“Chuyện tào lao” cùng Nguyễn Ngọc Thuần

“Chuyện tào lao” cùng Nguyễn Ngọc Thuần
TP - Một sự khủng hoảng khác, không phải tài chính, mà khủng hoảng tâm hồn được Nguyễn Ngọc Thuần đề cập trong cuốn sách có cái tít nguỵ trang “Chuyện tào lao” đang được NXB Trẻ in và phát hành đầu năm 2009.
“Chuyện tào lao” cùng Nguyễn Ngọc Thuần ảnh 1

Cùng trò chuyện sâu hơn với tác giả về các yếu tố biến đổi gene, biến đổi môi trường… đang làm biến đổi chính con người thuở “một thiên nằm mộng” giữa cánh đồng làng!

Cần niềm tin mang tính cá nhân đủ lớn

Đầu năm mới, người ta lo lắng bao chuyện hệ trọng về khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu, còn anh thì lại muốn bàn chuyện tào lao trong cuốn sách đang in. Những câu chuyện tào lao của anh là gì vậy, nó góp nhặt trong bao lâu rồi?

Khi tâm hồn hoảng loạn thì tài chính không phải là lý do tốt để giúp bạn vượt qua. Cái bạn cần là một niềm tin mang tính cá nhân đủ lớn. Đây là một câu chuyện viết về những khủng hoảng bên trong con người. Tên “Chuyện tào lao” cũng không hẳn là một truyện.

Cụ thể, lần xuất bản này, truyện có tên là: “Chuyện tào lao [về kẻ quấy rối và chồng cô ta]. Cuốn thứ hai sẽ là: “Chuyện tào lao [Về bạo lực là câu chuyện dài]. Cuốn thứ ba sẽ là chuyện tào lao [Về một cái gì đó]… Vân vân. Cứ như thế, viết cho đến… già.

Khi đọc truyện “Con chó biến thành con bò”, tôi thấy vấn đề đặt ra còn nghiệt ngã hơn nhiều chuyện khủng hoảng tài chính: chất melamine cùng bao chất phụ gia đang xen vào đời sống của chúng ta, làm chúng ta biến đổi từng ngày mà không nhận ra. Sao anh lại muốn giấu vấn đề này dưới cái vỏ “tào lao” tầm phào, nói vui thì anh muốn đề cập vấn đề theo kiểu… vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ cho nhẹ đi hay sao?

Sự biến đổi của “Con chó biến thành con bò” chỉ là những biến đổi nhìn thấy, nó thật sự tầm phào, nhưng cái đáng sợ hơn là sự biến đổi vô hình bên dưới nó. Nó xâm nhập từ từ và biến đổi chậm rãi. Cho nên tôi mới viết rằng, làm sao một cái đuôi lại tượng trưng cho nỗi cô đơn của con người được. Bản chất sâu xa của con người đến từ cái khác, bên ngoài dáng vẻ của họ.

Chính anh, người quan sát và người viết, hoặc kỳ vọng hơn là người dự báo cũng đang sợ hãi trước những điều mình phải chứng kiến khi mở cửa bước ra đường hàng ngày?

Chúng ta đối diện với nhiều thứ từ bên ngoài trong quá trình sinh sống. Nhưng tôi vẫn luôn nghĩ rằng những vấn đề bên trong luôn nhiều hơn bên ngoài.

Ví dụ trong đời tôi, hầu như tôi rất ít gặp ai, nhưng điều đó không có nghĩa là cuộc sống của tôi không có gì để giải quyết. Có quá nhiều điều phải thu xếp cho cá nhân, thậm chí phải tốn rất nhiều thời gian để ổn thỏa nó. Nói một cách ví von thì bên trong mỗi con người đều có ba thứ cùng tồn tại: một cơn bão, một vực thẳm và một đỉnh núi.

