Cổ Đô - Làng họa sỹ

Cổ Đô - Làng họa sỹ
TP - Có lẽ trên dải đất hình chữ S mến yêu này, không có ngôi làng nào đặc biệt như thế, nơi mà những người nông dân chân tay cáu đen bùn đất lại cũng chính là những họa sỹ tài hoa.

Thế nên có người “đẻ sòn sòn” vài ba bức tranh mỗi ngày; người thì phải dùng xe bò kéo mới chở hết số lượng tranh đã bán... Đó là chuyện về làng Cổ Đô (xã Cổ Đô, Ba Vì, Hà Tây).

Cổ Đô - Làng họa sỹ ảnh 1
 Lớp họa sỹ tương lai của làng tranh Cổ Đô

Vẽ cũng như… cấy cày

Họa sỹ Nguyễn Sỹ Tốt được xem là ông tổ nghề tranh của làng Cổ Đô. Tốt nghiệp khóa 1 - Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ông lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.

Chắc tay súng để xung trận giết thù nhưng Sỹ Tốt vẫn không ngừng rèn tay cọ; được tham dự vào những tháng ngày hào hùng của dân tộc, ông căng hết mọi giác quan để cảm nhận, hỏi han, ghi chép và sáng tác.

Những bức tranh vẽ Bác Hồ, về đời thường của bộ đội, về những khoảnh khắc chiến tranh khét lẹt mùi thuốc súng của ông đã ghi dấu sâu đậm trong lòng nhiều thế hệ công chúng...

Mỗi lần về thăm quê, cũng như khi về Cổ Đô vui thú điền viên lúc cuối đời, khi ông cầm cọ, con cháu, đám bạn bè chúng và tụi trẻ đều háo hức túm tụm lại xem.

Thấy vậy, ông liền tranh thủ chỉ bảo, cầm tay chúng uốn từng nét vẽ. Giấy vẽ là nền đất, sân gạch, bút vẽ là miếng gạch non, là cành tre đập dập. Những bức tranh đầu tiên của chúng chính là những đàn gà, chú ỉn, lũy tre, đụn rơm, bụi duối quanh nhà...

Cổ Đô - Làng họa sỹ ảnh 2
Phong cảnh làng quê - tranh Nguyễn Ngọc Cũi

Bằng những việc làm bình dị của mình, Sỹ Tốt đã gieo niềm say mê hội họa vào tâm hồn vốn đã đầy chất nghệ của dân làng. Ông đã thành người thiên cổ, nhưng mỗi khi đến thăm ngôi nhà nhỏ của ông, ta như vẫn thấy hơi ấm của tài năng, nhiệt huyết nơi ông còn lan tỏa.

Đáp ứng kỳ vọng lúc sinh thời của ông, vợ chồng họa sỹ Nguyễn La Vuông - con trai - và Chu Thị Minh - con dâu - đã đầu tư hơn 250 triệu đồng xây dựng “Bảo tàng mỹ thuật Sỹ Tốt và gia đình” (được UBND tỉnh ra quyết định thành lập vào tháng 9/2006).

Mỗi ngày, bảo tàng đón hàng chục lượt du khách đến chiêm ngưỡng những họa phẩm nổi tiếng của một họa sỹ bậc thầy: Bức phác họa Tiếng đàn bầu bằng chì than (tác phẩm hoàn chỉnh hiện đang lưu giữ tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), Em nào cũng được học cả, Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng v.v.

Làng Cổ Đô nằm soi bóng bên dòng sông Hồng, cách đó không xa là bến Trung Hà, nơi sông Đà và sông Hồng hợp lưu; trải qua bao biến cố của thời cuộc, nơi đây vẫn giữ được những nét đặc trưng của làng quê vùng châu thổ sông Hồng với những ngôi nhà ngói thanh bạch, những rặng tre rì rào trong gió, những cánh đồng thẳng cánh cò bay, những bến sông tấp nập thuyền bè qua lại v.v., tạo nên một bức tranh thiên nhiên thơ mộng.

