năm.

MỚI - NÓNG