“Bỗng một ngày thấy bà giám đốc biến thành đàn ông, một số nhân viên đàn ông trong cơ quan bỗng dưng biến thành đàn bà, chắc tại thức ăn!” - Anh đã viết như thế. Nhưng đau đớn hơn, anh lại cho một nhân vật phải chết, đó là cái chết của bà lão hàng xóm ngày ngày vẫn cho con chó của anh ăn món “chicken soup”, vậy mà con chó vẫn bị biến đổi thành con bò, vì thế bà lão sốc quá mà chết. Anh có ẩn ý gì từ việc cho ăn “chicken soup” rồi mà vẫn bị biến đổi?

Tâm hồn con người được làm đầy bằng hai cách, bên ngoài rót vào và bản thân bên trong dâng lên. Một người quân bình là giữ được sự cân bằng giữa hai mối quan hệ này. Nhưng cũng có những tâm hồn bên trong không có thứ gì dâng lên, bên ngoài lại không một món “chicken soup” nào có thể rót vào.

Và đó là lúc bạn đối diện với sự biến đổi theo một chiều hướng nào đó, hoặc tốt đẹp hoặc xấu xa, hoặc tích cực hoặc tiêu cực.  Văn chương không thật sự “trầm trọng” như chúng ta vẫn nghĩ

Một truyện khác của anh, “Cái chết của con mèo”, là quá trình người vợ chứng kiến chồng mình, người đang sống khỏe mạnh nhưng cơ thể dần dần mất mùi hay nói đúng hơn là thịt da anh ta không có mùi, trắng tinh, sạch sẽ và vô trùng. Chính vì người viết còn giữ cho mình “tâm hồn quê mùa” nên mới tốt về khứu giác như vậy?

Đó chính là trích đoạn trong Chuyện tào lao [Về kẻ quấy rối và chồng cô ta] sẽ phát hành đầu năm 2009. Sự thật không hẳn là vì khứu giác tốt, mà là vì sự nhạt nhẽo bên trong con người nhân vật.

Anh ta không còn là con người đúng nghĩa, mà đang đánh mất dần, đang biến đổi dần, ngay cả những thứ đơn giản nhất như mùi mồ hôi cũng không còn thuộc về anh ta nữa. Thay vào đó chỉ còn lại mùi thủy tinh, mùi bông băng… Những cái mùi của vô tri khác.

Anh nói mình không viết cho trẻ con nữa vì tính tình thất thường, nhưng có phải vì tâm hồn quê mùa của cái thuở “một thiên nằm mộng” trên cánh đồng làng nó cũng đã phai nhạt ít nhiều nên bây giờ mới có những chuyện tào lao, những truyện ngắn mang tính biến đổi gen và biến đổi khí hậu nặng như vậy?

“Chuyện tào lao” cùng Nguyễn Ngọc Thuần ảnh 2Văn chương là tâm tính, tâm hồn, tâm trạng… Nếu bạn thích xuống dòng thì bạn nên xuống dòng, thích viết hoa thì cứ viết hoa. Bởi bạn là người ra luật chơi mà… Nhưng tôi nghĩ, nếu chấm câu mà truyện vẫn hay thì không có lý do gì hành hạ người đọc chi cho khổ“Chuyện tào lao” cùng Nguyễn Ngọc Thuần ảnh 3

Quá trình sống là quá trình phủ nhận, tùy theo mỗi người mà liều lượng ít hay nhiều, nhẹ nhàng hay quyết liệt, nhưng nó là cái bắt buộc phải diễn ra. Tôi đã sống qua những cái đó, cần phải sống tiếp những cái khác, không tốt hơn, nhưng sẽ tươi mới hơn. Nhãn quan văn chương của tôi vì thế mà thay đổi dần. Tâm hồn của tôi cũng đã đi đến một nơi khác. Không còn ở chỗ cũ và những cảm xúc cũ.

Với anh, nhiều cuốn sách nhảm nhí cũng có tính toàn cầu không thua gì những cuốn sách chân chính, “Chuyện tào lao” mang lại điều gì cho bạn đọc, theo chủ quan của anh?

Đây là câu chuyện về một anh chàng nhịn đói mười chín ngày khi đi tìm cục xà bông (xà phòng). Tôi nghĩ người đọc sẽ nhận ra cá nhân là những biến đổi mang tính tầm phào nhất.

