Có cách tân được tranh lụa?

Có cách tân được tranh lụa?
TP - Trải qua 80 năm nền tranh lụa Việt Nam mới có triển lãm đầu tiên với 154 bức mới được đặt tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (diễn ra từ 20/12/07 - 5/1/08).
Có cách tân được tranh lụa? ảnh 1
“Hoa ly” của họa sĩ Hoàng Đình

Vụ Mỹ thuật và Nhiếp ảnh thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kết hợp với Bảo tàng Mỹ thuật nhân dịp này cùng tổ chức hội thảo “Tranh lụa Việt Nam” hôm 25/12. 100 giấy mời được phát ra, chừng hơn một nửa tham dự.

Triển lãm tranh lụa Việt Nam lần đầu tiên xem chừng chưa đạt được kết quả như ý. Khách tham luận, tham dự là những nghệ sĩ khoảng trên dưới 50 năm tuổi đời, tuổi nghề.

Triển lãm gồm ba cụm chính:  Phong cách cổ điển với lối vẽ trau chuốt, tạo hình, đường nét màu sắc trong trẻo, nhẹ nhàng, thanh khiết, óng chuốt của lụa; Gam màu mạnh, gắt, chất lụa phải nhường cho sự chói chang, lấn lướt sự dịu dàng, đằm thắm của chính lụa; Các tranh vẽ theo cảm hứng cá nhân, không nệ vào nền lụa, giống như cách vẽ bột màu, sơn dầu, phóng khoáng.

Bên cạnh những “cây đa, cây đề”, các họa sĩ trẻ ngoài 20 như Ngô Thị Bích Hạnh, Quan Thị Phong, Trần Thị Phương Liên, Yến Nguyệt, Nguyễn Thị Anh Mi, Nguyễn Thị Nhàn, Trần Thị Kim Thoa, Nguyễn Thị Thanh Vân, Phạm Thanh Vân cũng có tác phẩm đặt tại triển lãm. Theo họa sĩ Đỗ Đức: “Họ đều khá vững chãi, tự tin trong chất liệu”.

Nghệ thuật tranh lụa của ta đã tìm được một bảng màu riêng, kiệm màu, tạo sự phong phú của sắc, sợi tơ óng mịn, nhờ các họa sĩ tài ba nhuộm màu nhuần nhị, có hương sắc, ngân lên tiếng ca sâu thẳm của tâm hồn người Việt.

Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh chính là nghệ sĩ khai phá hình thức nghệ thuật này của Việt Nam. Họa sĩ Trần Văn Cẩn, Phan Thông là lớp kế cận sau đã thay đổi được nhiều nội dung, kĩ thuật và bước tiến trong xử lý ánh sáng, hòa sắc.

Vũ Giáng Hương, Trần Thanh Ngọc,... là những họa sĩ trẻ hơn đã tiếp bước phát triển một nền tranh lụa. Mai Trung Thứ, Lê Phổ sống ở Paris, trung tâm hội họa trường phái tân kì của thế giới nhưng họ vẫn vẽ lụa, góp phần quảng bá nghệ thuật độc đáo của ta ra phương Tây.

Có thể nói, tranh lụa Việt Nam mới trải qua 3 giai đoạn nghệ sĩ và phát triển. “Nhưng nghệ thuật vẽ lụa có phần chững lại, không có nhiều họa sĩ theo đuổi con đường sáng tác bằng chất liệu lụa.” - Ông Hoàng Đức Toàn, Vụ trưởng Vụ Mỹ thuật - Nhiếp ảnh VN cho hay.

Giới trẻ, họa sĩ trẻ bị đổ lỗi cho sự dậm chân, tụt hậu của tranh lụa so với các loại hình nghệ thuật cũng truyền thống của ta như sơn dầu hay sơn mài.

Tranh lụa thời gian bảo quản ngắn, dễ bị ẩm mốc, thay đổi theo thời tiết, để hoàn thành một bức lụa lâu công, lại dễ bị “cháy” (từ chuyên môn). Tranh lụa khó bán hơn. Phải chăng vì thế các họa sĩ trẻ ngại... tìm tòi, dụng công (!?).

Một ông khách, đã luống tuổi, rất chăm chú xem triển lãm, không hề  tham dự hội thảo, có khả năng vẽ, nói: “Cả trăm bức tranh nhưng tôi chỉ thấy bức “Hoa ly” và “Đôi bạn” là đúng chất lụa. Tôi chọn tranh lụa để ngoài ngắm tranh, tôi ngắm lụa, ngắm những nét óng, những sắc nét chứ không phải là sự khoe màu của các họa sĩ. Nếu vậy tôi xem tranh bột màu, thuốc nước còn hơn!”.

Có lẽ vì thế, hội thảo còn giới thiệu cả nghệ nhân Nguyễn Đình Huề, làng nghề lụa Quan Phố chuyên làm toan lụa vẽ cho các họa sĩ trên khắp cả nước, tham dự và quảng bá về nghề của mình. Nói đúng hơn, hiện nay, chưa có một lớp họa sĩ vẽ tranh lụa thứ 4 kế cận lớp đi trước.

Vì thế, triển lãm tranh lụa Việt Nam đầu tiên cũng là một cách để phổ cập, để quảng bá, để giới trẻ hiểu rằng vẫn có nghệ thuật tranh lụa dành cho các họa sĩ và người dân Việt.   

MỚI - NÓNG