Người Cổ Đô hiền hòa được tắm trong bức họa đồng quê ấy nên tâm hồn thành đa cảm. Đã vậy, lại được hoạ sỹ Sỹ Tốt nhen lửa nên họ đến với cái nghiệp cầm cọ tự nhiên như hơi thở.

“Hội hoạ đã ăn vào máu chúng tôi rồi!” - Dân làng vẫn tự hào vậy. Những người nông dân chân lấm tay bùn ở đây, hết việc nông trang, lại vơ ngay lấy cây cọ.

Trong ngõ xóm, trên đường làng, bên những cây rơm, bờ tre, rặng nhãn, các em nhỏ đang say sưa vẽ những ước mơ của mình lên bờ tường, nền đất; còn hình ảnh thường trực là những giá vẽ được đặt ngay bên những luống cày, ruộng cấy để khi ngơi tay cuốc, tay cày hoặc khi cảm hứng sáng tác bất thần trỗi dậy thì những người nông dân lấm lem bùn đất ấy có thể ngay lập tức thả hồn vào tranh.

Vẽ hết cảnh vật trong làng, họ lại chằng giá vẽ lên yên xe đạp, xe máy để rong ruổi đến nhiều miền quê mà tìm cảm hứng sáng tác.

Hôm chúng tôi đến, họa sỹ Trần Hòa - Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, một trong những đại thụ của làng - vừa đi sáng tác ở ATK Định Hóa, Thái Nguyên về.

Ông mang khoe cả chục bức ký họa về cảnh và người nơi vùng đất cách mạng kiên cường một thuở nay đang thay da đổi thịt từng ngày. Xưởng vẽ của ông nhỏ nhắn xinh xắn, một căn phòng nhỏ chứa dụng cụ. Lúc nào muốn vẽ thì ra bờ sông, gốc nhãn ngồi phác thảo rồi ôm màu, ôm mực ra đó hoàn thiện bức tranh.

Ấy vậy mà tranh của ông không chỉ góp mặt trong hàng ngàn bộ sưu tập lớn nhỏ của những người yêu tranh cả nước, được trưng bày tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, mà còn đang chu du ở khá nhiều nước trên thế giới như Đức, Hà Lan, Canada (ông nổi tiếng từ năm 1957 khi đoạt giải khuyến khích trong cuộc thi vẽ tranh quốc tế được tổ chức ở Đức với bức Chăm học khi mới lên 10 (bột màu). Dân làng vẫn đùa rằng với số tranh ông đã bán, phải dùng xe bò mà kéo thì mới hết...

Hiện nay, ngoài những tên tuổi của những họa sĩ đã thành danh - lớp kế cận ngay sau ông tổ Sỹ Tốt - như Trần Hòa, Giang Khích, La Vuông, Ngô Bình Thiểm, Sao Mai v.v., làng còn có rất nhiều họa sĩ không chuyên, ở đủ mọi lứa tuổi.

Nhiều người trong số họ có phòng tranh riêng, đã tham gia nhiều triển lãm trong và ngoài nước. Cách đây hơn 10 năm, lần đầu tiên, một triển lãm của 10 họa sỹ là người làng Cổ Đô đã được tổ chức quy mô tại 16 Ngô Quyền (Hà Nội), đã không chỉ là một cuộc ra mắt thiên hạ thành công của các cây cọ chân đất này mà còn tạo ra một bước đột phá để ngày càng có nhiều con em trong làng quyết tâm dấn thân vào cái nghiệp đầy gian khó nhưng vô cùng thú vị này.

Thế hệ họa sĩ thứ ba của Cổ Đô, những Hoàng Việt, Nguyễn Huy Khôi, Nguyễn Đức, Hoàng Liệt, Nguyễn Ngọc Cũi... đang là lực lượng nòng cốt của làng. Anh Hoàng Việt, giáo viên Trường THCS Cổ Đô, đã có hơn 20 năm tuổi nghề.

Trong căn nhà ba tầng của anh, ken đặc những tranh là tranh. Sở trường của anh là tranh sơn dầu, bột màu, giấy dó với gam màu nóng như chính tính cách sôi nổi và mạnh mẽ của mình.

