Chuyện xung quanh ngôi nhà 'Bá Kiến'

Chuyện xung quanh ngôi nhà 'Bá Kiến'
TP - Ngôi nhà này được xem như một chứng tích cuối cùng, của tập đoàn phong kiến, từng làm mưa, làm gió trong suốt nửa thế kỷ, trên mảnh đất của làng Đại Hoàng...
Chuyện xung quanh ngôi nhà 'Bá Kiến' ảnh 1
Ngôi nhà “Bá Kiến” hiện nay

Đó là những lời bà Trần Thị Hồng - con gái nhà văn Nam Cao viết về ngôi nhà Bá Kiến.

Cách đây đúng mười năm, chương trình “Tìm lại Nam Cao”, sau hai năm với rất nhiều nỗ lực, đã tìm được hài cốt cha tôi và đưa ông về an nghỉ trên quê hương, bên những người thân yêu, giúp cho mẹ chúng tôi được thanh thản, trước khi về cõi vĩnh hằng.

Rồi sau năm năm nữa, với sự quan tâm của Đảng, chính phủ mà người đại diện là phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm, cùng tâm huyết của lãnh đạo và cơ quan văn hóa trên quê hương Hà Nam, nên nhà “Tưởng niệm Nam Cao” đã được xây dựng khang trang, ngay trong khu mộ của nhà văn.

Buổi lễ khai trương trọng thể, lại được diễn ra đúng vào ngày giỗ lần thứ 53 của người (30/11/2004) khiến gia đình tôi có thêm niềm vui mới.

Nhưng theo ý tưởng của chương trình “Tìm lại Nam Cao”, sự mong mỏi của các nhà phê bình văn học, của bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp với nhà văn, và bạn đọc gần xa, cũng như người thân trong gia đình thì “chương trình” hãy còn một việc rất lớn nữa là tạo dựng khu vườn hiện thực Nam Cao với sự tái hiện một thế giới nhân vật, trong tác phẩm của nhà văn. Đó là Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến, Lý Cường, Lang Rận, Trạch Văn Đoành, Trương Rự, Lão Hạc, Dì Hảo, thầy giáo Thứ, thầy giáo San, anh cu Lộ, cô giáo Oanh v.v…

Cùng với hình tượng các nhân vật, là những vật dụng gắn với cuộc đời tác giả và tác phẩm. Chẳng hạn cái lò gạch cũ, nơi người ta đã nhặt được Chí Phèo, khi ấy chỉ là một sinh linh bé nhỏ, da nhăn nheo, xám ngắt được bọc bằng cái váy đụp.

Hay con đường nhỏ trổ ra bờ sông Châu, bao quanh là một vườn chuối, với những tàu lá vươn dài, đang đung đưa theo gió. Với những tiếng rì rào của cái đêm trăng, mà một người say rượu, gặp một cô gái ngủ gật ở một gốc cây, trong tư thế quá đỗi tự nhiên, ăn mặc hớ hênh. Cho nên mới nảy sinh, cuộc làm tình lãng mạn được đi vào trong văn học. Đó là cuộc gặp gỡ của Thị Nở + Chí Phèo…

Rồi một vật chứng khác là một ngôi nhà gỗ năm gian, lợp lá mía của nhà văn. Đây là ngôi nhà, mà nhà văn đã sinh sống từ năm 1943 cho tới trước ngày người lên đường đi theo kháng chiến, rồi không bao giờ trở lại được nữa.

Ngôi nhà đó, cha mẹ tôi mua của một người hàng xóm góa vợ. Ông phải nuôi hai đứa con gái nhỏ dại. Nhưng vì buồn chán, nên sa vào cờ bạc. Rồi bị thua nặng, ông phải bán nhà trả nợ.

Lúc ấy quê tôi vừa trải qua trận bão lớn. Ngôi nhà cột tre, ba gian của cha mẹ tôi, bị bão làm đổ. Nhà văn phải chạy vạy công nợ, để mua ngôi nhà ấy với giá 300đ, mang về dựng trên mảnh đất, có ngôi nhà cũ vừa bị bão đổ.

Nhưng hôm đến dỡ nhà, cha tôi đã xót xa ân hận đến thắt lòng. Khi cha chứng kiến cảnh hai đứa con của người bán nhà vừa khóc, vừa lếch thếch lôi nhau ra khỏi nhà, để chạy sang hàng xóm nằm nhờ. Miệng con chị gào lên kêu khóc gọi người mẹ đã chết: “Bu ơi!”. Nhà văn từng viết truyện “Mua nhà” để giãi bày tâm trạng đầy trắc ẩn của bản thân về điều này đấy ạ!

