Chuyện văn nghệ sĩ đi chiến dịch Điện Biên

Chuyện văn nghệ sĩ đi chiến dịch Điện Biên
TPCN - Cuộc hành quân mùa khô năm 1953-1954 rất khác so với những cuộc hành quân ra trận mà tôi đã biết trong chiến tranh.

Mùa hè năm đó trước khi chúng tôi lên đường đi chiến dịch, bộ đội học về cuộc phát động quần chúng tiến hành cải cách ruộng đất.

…Những buổi học tập chính trị đều có phần liên hệ với thực tế… Nhà văn Nguyễn Đình Thi mới tòng quân, cũng có mặt trong các buổi học tập. Anh sống ở thành phố, đã tham gia hội Văn hóa cứu quốc, tức là hoạt động cách mạng từ thời kỳ bí mật trước Tổng khởi nghĩa, ngồi nghe cũng xúc động như chúng tôi.

Từ những chuyện bộ đội kể khổ, anh đã viết thành một tập thơ gửi về Hội Văn nghệ. Nhà phê bình Hoài Thanh, khi đó trực tại cơ quan Hội, khen hay và khuyên anh: “Nên thêm cho tập thơ một tên người, một quê hương”.

Sau đó, tập thơ được sửa lại và in ra với tên: “Mẹ con đồng chí Chanh”. Có buổi cùng ngồi liên hệ trong học tập, anh Thi nói: “Mình sinh ra và lớn lên ở thành phố, biết rất ít về đời sống của nông dân, giờ nghĩ lại thấy ân hận, vì gia đình hồi trước có thuê “người ở” đã đối xử với họ không được tử tế, đây chính là những người nông dân bị bóc lột không còn nguồn sống bị đẩy ra thành thị”.

…Tôi đang đi thì có người vỗ vai. Quay lại thấy Trần Dần, vẫn mặc chiếc blouson bằng vải kaki và đeo một chiếc balô khá nhẹ. Dần ở Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, cũng trên đường hành quân ra mặt trận, nhưng thường tách khỏi đoàn xuống với bộ đội tìm tài liệu.

Dần nhận ra 308 đang hành quân và đi tìm tôi.

Trong những tờ báo gửi tới tòa soạn trao đổi, có tờ Văn nghệ Sơn La, cũng in đá, nhưng trình bày rất đẹp. Tôi đọc trong đó bài thơ đầu tiên không vần, viết theo kiểu bậc thang, và chú ý đến cái tên tác giả: Trần Dần.

Trần Dần đã là nhà văn chuyên nghiệp trước chúng tôi. Anh là người trong nhóm thi sĩ tượng trưng Dạ Đài. Trần Dần là một trong ba người thảo bản tuyên ngôn của phái Tượng trưng.

…Bản tuyên ngôn này xuất hiện trên tạp chí Dạ Đài ngày 16 tháng 11 năm 1946, một tháng vài ngày trước khi nổ ra kháng chiến toàn quốc. Tôi không hiểu sao có sự thay đổi kỳ diệu nào đã đưa Trần Dần vào quân đội kháng chiến.

Tôi tò mò chờ đợi những số báo Văn nghệ Sơn La. Rồi nghe nói những người làm tờ báo này đang muốn xây dựng một “nền văn nghệ Sơn La”.

Một số nhà văn chuyên nghiệp đang muốn đoạn tuyệt với những suy nghĩ, tình cảm và cách viết trong quá khứ, để đi vào quần chúng, vào cuộc sống mới, tỏ ra không thích tờ báo này.

Tôi gặp Trần Dần lần đầu trên đường đi chiến dịch Sông Thao ở Liên khu 10, năm 1949. Dần đi tìm chúng tôi, tự giới thiệu được phân công phụ trách tờ báo của Mặt trận, và đề nghị chúng tôi viết bài cho báo.

