Chuyện tình 'Trăng hoàng cung' và nỗi niềm Phùng Quán

Chuyện tình 'Trăng hoàng cung' và nỗi niềm Phùng Quán
TP -  Có thể nói, với “Trăng hoàng cung”, Phùng Quán đã hồi sinh mạnh mẽ về thơ. Tinh diệu hơn, đằm thắm hơn, sâu sắc hơn trước nhiều... Có những câu thơ tình thuộc vào loại “Những câu thơ tài hoa” của Việt Nam...
Chuyện tình 'Trăng hoàng cung' và nỗi niềm Phùng Quán ảnh 1
Phùng Quán và Hà Khánh Linh chụp ở Hóc Môn, TP HCM 12/1993

Là một người vô cùng yêu mến và kính trọng nhà thơ Phùng Quán, nên tôi rất xúc động khi nhận được cuốn sách “Trăng hoàng cung- tiểu thuyết tình 13 chương” và “Phùng Quán viết “Trăng hoàng cung”- Hồi ức của nhà văn Hà Khánh Linh”, do anh Nguyễn Đức Bình, Giám đốc Nhà xuất bản Văn Nghệ từ Sài Gòn gửi tặng.

Anh Quán ơi, ở nơi chín suối, chắc anh đang  vuốt râu nâng chén mỉm cười mãn nguyện...!

Bản thân tôi là người chứng kiến từng ngày cuộc tình bùng cháy đó của anh... 

Mùa hè  1984, sau 30 năm bị khổ đau, ..., và sau gần 40 năm trốn mẹ đi theo Vệ Quốc Đoàn, anh mới trở về Huế quê hương.

Dạo ấy anh Phùng Quán thường ngụ khi thì ở nhà Hoàng Phủ Ngọc Tường - Lâm Thị Mỹ Dạ, khi ở làng anh ở Thủy Dương hoặc ở gian phòng tập thể 31 Phan Bội Châu của vợ chồng tôi.

Anh làm thơ gấp gáp không kịp ăn, không kịp thở. Làm xong  chép lại một bản đàng hoàng rồi xỏ dép lốp, đạp xe cuốc Liên Xô về 26 Lê Lợi để tặng Nàng. Anh gầy đi từng ngày. Tặng xong hơn chục bài thơ, ra Hà Nội anh sắp xếp, thêm thắt và đặt tên là “Tiểu thuyết tình 13 chương viết trên giấy có kẻ dòng”...

Năm 1993, sau khi NXB Thanh Vân (California) in Trăng hoàng cung, anh chỉ nhận được 2 bản sách do bạn bè từ Mỹ mang về... Cuối năm Con Gà (1993) anh ra Huế đến nhà  tặng tôi một cuốn “Trăng hoàng cung” phô tô và một bình rượu Tàu...  Đó là lần cuối cùng anh ở Huế. Năm 1994, anh phát bệnh xơ gan…

Năm 2002, tôi tổ chức bản thảo và biên soạn cuốn “Nhớ Phùng Quán” (NXB Trẻ, 2003)... Tôi đến nhà năn nỉ chị Nguyễn Khoa Như Ý (tên thật của nhà văn Hà Khánh Linh): “Chị viết cho  một vài hồi ức về Phùng Quán. Chuyện anh Phùng Quán ngày nào cũng làm thơ tặng chị ấy…”.

Nhà văn Hà Khánh Linh nhìn tôi mà như nhìn vào xa xăm: “Đến lúc giỗ 10 năm Phùng Quán mình sẽ có nén hương lòng tặng anh”. Năm 2004, chuẩn bị 10 năm giỗ Phùng Quán, tôi tập hợp bài vở, biên soạn tập bản thảo dày, cũng nội dung bạn bè viết về Phùng Quán, đặt tên là “Chuyện Phùng Quán”.

