Chuyện tên phố, tên phường Hà Nội

Chuyện tên phố, tên phường Hà Nội
TP - 1. Hòa Mục là ngôi làng cổ của Hà Nội, nằm bên dòng Tô Lịch. Làng có ngôi đền Dục Anh sát bờ sông.

Thần phả của đền chép, thủa vua Mai Hắc Đế chống giặc Đường, có Hoàng hậu Phạm Thị Uyển lãnh một đạo thủy binh đánh nhau với tướng giặc Dương Tư Húc trên sông Tô. Thế giặc mạnh, liệu địch không nổi, bà Uyển nhảy xuống sông tự trầm. Xác bà được dân bí mật an táng trong ngôi vườn hoang cạnh bờ sông, rồi dựng lên ngôi miếu nhỏ.

Thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay) rồi kinh đô Vạn An (Nghệ An ngày nay) của nhà Mai lần lượt thất thủ. Đất nước lại rơi vào đêm dài Bắc thuộc. Ngôi miếu cạnh sông Tô đượm khói hương, nhưng câu chuyện về Hoàng hậu hầu như không còn được biết đến.

Những năm đánh giặc Minh, có lần thua trận đang đêm vượt sông Tô, Lê Lợi qua đêm tại ngôi miếu hoang cạnh sông Tô ấy. Lê Lợi được một phụ nữ báo mộng: Ta là Hoàng hậu nước Nam, năm xưa đánh giặc phương Bắc, tử trận trên sông, được thờ ở miếu này. Ta sẽ âm phù cho ngài chống giặc, giành lại non sông về cho người nước Nam.

Kháng chiến thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi vua. Ông cho xây lại miếu thành đền, ban đạo sắc phong thần cho bà Phạm Thị Uyển.

2. Cái năm Hòa Mục sắp chuyển từ làng lên phố, tôi viết câu chuyện đền Dục Anh, gửi đăng báo Phụ nữ Thủ đô, với lời đề nghị đặt tên con đường chạy dọc sông Tô, qua cổng đền Dục Anh, là đường Phạm Thị Uyển. Bài báo không nhận được hồi âm nào từ các nhà quản lý và các nhà văn hóa...

Hòa Mục giờ thuộc phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy. Con đường chạy qua cổng đền Dục Anh được đặt tên là Nguyễn Ngọc Vũ.

Tôi có hỏi một số bậc cao niên trong làng, rồi một số cán bộ phường: “Nguyễn Ngọc Vũ là danh nhân thời nào, gắn bó với mảnh đất Hòa Mục ra sao?”. Câu trả lời cho thấy còn ít người biết về danh nhân này.

3. Hà Nội đang được mở rộng. Nhiều làng, cánh đồng sẽ thành phố xá, nhiều đường vô danh sẽ được đặt tên. Thị xã Hà Đông sáp nhập về Hà Nội, hàng loạt đường, phố bị trùng tên, cần được thay đổi.

Sẽ có nhiều tên danh nhân được đặt tiếp cho các đường phố. Đây là sự tôn vinh của hậu thế đối với những bậc tiền bối làm nên sự nghiệp vẻ vang, vì dân, vì nước.

Qua câu chuyện ở làng Hòa Mục, thiết nghĩ việc đặt tên ai, sự nghiệp chiến công vẻ vang ra sao,  nên có sự phổ biến, bàn thảo rộng rãi, để đông đảo nhân dân cùng tham gia.

4.  Nhân bàn chuyện này,  tôi xin được nêu thêm vài ý kiến nhỏ.

Đất nước đã độc lập, hòa bình. Đây là lúc chúng ta cần ghi nhận những cái tên như Loseby, luật sư người Anh, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Ái Quốc tại tòa án Hương Cảng năm nào, Morrison, người Mỹ, đã tự thiêu để phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của đế quốc Mỹ tại Việt Nam. Không chỉ là sự tôn vinh, những con phố mang tên người nước ngoài còn cho thấy đất nước ta đang mở cửa rộng rãi để hội nhập với thế giới.

Đất nước cũng đã đổi mới hơn hai mươi năm. Thiết nghĩ, đã đến lúc cần ghi nhận những giá trị có sức sống bền lâu cùng năm tháng. Nhà thơ lục bát tài hoa Nguyễn Bính, nhạc sỹ có công chúng rộng rãi Trịnh Công Sơn, nhà cải cách kinh tế vượt trước thời đại Nguyễn Kim Ngọc, đều là những danh nhân đáng được vinh danh trong thời kỳ đổi mới này.

Đổi mới tư duy về cách đặt tên đường, tên phố hẳn sẽ giúp trẻ em khi lớn lên trở nên gần gũi và gắn bó hơn với nơi mình sinh ra và lớn lên.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.