Nhưng giá trị nhất, trong tất cả những vật dụng, có lẽ phải kể đến ngôi nhà của ông Chánh Bính - nhân vật Bá Kiến. Ngôi nhà này được xem như một chứng tích cuối cùng, của tập đoàn phong kiến, từng làm mưa, làm gió trong suốt nửa thế kỷ, trên mảnh đất của làng Đại Hoàng quê tôi. Và là đất làng Vũ Đại trong tác phẩm của nhà văn Nam Cao. Nó để lại nỗi ám ảnh đối với hầu hết những người dân lành, trong làng quê thời đó.

Cho tới nay, ngôi nhà vẫn còn gần như nguyên vẹn với những gian chính, gian phụ. Với mười sáu cây cột gỗ lim, chân kê đá tảng rất chắc chắn. Nó cũng còn nguyên những rui, những mè dọc, ngang.

Rồi những cánh cửa, những bức bàn và cả cái mái ngói rêu phong, cùng bức dại che nắng, được làm toàn bằng những thanh gỗ lim rất độc đáo, hiếm thấy ở đồng bằng sông Hồng.

Ngôi nhà ấy cũng có một lịch sử lâu đời, vì nó được chứng kiến những thăng trầm của bảy đời gia chủ.

Người chủ đầu tiên của ngôi nhà là cụ Trần Duy Hanh. Cụ Hanh xuất thân ở thôn quê. Nhưng cụ biết nhìn xa trông rộng, lại giỏi giang trong kinh doanh, buôn bán nên làm ăn phát đạt, giàu có...

Chủ nhân thứ hai của ngôi nhà đó là con trai cụ Hanh, tên là Trần Duy Xầm. Khi ông Xầm mất đi, ngôi nhà được giao cho người con trai (tức cháu nội cụ Hanh) tên là Trần Duy Cát.

Khác với ông, cha Cát không chí thú làm ăn, sa vào nghiện ngập. Vì vậy, đã không giữ nổi nghiệp nhà. Khi người cha mất rồi, mỗi lần thiếu tiền uống rượu, Cát tìm gặp “Bá Kiến” hỏi vay.

Vốn thèm khát ngôi nhà đã lâu, “Bá Kiến” sẵn sàng thả mồi, giăng bẫy. Ông ta cho Cát vay nợ nhiều lần. Rồi nhân một hôm Cát uống rượu say bí tỷ, “Bá Kiến” đánh tiếng đòi nợ. Cát không có tiền trả, bèn viết giấy bán nhà cho “Bá Kiến” để trừ nợ. Vậy là ngôi nhà đã vào tay “Bá Kiến” - người chủ thứ tư.

“Bá Kiến” tuy có năm vợ và mười hai người con (ba trai, chín gái). Nhưng trong ngôi nhà ấy, cũng chỉ có vợ ba và những người con do bà sinh thành là ở đấy cùng ông. Còn bốn bà vợ ông cùng những người con của các bà, đều có dinh cơ riêng.

Trong ngôi nhà này, thời gian “Bá Kiến” làm chủ, cũng có lắm chuyện thật nực cười. Chẳng hạn:

Ngày ấy, cụ Bá đang làm chánh tổng, luôn phải vắng nhà, lại mắc chứng bệnh đau lưng. Dân làng tôi thường truyền tụng rằng: Một trong ba người cố nông nghèo, nhưng hiền lành mà cha tôi xây dựng thành nhân vật Chí Phèo. Anh từng làm canh điền trong nhà cụ Bá.

Bà vợ Ba của cụ vẫn gọi anh vào để bắt hầu quạt, và bóp chân cho bà ngay trong buồng ngủ. Một lần bà bắt Chí Phèo bóp chân, nhưng phải bóp thật cao lên trên mãi. Chí Phèo vừa bóp, vừa run lẩy bẩy và mặt thì đỏ tưng bừng. Bà Ba gợi ý:

- Chẳng lẽ tạo gọi mày vào chỉ để bóp chân thôi ư? Rõ là thằng khỉ. Chí Phèo run run đáp:

- Thưa bà, con không dám.

Bà liền trơ tráo, cao giọng:

- Bà cho dám!…

Từ đấy, đám thanh niên làng tôi mỗi khi gặp nhau lại hét:

- Thằng khỉ!

- Con không dám.

- Bà cho dám, bà cho dám… Rồi chúng cười ngặt nghẽo với nhau. Người ta còn đồn đại rằng: Chính vì chuyện ấy mà Chí phải vào tù. Chẳng biết thực hư thế nào. Nhưng, Chí đi ở tù thì có thực.

- Sau khi ra tù, Chí về làng, trở nên một tay anh chị lì lợm. Mỗi khi cần tiền uống rượu, hắn sẵn sàng xông vào nhà cụ Bá, lấy mảnh chai rạch mặt và đập đầu ăn vạ.

