Chuyện Tuấn “gà”

Chuyện Tuấn “gà”
TP - Tôi đến gặp Tuấn “gà” chỉ vì nể nang người bạn, chứ không chắc có gì hay ho ở cái anh chàng cao gầy, ngượng nghịu, giọng nói đầy lỗi phát âm này. Cho tới khi Tuấn “gà” ôm đàn, huýt sáo và hát vài bài tự sáng tác, tôi thành fan của hắn ta, hơ!

> Canaval đèn lồng ‘khủng’ nơi thành Tuyên

Giới thiệu về Tuấn “gà”, người ta luôn nhấn mạnh rằng Tuấn từng có chân trong nhóm M6, từng viết nhạc phim cho đạo diễn Nguyễn Mỹ Khanh, từng đoạt giải Bài hát Việt… Ý là bảo Tuấn oách đấy, đừng tưởng! Tôi thì nghĩ Tuấn chả cần đến mấy vụ pi-a loằng ngoằng đấy. Tuấn cứ việc ôm đàn mà hát mấy bài của mình thôi, đã đủ thu hút rồi.

Tuấn đàn hát một mình ổn hơn chơi với ban nhạc. Diễn với ban nhạc, mồ hôi vã ra như tắm, trông đến thương. Ca sĩ Thái Thùy Linh, bạn Tuấn cười bảo: “Những việc đơn giản nhất như hát đúng theo nhịp mà người khác giữ cho mình thì Tuấn “gà” lại không làm được. Ngược lại, Tuấn có nhiều cách xử lý ca khúc khiến ca sĩ chuyên nghiệp phải ghen tị”.

Khi chơi một mình, Tuấn khác hẳn. Anh đàn, hát, huýt sáo lúc cao hứng. Cảm giác tự do, phóng khoáng lan sang cả người nghe. Khoái nhất là nghe Tuấn hát mấy bài trào phúng. Khi thì nhại giọng hết hơi của ông lão bà lão, nhại tiếng ò í e của điện thoại bị mất trộm (bài Mỗi nhà mỗi cảnh).

Có lúc lại mang cả cái ngọng nờ cao nờ thấp lên sân khấu. Bài Tiết canh dê thì phải! Đại loại đang thất tình, thì có thằng bạn ở quê lên chơi, rồi trình bày người quê tôi “yêu đương thật nắm”.

Chả biết Tuấn gà cố tình “thật nắm” hay vì níu nưỡi mà hát thành ra thế. Chỉ biết cái “thật nắm” của Tuấn có duyên, cả khán phòng cười nghiêng ngả. Cười vì khoái, không phải vì bắt được lỗi của người khác.

Tuấn “gà” hát tốt, nhưng sáng tác ca khúc mới khiến Tuấn trở nên khác biệt. Biệt danh Tuấn “gà” cũng từ bài Tiếng gáy thời gian của anh mà ra, chứ lúc nghiêm túc, người ta gọi anh là Nguyễn Tuấn, oách hơn thì thêm từ nhạc sĩ.

Tiếng gáy thời gian hẳn là bài phổ biến nhất của Tuấn, từng được công diễn tại Bài hát Việt năm 2007, đoạt giải Phối khí hiệu quả. Tiếng gáy thời gian được viết khi dịch cúm gà lan đến gần nhà Tuấn, cả bài là tất tần tật về gà.

Thấy bảo Tuấn đã viết được khoảng 100 ca khúc. Ca khúc trữ tình dễ nghe và không sến, ca khúc về tình cảm yêu đương cũng được nhưng có vẻ trào phúng mới là mảng sáng tác được ưa thích nhất.

Nói đến trào phúng, tôi cứ nghĩ người viết phải trong trạng thái tinh thần tự do lắm. Nhưng chả phải, “Hồi đó sợ vợ nên không dám viết các bài yêu đương, anh em gì. Thế là viết trào phúng thôi!”.

Mỗi nhà mỗi cảnh, một trong những bài được dân tình ưa thích nhất của Tuấn, cũng được viết trong một lần đánh mất điện thoại, sợ vợ không dám về nhà, cứ ngồi lì ngoài công viên nhìn một cô “đeo kính, liếc mắt đưa tình”.

Tuấn thất học. Đó là tôi nghĩ vậy, vì 12 tuổi Tuấn đã ở trong trại tị nạn Hồng Công. Chưa kể trước đó, cả nhà Tuấn đã có đến 5,6 lần đi mà không đi được. Lạ là, ca từ của Tuấn “gà” khá phong phú và đầy chất thơ.