Tôi lại đến nhà đề nghị Hà Khánh Linh viết kỷ niệm về Phùng Quán. Và lần này tôi thật sự vui mừng nhận từ tay chị tập bản thảo “Phùng Quán viết Trăng hoàng cung” viết tay 73 trang bằng bút bi xanh (có sửa chữa bằng mực bút bi đỏ)  trên giấy A4 bằng lối chữ “gà mái mẹ” của chị.

Vì chị tin tôi đã đưa  bản gốc và đến bây giờ tôi vẫn còn giữ. Có lẽ chị đã thuê đánh máy thành nhiều bản. Tập sách thứ ba về Phùng Quán do tôi biên soạn có phần hồi ức “Phùng Quán viết Trăng hoàng cung” , nhưng vì trục trặc sự vụ, không ra kịp 10 năm giỗ Phùng Quán (2005).

Có lẽ cuối năm nay mới ra mắt bạn đọc, cũng do NXB Văn Nghệ ấn hành với tên sách là “Phùng Quán còn đây” do chị Vũ Bội Trâm, vợ anh Quán đặt. Tiếc là “Phùng Quán viết Trằng hoàng cung” đã in rồi…

Nhưng cuộc tình ấy của Phùng Quán cũng đa đoan lắm...   Thời gian đó,  nhà văn Hà Khánh Linh  đang bị “sốc đàn ông” vì cuộc ly dị chồng vừa diễn ra trước đó một năm (6/1983) - Em có con phải nuôi/Có chồng phải bỏ (PQ)- nghĩa là chị đang ở trong tâm trạng “chán đàn ông”; chị đang bị bệnh tim, lại phải nuôi hai đứa con nhỏ... 

Đúng lúc đó thì Phùng Quán xuất hiện... Phùng Quán đến nhà thường xuyên quá thành “quấy rầy”, ăn mặc thì lôi thôi..., nên rất nhiều lần nữ nhà văn  từ chối, “xin lỗi vì bận việc”. “…Nhưng mỗi ngày phải tiếp chuyện thơ anh một hai lần thế này thì tôi  thật… ngán! Tôi còn bao nhiêu việc phải làm, còn anh thì bao giờ cũng muốn ngồi lâu…”(bản thảo gốc).

...Tất cả những điều ấy là có thật. Nhà văn Hà Khánh Linh đã viết trong hồi ức...

Nhưng tôi lại nghĩ, chính mối tình cuồng si đơn phương, đau khổ vì không được “yêu lại” ấy đã sinh ra  “ khoảng trống ” hay sự “đột biến năng lượng tình cảm” làm khơi dậy trong Phùng Quán nguồn mạch thơ mới...

Phùng Quán đã bị vẻ đẹp đài các, dịu dàng của người phụ nữ Huế hớp hồn, không cưỡng lại được. Nhà thơ sống lơ ngơ như lần đầu được yêu... Nghe Hà Khánh Linh bảo chị muốn dành thời gian để hoàn thành một kịch bản, chứ không  thể tiếp anh lâu được, Phùng Quán cũng có ngay bài thơ “Bi kịch”.

Anh khát thơ /  và khát được nhìn em / Chuyện thường tình mà hoá thành bi kịch (tr.96).

Nghe  nàng nói “Em mệt tim một chút do thời tiết”, Phùng Quán cũng lẫy ngay ra được cái tứ  bài thơ “Trái tim em không được bình yên” viết theo kiểu đánh điện tín. Nói dại dột / Nếu một sớm mai nào đó em bỗng bay mất / Tôi sẽ tan ra thành mưa Huế những ngày đông ! / Tôi sẽ xối  xả xuống tất cả những nơi nào em đã đặt chân. ( tr.38).

Nàng thơ bảo “Cái mặt em như ri anh  chộ (thấy) cả ngày mà không chán răng anh ?”. Thế là đêm đó nhà thơ có ngay bài thơ “Chán chộ” với chất đồng dao rất dễ thương: Chỉ khi mô/ Con sông chán chảy / Ngọn gió chán thổi / Cây đờn chán dây / Bàn tay chán ngón / Cái nón chán quai / Vừng trăng chán soi / Rễ cây chán đất / Đến bây chừ / Anh mới chán chộ mặt em (tr.34).