Anh còn yêu cầu chúng tôi cố gắng ghi lại những con người và quang cảnh trận đánh bằng ký họa, nhìn thấy thế nào vẽ như thế ấy, anh sẽ sửa lại giúp.

Điều làm tôi ngạc nhiên là thái độ của Dần rất khiêm tốn, dễ thương. Dọc đường, Dần nói chuyện rất say sưa. Anh kịch liệt phản đối bài thơ “Mê quần chúng” đăng trên báo Văn nghệ của Hội.

Anh nói: “Quá cũ. Không thể yêu quần chúng theo kiểu yêu “xác thịt”, không phải là kiểu yêu của những người cách mạng”. Dần giải thích về cách làm thơ không vần của mình: “Thơ bao giờ cũng có vần, vần trong những bài thơ của mình là rythme interne (vần bên trong)”.

Dần cho tôi đọc một số bài thơ bằng chữ Pháp của Maiacốpxki chép trong sổ tay. Những bài thơ: “Lênin, Quay trái, Đám mây mặc quần... trong đó đều viết theo kiểu bậc thang và không có vần.

Cùng đi với chúng tôi, có Xuân Huy, một học sinh người Huế, mới về làm việc tại tòa soạn. Huy ra Bắc sau Cách mạng Tháng Tám vì có một thầy dạy học cũ tham gia bộ máy Chính phủ gọi ra, nhưng chỉ một thời gian ở với ông thì anh chán, xin vào bộ đội rồi tìm đến chỗ chúng tôi.

Huy bám chặt lấy Trần Dần. Dần tâm sự với Huy là mỗi người lúc này đều cần tự thay đổi, nếu không cuộc sống sẽ vượt qua. Trong con người có lý trí và tình cảm.

Lý trí phải sáng suốt, tình cảm phải lành mạnh. Lý trí phải chỉ huy tình cảm. Mỗi con người đều có phần “người” và phần “vật”. Con người phải là một “con vật khôn ngoan”. 

Chúng tôi biết Dần cũng là đảng viên. Và Dần là một đảng viên rất tích cực nếu so với chúng tôi. Dần biết Huy là một sinh viên, còn là một quần chúng, rất lơ mơ về nhiều vấn đề và muốn giúp đỡ Huy.

Không biết Dần nói với Huy những gì, nhưng sau đó, trong một trận công đồn, Huy đã xin một chiếc mác xung kích và cùng đi với bộ đội khi xung phong. Huy chưa có một ngày tập quân sự.

Cũng may trận đó, Huy chỉ bị thương nhẹ. Sau chiến dịch, Huy được kết nạp Đảng.

Dần đưa tôi xem một bức thư anh định gửi cho Nguyễn Đình Thi. Theo anh nói: “ở Hội Văn nghệ, Thi là chơi được”. Chúng tôi biết hầu hết những nhà văn ở Hội Văn nghệ Việt Nam đều đang trăn trở “nhận đường”. Kể cả những người như Nam Cao cũng thấy rất khó viết.

Đầu năm 1951, Tổng cục Chính trị mở một lớp chính trị ngắn ngày tại Thái Nguyên, do các cố vấn Trung Quốc giảng, gọi là lớp luân huấn. Tôi lại gặp Trần Dần. Tôi thấy mình thu thập được nhiều vấn đề mới.

Nhưng Trần Dần nói là anh thất vọng, vì anh tưởng đây sẽ là một lớp về “phương pháp tư tưởng”, nhưng chỉ là lớp chính trị.

Chiến dịch Hòa Bình, tôi lại gặp Trần Dần. Anh tâm sự với tôi mình  đang yêu. Người anh yêu là một cô diễn viên ở đoàn Kịch quân đội. Anh kể không ít người thích cô này.

Có cán bộ đơn vị, nhà báo, nhà văn, họa sĩ. Nhưng anh cho rằng tất cả đều không hợp với cô, “các cậu đó thì được mấy lạng tình yêu!”. Anh tin là mình có một tình yêu thực sự, tình yêu lớn có thể mang lại hạnh phúc cho cô.