Và riêng cuốn sách cũng đã mang lại cho tôi những nhận thức khác, những trải nghiệm khác về văn chương, văn chương không thật sự “trầm trọng” như chúng ta vẫn nghĩ.

Khi gặp Lê Thiếu Nhơn, tôi hỏi: “Ngoài đời thì Nguyễn Ngọc Thuần có gì đặc biệt không, theo cậu?”. Anh ấy nói: “Hắn ngày xưa nghèo lắm, nay vẫn nghèo”. Lạ nhỉ, bây giờ mà anh vẫn nghèo cho được?

Rất chính xác và cũng rất tinh tế nữa. Cũng xin cộng thêm, còn là một con người nhạt nhẽo trong cuộc sống. Nó cũng là căn bệnh của rất nhiều cá nhân khác, càng sống càng nghèo nàn đi, càng nhạt nhẽo ra. Xin hãy tin tôi chuyện này. 

Nếu là một đứa trẻ thì cũng tốt

“Chuyện tào lao” cùng Nguyễn Ngọc Thuần ảnh 4
Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần

Truyện ngắn của anh bây giờ có hơi hướng báo chí nhiều, ví dụ anh viết “phải chăng truyền hình đã cứu vãn các mối quan hệ”, “phụ nữ tắc sữa để bảo toàn vẻ đẹp bầu sữa. Trẻ em uống sữa gì mà chả lớn lên”.… Nhận xét thế có hồ đồ không?

Nó không phải là một nhận xét. Nó chỉ là một cách nói lòng vòng, nói bóng nói gió, nói chỗ này nhưng chỉ để mong nó trúng chỗ… nọ.

Anh không đặt bất cứ lý do gì để phải viết văn và cũng sợ cách viết chuyên nghiệp. Vậy theo anh sáng tác có nhất thiết phải xác định rõ thể loại không và có nhất thiết phải xuống dòng, viết hoa đầu dòng hoặc chấm câu không?

Văn chương là tâm tính, tâm hồn, tâm trạng… Chẳng thể nào chuyên nghiệp được mấy cái đó. Nếu bạn thích xuống dòng thì bạn nên xuống dòng, thích viết hoa thì cứ viết hoa. Bởi bạn là người ra luật chơi mà.

Bạn đừng vì một cái luật nào đó không cho xuống dòng, không cho viết hoa thế là bạn phải đu theo mặc dù trong tâm hồn bạn không hề muốn thế.

Nhưng tôi nghĩ, nếu chấm câu mà truyện vẫn hay thì không có lý do gì hành hạ người đọc chi cho khổ. Tốn nhiều công sức cho một ít ý nghĩa là không chính đáng.

Khi viết tôi không bao giờ đặt ra thể loại. Cứ thấy ngắn ngắn thì cho là truyện ngắn, dài dài thì kêu là truyện dài, vậy thôi. Cốt lõi vẫn là viết cái gì? Bằng cách nào? Nếu viết bằng “cái đuôi” sách mới hay thì không có lý do gì tôi lại viết bằng tay. Tay chỉ có vứt đi.

Cuối cùng, cái đích của sự viết trong anh là gì: để chia sẻ, giải tỏa hay là tìm kiếm các phương thuốc chữa trị vết thương và chống lại sự biến đổi?

Tôi không bao giờ biết mình viết vì cái gì. Nhưng cũng có thể vì tất cả những cái trên và cộng thêm nhiều thứ khác nữa. Tôi muốn kể một câu chuyện theo một phương cách nào đó khác. Và thán phục trước sự biến đổi không lường của sự việc.

Vậy hỏi vui anh thế này: Anh có đang bị biến đổi không, cả tinh thần lẫn thể xác?

Có cả hai. Thể xác và tinh thần luôn chịu sự biến đổi theo thời gian. Nếu không bạn chỉ là một đứa trẻ. Nhưng mà nếu là một đứa trẻ thì cũng tốt. Cũng chẳng nên lấy đó làm đau đớn.

MỚI - NÓNG