Tất cả các bài thơ hay  trong “Trăng hoàng cung” như Mưa Huế, Trăng hoàng cung, Đợi đò, Trái bí xanh, Tình tuyệt vọng, Tôi khóc... đều  xuất phát từ những sự “hắt hủi”, có khi mắng mỏ, từ chối của Nàng Thơ mà thành. Các nhà thơ thường bảo Tình Yêu làm nên thiên tài. Tôi xin nói thêm: Tình Yêu Cay Đắng mới là Thượng Đế sinh ra các nhà thơ thiên tài !

Tuy nhiên Trăng hoàng cung là một cuốn “tiểu thuyết”, có một cấu trúc hoàn chỉnh theo ý tưởng tác giả. Tác giả có quyền hư cấu, đưa vào tất cả những gì mình có để làm bật chủ đề. Cho  nên trong “Trăng hoàng cung” không phải bài thơ nào cũng tặng Nàng Thơ Hà Khánh Linh. 

...Có một bài thơ viết trong “cơn lũ thơ Trăng hoàng cung” ấy, cũng được đưa vào “ Tiểu thuyết tình 13 chương”, Phùng Quán chép tặng Hà Khánh Linh thật,  nhưng lại không phải thơ viết vì  Hà Khánh Linh. Đó là bài “Nắng Cố Đô”. Nắng Cô Đô nàng cười dim mắt?

Ôi nụ cười nghiêng thành cổ Hoàng Cung /… Ta thương vua Hời nghèo mà ngốc / Ba trăm dặm nước tưởng là to! / Chỉ riêng nụ cười Nàng dim mắt / Ta đặt dưới chân  Nàng cả Vương-quốc-Thơ!... ( tr.42).

Trong hồi ức “Phùng Quán viết Trăng hoàng cung” của Hà Khánh Linh cũng có chuyện Nàng cho Phùng Quán xem ảnh, nhưng là ảnh chụp ở Thủy Dương, bên hồ sen, chứ không phải chụp ở sân Đại Triều. Phùng Quán cũng khen ảnh đẹp, khen con mắt nheo.

Sáng hôm sau nhà thơ cũng mang bài thơ “Nắng Cố Đô”  đến tặng Nàng Thơ. Thực ra đây là bài thơ Phùng Quán viết tặng một người khác, cũng vào thời gian đó...  chị chính là nguyên cớ để Phùng Quán phải lên “tăng gia” ở vùng núi Thái Nguyên, bên suối Linh Nham 3 năm liền... 

Tất cả những điều này Chị Bội Trâm đã biết từ lâu... Sau “vụ” ấy, Hà Khánh Linh nói với Phùng Quán trước đông đảo mọi người: “Tôi tuyên bố thẳng thừng rằng, từ này anh đừng có làm thơ tặng tôi nữa!” (Bản thảo gốc). Và “Trăng hoàng cung” cũng kết thúc từ đó...

Có thể nói, với “Trăng hoàng cung”, Phùng Quán đã hồi sinh mạnh mẽ về thơ. Tinh diệu hơn, đằm thắm hơn, sâu sắc hơn trước nhiều... Có những câu thơ tình thuộc vào loại “Những câu thơ tài hoa” của Việt Nam: Từ chất liệu gì mà Trăng bày đặt ra em?.../ Một vùng tóc như một vùng biển tối / Vừng mắt em thăm thẳm tia nhìn / Những ngón tay ngón chân có mùi hoa đại / Cái cổ trần như rong dưới đáy sông Hương (Trăng hoàng cung)...

Nhưng nhiều người đọc Trăng hoàng cung cứ tưởng nhầm đây là những bài thơ tình yêu thuần túy. Không phải. Mạch thơ chủ đạo của Trăng hoàng cung là nỗi niềm Phùng Quán trước cuộc đời. Với Phùng Quán thơ mới là tất cả. Thơ là lý lịch là mạng sống đời tôi.