Cụ Bá vẫn phải thọc tay vào túi móc tiền ném cho hắn, để hắn đi uống rượu. Nhưng cũng ở ngôi nhà ấy, cụ lại nghĩ ngợi, rồi tìm ra một diệu kế, ấy là dùng chính Chí Phèo, làm kẻ chuyên đi đòi nợ cho cụ...

Người chủ thứ năm của ngôi nhà là ông Trần Hữu Hậu. Ông Hậu cũng là người làng tôi. Nhưng ông xa quê đã lâu, đi làm ăn tận ở Tân thế giới.

Tháng 8 năm 1963, ông về thăm quê. Là người có con mắt tinh đời, ông hiểu rõ giá trị của ngôi nhà, nên bỏ ra 4.500đ (ở thời điểm ấy tương đương với khoảng hơn hai chục cây vàng) để mua nó.

Ông giao ngôi nhà cho người cháu ruột là Trần Hữu Hòa, một thầy giáo làng đã về hưu, đến ở để trông coi. Ông Hậu lại ra đi và không trở về nữa. Sau khi thầy giáo Hòa mất thì người con gái tên Trần Thị Châm trở thành gia chủ thứ bảy của ngôi nhà.

Trong chuyến về thăm mộ cha tôi vào ngày 12/5/2004 của đoàn cán bộ Viện Văn học Việt Nam, Giáo sư Phong Lê - một trong những người rất mến mộ Văn chương Nam Cao cứ ao ước: “Có cách nào để mua lại và đưa những hiện vật quý giá như thế vào vườn hiện thực Nam Cao?”.

Đó chính là giáo sư Phong Lê muốn nhắc đến hai ngôi nhà tôi vừa kể ở trên:

- Ngôi nhà gỗ năm gian lợp lá mía là nhà của gia đình tôi (gia đình nhà văn Nam Cao).

- Ngôi nhà cổ của gia đình ông Chánh Bính (nguyên mẫu nhân vật Bá Kiến trong truyện Chí Phèo của cha tôi – nhà văn Nam Cao).

Trong những năm gần đây, khi phong trào săn hàng đồ cổ nổi lên, đã có rất nhiều người từ trong Nam, ngoài Bắc tới làng tôi, gặp chủ nhân thứ sáu là thầy giáo Hòa và cô con gái: Trần Thị Châm, chủ nhân thứ bảy để ngỏ ý hỏi mua.

Gia chủ cũng đã có lúc định bán. Song, lãnh đạo xã Hòa Hậu rất tâm huyết với việc bảo tồn một hiện vật quý giá, một chứng nhân lịch sử, gắn liền với văn chương của người con ưu tú trên quê hương. Do vậy, đã quyết tâm vận động, thuyết phục gia chủ, đừng bán vội.

Thật cũng lại rất mừng, chủ nhà là những người có lòng nhân ái và thiết tha với việc gìn giữ những hiện vật lịch sử của xóm làng. Chính vì lẽ đó mà dù nhiều khi ngôi nhà được trả giá khá cao, nhưng nghe theo sự giải thích của lãnh đạo địa phương, chủ nhân quyết tâm giữ lại không bán.

Đáng mừng hơn nữa, qua một số người thân ở quê, tôi còn được biết, vì có cách nhìn đúng tầm mà lãnh đạo tỉnh Hà Nam, không hề trù trừ. Đã bỏ ra một khoản tiền không nhỏ (hơn bảy trăm triệu) so với hoàn cảnh kinh tế của một tỉnh còn nghèo. Để mua ngôi nhà cổ đó vào cuối năm 2007 vừa qua.

Còn ngôi nhà của gia đình nhà văn Nam Cao? Hiện vẫn lưu lạc ở thôn Phù Nhị, xã Nhân Tiến, là do chiến tranh. Nhà văn đi làm cách mạng. Vợ, con  đang tản cư. Nhà không người ở, bị giột nát. Nhất là sợ Tây đốt mất. Ông nội tôi đã bán cho một cô gái hàng xóm. Cô này dỡ ra, đưa về dựng trên đất nhà chồng, quê thôn Phù Nhị.

Ở một địa phương, có các nhà lãnh đạo, từ xã đến huyện, tỉnh rất tâm huyết với việc bảo tồn những giá trị tinh thần như vậy. Chúng ta có quyền hy vọng. Rồi đây, ngôi nhà của gia đình tôi, cũng sớm được trở về với nhà văn. Và vườn hiện thực Nam Cao sẽ còn có nhiều đổi mới nữa.

Trần Thị Hồng
(Con gái Nhà văn Nam Cao)

MỚI - NÓNG
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
TPO - Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng cơ chế về thuế hiện nay đang gây khó khăn trong việc hồi hương cổ vật. Theo đó, nhiều chuyên gia đề xuất miễn thuế hoàn toàn để mở rộng con đường hồi hương cổ vật. Đây là thông tin được đưa ra tọa đàm góp ý Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức ngày 28/3.