Lần gặp này có một chuyện tuy nhỏ, nhưng tôi không quên về Trần Dần. Bữa đó, Chính Yên bỗng tới chỗ chúng tôi. Chính Yên là phóng viên báo Nhân dân.

Thái Duy và Chính Yên là hai phóng viên tôi thường gặp trong các chiến dịch. Chính Yên xuống tòa soạn đúng bữa cơm. Mọi người rủ Chính Yên cùng ăn.

Đang ăn, Chính Yên hồn nhiên nói với Trần Dần: “Hôm nọ mình ở với Ban chỉ huy Trung đoàn, ăn theo chế độ trung táo, ngon lắm!”. Chính Yên bảo Trần Dần: “Lần sau, cậu lên Trung đoàn mà ở!”.

Sau ngày sang Trung Quốc, chế độ cấp dưỡng trong quân đội có sự thay đổi. Cán bộ sơ cấp và bộ đội ăn theo chế độ “đại táo” (bếp lớn). Cán bộ Tiểu đoàn trở lên ăn theo chế độ “trung táo” (bếp vừa). Chế độ “tiểu táo” (bếp nhỏ) là cao nhất.

Tòa soạn chúng tôi ăn theo chế độ “bếp lớn”. Dần nghiêm mặt nói: “Trung táo là một chế độ, không phải là thứ hàng!”. Trần Dần lúc nào cũng suy nghĩ nghiêm chỉnh, và “nguyên tắc” khác với nhiều anh em chúng tôi...

Tôi hỏi Trần Dần, chuyện yêu đương đã đến đâu. Anh lắc đầu, rồi nói: “Mình quên rồi... Bây giờ đang còn nhiều chuyện khác”.

Mỗi chặng dừng chân dọc đường, Dần giở sổ tay và bấm đèn pin, đọc cho tôi nghe những ghi chép. Tôi thấy đây không còn là ghi chép, mà những đoạn văn khắc họa hình ảnh những chiến sĩ nông dân mà anh đã gặp trong học tập chỉnh huấn vừa qua.

Anh viết rất mộc mạc, “hạt lúa củ khoai” không còn đánh đố người đọc như một vài bài thơ trước đây. Dần cũng như anh em chúng tôi thời đó đã bị “quần chúng” chinh phục.

…Tôi nói :

- Chiến dịch này ở tòa soạn chỉ còn mình mình. Hồ Phương xuống Tiểu đoàn Phòng không của đại đoàn từ chiến dịch Thượng Lào. Hoài An, Mai Hanh, Lý Đăng Cao... đi với các đơn vị Cung cấp và dân công.

Dần hỏi :

- Gặp Chính Hữu chưa ?

Chính Hữu vốn là người của đại đoàn, đã chiến đấu ở Liên khu 1 Hà Nội năm 1946, rồi là Trưởng ban Chính trị của Trung đoàn Thủ đô, mấy năm qua được điều lên Ban phụ trách Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, trước chiến dịch đã xin xuống đơn vị chiến đấu…

- Gặp rồi.

- Mình không hiểu tại sao Chính Hữu nhất định đòi xuống đơn vị.

- Chính Hữu nói với mình là muốn làm một số bài thơ trong đó “cái tôi” là một chiến sĩ cầm súng.

- Chính Hữu nghĩ thế vì cậu ấy làm thơ. Viết văn xuôi thì không thể ở một chỗ. 

Chúng tôi trao đổi với nhau về một thế hệ mới xuất hiện trong chiến dịch này. Đó là lớp thanh niên vừa rời ghế nhà trường.

…Dần nói:

- Chiến dịch này sẽ có nhiều mẫu người, rất nhiều cái hay... Mình nghỉ làm thơ để chuyển sang văn xuôi như cậu.

