Cô gái Quan họ và bài thơ của Phạm Tiến Duật

Cô gái Quan họ và bài thơ của Phạm Tiến Duật
TP - Một hôm, đoàn văn công xung kích đi biểu diễn ở một địa điểm xa, Lệ Ngải bị nhức đầu nên ở lại lán. Khoảng hai giờ chiều thì Phạm Tiến Duật đến lán văn công chơi. Món quà anh mang theo là một nắm lá méo có vị chua.
Cô gái Quan họ và bài thơ của Phạm Tiến Duật ảnh 1
Nghệ sĩ Lệ Ngải (ngoài cùng bên phải) cùng các cụ, các cháu tập hát quan họ Ảnh: Sankhauvietnam.com.vn

Tháng 10/1970, nghệ sĩ Lệ Ngải mới mười tám tuổi thuộc Đoàn quan họ Bắc Ninh theo đội Văn công xung kích đi phục vụ chiến trường Đường 559.

Chiến trường nơi đây rất ác liệt, giữa cái sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc, nhưng tinh thần thì thật lạc quan. Anh chị em văn công phục vụ chiến sĩ tận tụy, hết mình.

Mùa xuân Tân Hợi năm 1971, đoàn văn công của Hà Bắc ăn tết với Bộ tư lệnh đường dây 559 tại Savanakhet (Lào), một cái tết tươi vui, đầy đủ hương vị, đầm ấm yêu thương.

Các nghệ sĩ thì ca hát, Phạm Tiến Duật thì đọc thơ – các bài thơ do anh sáng tác ở chiến trường. Đến bây giờ Lệ Ngải vẫn chưa quên những ngày tháng thật ý nghĩa của tuổi thanh xuân nơi chiến trường.

Một hôm, đoàn văn công xung kích đi biểu diễn ở một địa điểm xa, Lệ Ngải bị nhức đầu nên ở lại lán. Khoảng hai giờ chiều thì Phạm Tiến Duật đến lán văn công chơi. Món quà anh mang theo là một nắm lá méo có vị chua.

Anh bảo: “Đây là quà Trường Sơn, vị nữ nào vào đây cũng thích thứ lá này. Anh đêm tặng em đây”. Phạm Tiến Duật mời Lệ Ngải đến Ban tuyên huấn cách lán văn công chừng hai cây số, Lệ Ngải từ chối với lý do: “Hôm nay em bị mệt không thể đi được”.

Phạm Tiến Duật bảo: “Mệt cứ đi sẽ khỏe”. Nể lời, Lệ Ngải theo anh. Đến nơi, đơn vị đã chờ Lệ Ngải từ bao giờ. Phạm Tiến Duật giới thiệu: “Đây là Ban tuyên huấn của anh, các anh chỉ thích nghe hát Quan họ. Có người xa quê đã mười năm, người ít nhất cũng năm năm đấy. Các anh sẽ rất thích được nghe người Bắc Ninh hát quan họ trực tiếp ở đất Trường Sơn này”.

Lệ Ngải e ngại: “Em sợ bị ngạt mũi hát chẳng ra gì”. Phạm Tiến Duật đùa: “Các anh chỉ thích nghe giọng hát ngạt mũi của em”. Trước sự nồng nhiệt, chân tình của các anh, chị hát ba bài Quan họ lời cổ: “Gọi đò”, “Tuấn Khanh”, “Người ơi người ở đừng về”.

Các chiến sĩ nghe rất xúc động. Mấy lần Lệ Ngải xin phép về lán vì chị e khi đoàn đi biểu diễn về không thấy chị, chắc chắn họ sẽ phải bổ đi tìm thêm vất vả. Nhưng anh em cứ nài nỉ chị ở thêm chút nữa. Thế là mãi tới hơn bốn giờ chiều mới bịn rịn chia tay nhau.

 Lúc chia tay Phạm Tiến Duật xúc động nói với chị: “Đêm nay chúc em ngủ ngon nhé và cũng đêm nay anh sẽ có bài thơ tặng em”. Và bài “Người ơi người ở” ra đời. Toàn văn như sau:

Bao nhiêu người đã hát
Bây giờ lại đến em
Bao nhiêu người hồi hộp
Bây giờ lại đến anh
Ở hai thung lũng xanh
Kề nhau thành hàng xóm
Công việc như nước cuốn
Chẳng bao giờ thăm nhau
Nắng đã tắt từ lâu
Tiếng ve như kéo mật
Dáng em ngồi trước mặt
Như cây cỏ trong vườn
Chẳng thể gặp nhau luôn
Hãy ngồi thêm lát nữa
Hai người hai cách nguồn
Khép mở hai vùng trời
Gặp biết bao nhiêu người
Quen nhau bao gương mặt
Con đường thì tít tắp
Mặt trận thì mênh mông
Chẳng nhớ nữa mùa đông
Đi qua bao hang đá
Cũng quên rồi mùa hạ
Ở bao nhiêu ngăn hầm
Công việc cùng tháng năm
Hát vui cùng chiến sĩ
Những ngày đi đánh Mỹ
Bao nhiêu người quen nhau
Anh chẳng nói sai đâu
Em là cây ngải đắng
Mọc trong triền núi vắng
Góp vị thuốc cho đời
Tiếng em hát “Người ơi…”
Người gần nhau mãi mãi
Tiếng em hát “Đò ơi…”
Sông đưa đò gần lại
Tiếng em hát “Cây ơi…”
Cây nhú thêm mầm mới
Tiếng nồng say em gọi
Náo nức tuổi trăng lên
Cái giọng thì của em
Mà lời anh đấy nhỉ?
Giữ em chẳng được nào
Hẹn nhau ngày thắng Mỹ
Lại hát tặng tiễn nhau
Như bạn bè Quan họ
Rằng: Người đi người nhớ
Rằng: “Người ơi người ở đừng về…”

Sau đó bài thơ “Người ơi người ở” có người còn gọi là “Cây ngải đắng” đã xuất hiện trên báo QĐND. Ở quê hương Lệ Ngải thời đó nhiều người đã đọc bài thơ trên báo và họ rất vui mừng biết rằng đoàn văn công đi phục vụ chiến trường đã gặp nhà thơ quân đội Phạm Tiến Duật ở Trường Sơn.

Đến nay nghệ sĩ Lệ Ngải đã vào độ tuổi ngoại ngũ tuần nhưng chị vẫn tươi duyên – cái duyên của chị hai quan họ, giọng ca vẫn đằm thắm ngọt ngào.

Trong các cuộc vui thơ chị thường ngâm bài thơ trên của nhà thơ Phạm Tiến Duật đã làm tặng chị. Chị vốn có chất giọng truyền cảm, cộng với tình cảm đẹp với nhà thơ, với kỷ niệm của một thời tuổi trẻ đẹp nhất nên bài thơ chị ngâm có sức rung động trái tim của bao người.

Quý Hoa
SN11, khu IV, Vệ An, Bắc Ninh

MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.