Chẳng hạn: “…Hãy cứ đoán có một chuyện gì, mà chiều nay/ Cái mắt già cay cay/ Lão đứng trước thềm nhà/Dưới ánh sáng nhạt nhòa/ Lão muốn nói vài lời với lá thu rơi buồn/ Khói vắt qua hai miền/ Để tang nhện cái/…. Cô thấy nhớ ngày nào/ Mới mất cái điện thoại/Tắt ngấm những cuộc gọi/Tiếng lá thu rơi buồn/ Sách báo qua bao dòng/ Dìu nhau chuyển kiếp/ Ò e í.. Í e ò..Ò í e/ (Mỗi nhà mỗi cảnh).

“Có thể là do 4 năm trong trại tị nạn, chẳng có việc gì làm, ngày nào tôi cũng đến thư viện đọc truyện. Bốn năm nhàn rỗi, đọc được nhiều lắm. Vốn từ, chắc từ hồi đó mà ra”- Tuấn lí giải.

Bốn năm trong trại tị nạn ở Hồng Công (từ 1988 đến 1992) có lẽ đã làm thay đổi cuộc đời Nguyễn Tuấn. Ở đấy, Tuấn tự nguyện trở thành cây gậy dò đường cho người bạn mù, ngày ngày dẫn bạn đi học ghi- ta. Trong lúc bạn học đàn thì Tuấn bỏ đi đọc sách, tối về bạn tập đàn thì Tuấn lôi ra tập theo.

Thế là biết đánh đàn. Tuấn còn được học vẽ và biết luôn cả nghề xăm từ lúc ở trong trại. Rời trại tị nạn để quay về Hải Phòng (quên chưa nói, Tuấn gà là dân Hải Phòng), Tuấn biết làm nhiều việc: đàn, hát, thợ xăm, thợ mộc… hơn hẳn những cậu chàng 16 tuổi khác.

Tuấn không quay lại trường, mà chọn nghề thợ mộc để kiếm sống, rồi chọn luôn con đường nghiện ngập. Anh khá ngập ngừng khi tiết lộ chuyện này. Không phải muốn che giấu quá khứ, mà không thích khi biết chuyện, người ta sẽ nhìn anh như một người “vượt lên số phận” (từ của Tuấn).

Anh muốn được biết đến bằng âm nhạc. Nhưng tôi tin, nếu đã nghe nhạc của Tuấn, sẽ thấy việc anh đã từng sống ra sao, không quan trọng lắm.

Hai chục năm qua, từ lúc về nước đến nay, anh trải qua đủ nghề kiếm sống: thợ mộc, thợ xăm, buôn bán phụ tùng xe đạp…Một năm sống trong Sài Gòn, anh chạy xe ôm ban ngày, tối đi hát nhạc sến ở phòng trà để kiếm sống.

Có lúc vứt đàn, tập trung mưu sinh. “Có lần trên đường đi thu nợ về, một người chạy xe máy chở hàng suýt đâm phải tôi. Tôi giơ chân đạp giả một cái, anh ta suýt ngã xuống đường. Đêm về không ngủ được, tự hỏi sao mình sống hung dữ như thế này? Đây không phải cuộc sống mình mong muốn. Vậy là tôi trở lại với âm nhạc”.

Âm nhạc cho Tuấn nhiều thứ, giúp anh gặp được vợ mình, cô đã giúp anh cai nghiện. Họ chia tay, Tuấn lại lấy âm nhạc làm vui, để cân bằng cuộc sống.

Hiện Tuấn đã lên Hà Nội sống được hai tháng, anh định sẽ ở lại đây để làm gì đó nghiêm túc và lâu dài với âm nhạc. Nói thì dễ, nhưng cơm áo không đùa!

Có người giới thiệu cho Tuấn hát ở vài tụ điểm, hát nhạc sến vào buổi tối, để sống nhưng anh bảo, cũng có thể sẽ không (hoặc rất hạn chế) đi hát phòng trà, vì nó khiến anh vơi đi cái cảm giác thèm hát, thèm được đứng trên một sân khấu mà ở đó, người ta muốn được nghe nhạc của anh.

Dài dòng như vậy, cũng chỉ để nói: Tuấn “gà” có tài. Tôi mê tài của Tuấn nhưng cũng ái ngại nếu mai đây Tuấn trở thành người của sâu- bít! Người như Tuấn, nhạc của Tuấn, trụ nổi không nhỉ?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.