Đêm đó vượt đèo Lũng Lô. Lên tới đỉnh đèo như đi trong mây. Bắt đầu thấy không khí chiến tranh. Ban chiều máy bay địch vừa ném bom. Một số đoạn bị sạt lở.

Công binh đang khoét sâu vào thành taluy ở một bên để mở rộng đường. Hành quân bộ vượt qua không khó khăn. Nhưng với xe kéo pháo lại là chuyện khác.

Chúng tôi dừng lại xem một vệt bánh xe kề bên mép đường. Nhìn xuống vực sâu đen ngòm rợn người. Chiếc xe sẽ ra sao nếu người lái chệch tay lái trong tơ tóc, nếu đất sạt lở tiếp...

Bỗng nghe giọng hò trong trẻo:
Đèo cao thì mặc đèo cao
Tinh thần khắc phục còn cao hơn đèo...
Những cô gái dân công đã có mặt ở đây trước chúng tôi.

Trần Dần lắng nghe rồi nói:

- Bữa trước mình nghe ở Đèo Thùng, chiến dịch Hoàng Hoa Thám, là “Đèo cao thì mặc đèo cao,  Ta leo lên đỉnh ta cao hơn đèo” cơ mà! Chính trị viên nào lại sửa thế này...?

Bộ đội mặc quân trang mới, ba lô, bao gạo, súng đạn đầy trên người, chân bước rầm rập, tiếng lá ngụy trang cọ vào nhau rào rào. Dân công vùng xuôi, vì số đông trai tráng đã vào bộ đội, nên phần lớn là phụ nữ, quang gánh nặng trĩu, đôi chân trần thoăn thoắt, như không ai muốn bị tụt lại sau.

Lên đường vào mùa đông, nhưng rất ít người có được chiếc áo ấm. Và những chiếc xe thồ. Mỗi chiếc xe đã được trang bị thêm một ngọn đèn dầu nhỏ để tránh ổ gà.

Các anh lái xe thồ đang đấu nhau hai người, ba người để đẩy chiếc xe chở nặng căng tròn lên dốc.

Chỉ mới từ chiến dịch Tây Bắc cuối năm 1952, loại hình vận chuyển này mới xuất hiện. Không biết ai là người đầu tiên đã cải tạo chiếc xe đạp nhỏ nhẹ thành một phương tiện vận tải chở được hai, ba tạ gạo len lỏi vượt qua mọi loại đường.

Chủ xe phần lớn sống tại các thị trấn, làm nghề vận chuyển kiếm ăn. Dọc đường công tác, mỗi lần nghe câu “Nhờ tí anh ơi!”, với giọng điệu bao giờ cũng giống nhau, chúng tôi thường vội ghé vào bên đường để tránh chiếc xe đạp bên trên chất nặng ngũ cốc, có khi là cà phê.

Chủ nhân gò lưng đi bên cạnh với đôi tay khuỳnh khuỳnh, một tư thế không bao giờ thay đổi, sử dụng những thanh tre mới được gia cố thêm vào cọc yên và ghi đông vừa giữ thăng bằng cho chiếc xe hai bánh, vừa điều khiển nó tiến về phía trước trên những đoạn đường rất khó đi, như làm xiếc.

Đây là những người làm ăn cá thể không được mấy tôn trọng trong kháng chiến, với cách gọi có phần châm biếm: “tay ngai”. Nhưng từ chiến dịch Tây Bắc tới nay, cách nhìn của mọi người với chủ nhân những chiếc xe thồ đã đổi khác.

Mỗi chiếc xe có sức vận chuyền bằng mười người gánh bộ, nhưng hàng ngày chỉ tiêu thụ một xuất lương thực. Quân đội đi vào đánh tập trung, yêu cầu cung cấp ngày càng lớn, đã không thể thiếu họ.