Từ hơn 3 năm nay, anh đã ký hợp đồng với một đối tác ở mãi tận Canada để bán trọn gói càng nhiều càng ít tất cả các bức tranh phong cảnh mà nếu rảnh, mỗi ngày anh hoàn thành được một bức.

Anh còn khoe, bức tranh đắt nhất của anh đã được bán với giá 5 triệu đồng, gần gấp đôi  tiền bán thóc mà gia đình thu hoạch của cả một mùa vụ.

Làng Cổ Đô có khoảng 800 nóc nhà với gần 3.000 dân mà gia đình nào cũng có người vẽ tranh. Họ coi vẽ tranh như một thú giải trí thường nhật. Cả ngày quần quật với công việc đồng áng nhưng khi chiều về, nhiều người lại mang giấy bút, toan, màu ra triền đê say sưa ngồi vẽ.

Học vẽ bên bờ ao

Cổ Đô - Làng họa sỹ ảnh 3
Một cây cọ nhỏ tuổi đang sáng tác

Năm 2000, được Trường Đào tạo nghề Trung ương I giúp đỡ, hai khóa đào tạo miễn phí nghề vẽ tranh đã được mở ngay tại làng, thu hút đông đảo mọi người tham gia (có gia đình cả 3 thế hệ cùng tham gia. Học viên cao tuổi nhất là anh thương binh hạng 1/4 Nguyễn Quốc Thái (50 tuổi), nhỏ nhất là cậu bé Nguyễn Hoài Thương mới học lớp 2).

Gần 100 học viên được trang bị cho những kỹ năng cơ bản của nghề vẽ để người nào có điều kiện thì tiếp tục học cao lên mà trở thành giáo viên dạy hội họa, họa sỹ; bằng không thì cũng có thể kiếm sống được bằng nghề truyền thần, kẻ vẽ quảng cáo v.v. Tới nay, các học viên ấy vẫn gắn bó và sống khỏe được bằng nghề tranh.

Còn ngày thường, tại nhà họa sỹ Hoàng Tuấn Việt luôn thường trực một lớp học do chính anh giảng dạy. Ngay trong khu vườn rợp bóng cây trái, ríu rít tiếng chim muông, 15 em (từ 10 - 15 tuổi) ngồi miệt mài và hứng khởi bên giá vẽ, bảng mầu để ấp ủ ước mơ trở thành họa sỹ.

Lớp học đặc biệt ấy không chỉ gồm con em của các gia đình trong làng mà rất nhiều bậc phụ huynh ở khu vực lân cận, khi biết tiếng liền lặn lội cả chục kilômét gửi con cho Việt kèm cặp.

Từ những lớp học đơn sơ ấy, đến nay đã có 20 em trong làng trở thành giáo viên hội họa; gần 20 em nữa đang theo học mỹ thuật ở các cấp học cao đẳng và đại học trong cả nước...

Sẽ có thương hiệu làng nghề

Cổ Đô có một CLB họa sĩ với gần 30 hội viên thuộc đủ các thành phần, lứa tuổi, nghề nghiệp. Đều đặn mỗi năm hai lần, họ tổ chức 2 triển lãm tranh do các họa sĩ nông dân là con em trong làng vẽ. Những lúc ấy, sân trụ sở UBND xã thật sự là một ngày hội tưng bừng.

Bà con nô nức đến xem, ai cũng xuýt xoa: “Ô, hàng cau nhà ông Hào này; mảnh vườn nhà bà Vy đây. Cái má phinh phính kia đích thị là cu cậu Khuê bệu nhà chị Thủy rồi. Vẫn người quê ta, đất quê ta, thế mà khi lên tranh, lại đẹp thế nhỉ!”.

“Người Cổ Đô đã cầm cọ từ hơn 40 năm nay; hiện làng đã có 16 hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, 6 hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Hà Tây; đấy là cái gốc bền để xây dựng một làng tranh.

Chúng tôi đang phấn đấu trong vài ba năm tới sẽ dựng được một xưởng tranh của làng để vừa dạy, vừa vẽ, làm, bán tranh và các vật dụng ngành tranh; biến Cổ Đô thành một thương hiệu làng nghề” - Họa sỹ Hoàng Việt đầy tự tin như thế.

MỚI - NÓNG