Vì thế tình yêu chỉ là cái cớ, cái “từ trường” để anh giãi bày tư tưởng của mình về nhân cách người cầm bút, về triết lý sống, thái độ hành xử với con người... Dù bị 30 năm bị ném ra vỉa hè, 30 năm bị dìm trong bùn-nhơ-lăng nhục, “dù phải trả giá cho Thơ bằng ba mươi năm tốt đẹp của đời mình”… Phùng Quán vẫn là Phùng Quán 30 năm trước.

Sét nổ trên đấu không xô tôi ngã / Bút giấy tôi ai cướp giật đi / Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá  (Lời Mẹ dặn)... Đã không ít nhà văn Khi bàn tay đã đuối/ Khi tấm lòng đã mỏi/ Khi con mắt bớt trong/ Khi dũng khí đã nguội…( Tr.24) . Lúc ấy ngòi bút của họ sẽ uốn theo nóng lạnh cuộc đời...

Tôi có quyền gì được no hơn nhân dân tôi một miếng ăn ? / Tôi có quyền gì được lành hơn nhân dân tôi một manh áo ?/  ( Không đề- tr.61-62). Những câu thơ như là lời đay nghiến... như là tiếng gọi  khẩn thiết gửi đến con người!

“Cảm tạ” Nàng Thơ đã cho mình hồi sinh thơ, Phùng Quán cũng không quên chuyện đời đau xót: Tôi đã đi rao cùng thiên hạ: / - Ai-đổi –thơ-lấy-máu !/ Không ai đổi. Vì máu tôi không cùng nhóm máu họ / Vì thơ họ không cùng nhóm thơ tôi (Cảm tạ - tr.28)...

Đau lắm. Không thế mộng tưởng được... Nên: “Tôi khóc niềm tin yêu nát tan / Tôi khóc ngai vàng mộng tưởng / Tôi khóc Trăng-hoàng-cung bị lấm bẩn / Tôi khóc không biết lấy gì để gột sạch trăng… (Tr.78). Tiếng khóc của Phùng Quán là tiếng khóc của người có trách nhiệm trước nỗi đau của xã hội và con người...

Trong Trăng hoàng cung có một chương thơ Phùng Quán nói về hoàn cảnh oái oăm, khốn khổ của mình. Đó là Chương 13 - Tình tuyệt vọng. Mượn chuyện có thật là Nàng Thơ giận dữ  la lối phàn nàn do ngồi quá lâu, nhà thơ muốn  nói đến sự hắt hủi, vùi dập của cuộc đời đối với mình và những người cùng ý chí. …

Quá đau khổ / Tôi hoá thành lì lợm/ Tôi xin em bớt  giận…/Nếu không được ngồi / Thì tôi xin đứng/ Cùng với cây chổi em dựng ở xó nhà/ Nếu không được thở/ Tôi sẽ nín thở!...… (tr.87). Bài thơ quá đau buồn. Mỗi lần tôi đọc lại đều nổi da gà trước hình tượng thơ ám ảnh.

Đích thị đây là chân dung Phùng Quán từ một anh Bộ đội, một nhà văn trẻ được giải thưởng Hội Nhà văn năm 1954 với tiểu thuyết Vượt Côn Đảo nổi tiếng,  sau vụ “Nhân văn giai phẩm” bị treo bút..., bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn , bị “dìm - xuống - bùn - nhơ - lăng -nhục”...

Nhưng Phùng Quán vẫn trung kiên với con đường mình đã chọn, vẫn hồi sinh với bộ tiểu thuyết “Tuổi thơ dữ dội”,” Thơ Phùng Quán”,” Phùng Quán - Ba phút sự thật”, “Trăng hoàng cung”… Anh vẫn giành được giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007...

 Huế, 1/8/2007

MỚI - NÓNG