Trên đường ra trận không còn nghe những tiếng năn nỉ “nhờ tí anh ơi” của các bác xe thồ, bộ đội đã chủ động nhường đường cho họ. Binh chủng xe thồ cần đến sức khỏe và sự dẻo dai rất cao, không bao giờ có phụ nữ.

Người lái xe thồ hầu hết là trung niên. Họ đã đưa chiếc xe, tài sản duy nhất của họ, nguồn sống chủ yếu của cả gia đình, để phục vụ cho việc vận chuyển lương thực tại mặt trận.

Bỗng một giọng hò xứ Nghệ trầm ấm vang lên:

“Người Khu Bốn, chốn Khu Tư, ra đây tôi hò, giọng hò Khu  Bốn...”.

Câu hò vang lên đĩnh đạc như một lời tự giới thiệu đầy tự hào. Những anh bộ đội đang hành quân đều lắng tai nghe, và lập tức phụ họa:

“A li hò lờ... A li hò lờ...”

Tiếng hò phát ra từ chỗ có một nhóm lái xe thồ sau khi vượt một đoạn dốc đang chụm đầu chia nhau điếu thuốc lào...Ngày hôm sau, lợi dụng dọc đường có nhiều cây cối, bộ đội hành quân khi trời còn sáng. Càng ra gần mặt trận, mọi người càng thấy phấn chấn hơn.

Trời tối một lúc, có tiếng máy bay, vùng trời phía trước xuất hiện một quầng sáng xanh và những loạt bom nổ rền rền. Chúng tôi tiếp tục tiến nhanh. Vùng sáng xanh và tiếng nổ từng lúc biến đi trả lại màu đen và sự yên tĩnh cho trời sao, rồi xuất hiện trở lại mỗi lúc một gần với tiếng nổ dữ dội hơn, có lúc tưởng như chân trời phía đó đang vỡ ra.

Chúng tôi đã qua lại đường này, biết mình đang đi về ngã ba Cò Nòi, một cửa ải trên đường hành quân. Không khí mỗi lúc được hâm nóng lên.

Phía trước không còn là vùng sáng xanh mà đã hiện rõ những chiếc đèn dù. Tiếng bom nổ đanh hơn, tiếng vọng của núi rừng to hơn và lúc này đã vây quanh chúng tôi.

ánh sáng soi rõ đường đi, tốc độ hành quân nhanh hơn. Những ngọn đèn dù xanh lẹt, như những con mắt ma quái đang nhìn chúng tôi. Có lệnh dừng lại chờ máy bay địch bay đi thì giữ vững cự ly gián cách của đội hình,  tranh thủ vượt thật nhanh qua ngã ba.

…Núi đồi ở ngã ba Cò Nòi dưới ánh sao đêm không còn một thân cây, ngọn cỏ, chỉ còn là một vùng đất bị cày xới, với rất nhiều hố bom. Trong lúc chúng tôi cố gắng đi gần như chạy trên vũng đất nồng mùi khói bom, bỗng vang lên một giọng hò Bắc cao vút:

Cả đoàn em chẳng yêu ai
Yêu anh bộ đội gánh hai 
                              cái nồi...

Tiếp theo là tiếng cười giòn tan, thì ra trên vùng đất chết này vẫn có người.

Không phải chỉ có cô gái vừa hát mà còn rất nhiều người. Công binh, thanh niên xung phong và dân công, đang ra sức san lấp những hố bom. Trong lúc chúng tôi tìm cách thoát nhanh khỏi vùng đất chết, thì có những người phải bám lấy nó để giữ vững con đường cho những chiếc xe qua.

Tất cả những người có mặt trên đường ra trận đều động viên nhau tiến nhanh về phía trước. Tất cả đều như kết lại thành một trên con đường dài dằng dặc không ngớt tiếng bom đạn, một khối óc, một trái tim.

Tất cả đều lao về phía trước như bị cuốn theo một sức hút vô hình không cách nào cưỡng lại. Với những người lính của hai cuộc kháng chiến, hành quân ra trận bao giờ cũng là những ngày đẹp nhất.

Nhưng sẽ không ai quên những đêm hành quân lên Điện Biên Phủ. Hiếm khi cả nước trên đường ra trận. Một tiếng nói cất lên đều giống như một lời chào, một điều nhắn gửi thầm kín, một nụ hôn...

Chúng tôi đang đi trong một ngày hội lớn của dân tộc, và tiếc cho những người không có may mắn như mình. Nhiều người chúng tôi hôm nay, có thể không trở về, nhưng vẫn cảm thấy vô cùng hạnh phúc.

Theo yêu cầu của Trần Dần, tôi đưa anh xuống đơn vị Tiểu đoàn 29, đi cùng một đại đội. Dần tranh thủ ghi chép. Từ Thuận Châu, Yên Châu, nhân dân các bản ven đường ùa ra xem bộ đội.

Anh em vừa đi vừa hát bài Qua miền Tây Bắc được sáng tác chiến dịch trước.

Giữa đường, một chiến sĩ văn công từ Tổng cục xuống phổ biến cho đơn vị một bài hát mới, bài “Thời cơ đến” của Đỗ Nhuận.

Dần cho biết nhạc sĩ Đỗ Nhuận đi cùng đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, biết các chiến sĩ đều mong về giải phóng đồng bằng, nhưng bây giờ thấy mình đang đi sâu lên rừng núi, Nhuận làm gấp bài hát này, tập trung văn công đang đi cùng các đơn vị về học hát một buổi, rồi quay lại dạy đơn vị dạy cho bộ đội:

“... Mắt sáng quắc, trí căm thù, bảo vệ đồng quê ta
                                                                 tiến bước,
    Đời chúng ta đâu có giặc 
                              là ta cứ đi !”.

Chúng tôi thầm ghen với các nhạc sĩ. Những người cầm bút muốn làm gì cho bộ đội trên đường đi chiến dịch rất khó.

Dọc đường, bộ đội có một ngày nghỉ hành quân. Để giải tỏa sự căng thẳng, mệt mỏi sau nhiều ngày đi đường, đại đội tổ chức lửa trại liên hoan. Bộ đội nhất loạt mặc quân phục mới.

Cán bộ đại đội xúng xính trong chiếc áo bông dài tay mới được phát trước ngày đi chiến dịch. Từ trước tới nay, áo mùa đông của bộ đội chỉ là chiếc trấn thủ ngắn tay. Đồng chí đại đội phó thọc tay vào hai túi áo, tự ngắm mình rồi nói:

- Nhờ ơn Đảng năm nay tôi có được chiếc áo đẹp!

Tôi và Dần nhìn nhau. Đối với chúng tôi, chiếc áo này đâu có đẹp. Nhưng chúng tôi đã nhận thấy sự thay đổi sâu sắc của người cán bộ khi biết anh không phải chờ lâu, hạnh phúc nay mai sẽ tới với gia đình ở quê hương, ruộng đất là cái mà người nông dân mong mỏi từ bao đời nay.

Đồng bào địa phương kéo đến xem rất đông. Mọi người ồ lên khi thấy những “cô gái” hóa trang bằng những chiếc chăn hoa xuất hiện. 

Tôi nhắc lại mấy câu thơ của Quang Dũng:

Doanh trại bừng lên hội
                        đuốc hoa
Ồ em, xiêm áo tự bao giờ...

Nhiều người không biết đây là những anh lính trẻ đóng giả con gái.

Dần ghé tai tôi, nói nho nhỏ :

- Những cậu như thế kia hết chiến dịch này có trở về không...

 2006

Nhà văn Hữu Mai

(Trích Tiểu thuyết tư liệu chưa xuất bản, đầu đề do tòa soạn đặt)

MỚI - NÓNG