Cơ hội cho tranh biếm họa

Tranh của họa sỹ Khều đăng trên Tiền Phong.
Tranh của họa sỹ Khều đăng trên Tiền Phong.
TP - Cục Mỹ Thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm vừa phát động Triển lãm tranh biếm họa về chủ đề phòng chống tham nhũng. Đây là lần đầu tiên một cơ quan quản lý Nhà nước đứng ra tổ chức triển lãm riêng về chủ đề này đã gây xôn xao dư luận bởi đã một thời gian dài, công cụ đả kích cực kỳ mạnh mẽ này đang bị lãng quên.

Vũ khí sắc bén một thời...

Tranh biếm thực ra đã có từ những ngày đầu tiên khi báo chí mới xuất hiện tại Việt Nam. Trong lịch sử báo chí Việt Nam, những bức tranh biếm đả kích chế độ thực dân hay lên án những thói xấu, sự tham lam của nhiều người đã được báo chí phản ánh mạnh mẽ. Theo cuốn “Lịch sử tranh biếm họa Việt Nam” do họa sỹ Lý Trực Dũng chủ biên thì người đầu tiên có tranh biếm họa được đăng báo là Nguyễn Ái Quốc với nhiều bức biếm họa được Bác đăng trên báo Le Paria (Người cùng khổ) vào những năm 1922-1926. Thông qua những bức tranh đả kích, Bác Hồ đã lên án mạnh mẽ chế độ thực dân thời bấy giờ với những áp bức, bóc lột người dân thuộc địa hay là những nô dịch về văn hóa...

Trong những năm kháng chiến, tranh biếm họa vẫn xuất hiện đều đặn trên các trang báo, từ việc lên án sự tàn bạo của kẻ thù cho tới chuyện phê phán thói hư tật xấu của con người, rồi cổ vũ cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc... Những họa sỹ như Phan Kích, Mai Văn Hiến, Nguyễn Bích, Võ An Lai... rồi sau này là những Ớt, Chóe... đã thành danh nhờ những bức tranh biếm họa đầy sắc bén, góp phần mạnh mẽ trong việc thống nhất và xây dựng đất nước. Nhiều họa sỹ Việt Nam đã có tranh biếm trên các báo nước ngoài, được triển lãm và lưu trữ tại nhiều bảo tàng tranh biếm trên thế giới. Theo họa sỹ Lý Trực Dũng - Người được coi là cây bút biếm họa hàng đầu Việt Nam hiện nay thì “Một tranh biếm bằng cả ngàn câu chữ”.

Thế nhưng dường như tranh biếm đang bị lãng quên. Theo họa sỹ Khều - Một họa sỹ chuyên vẽ tranh biếm và minh họa tại TPHCM cho biết, hiện nay, tranh biếm họa không được quan tâm nhiều, nhiều người biên tập chỉ coi tranh biếm theo dạng “minh họa lấp chỗ trống”.  “Nhuận bút nhiều tòa soạn trả chỉ có giá ngang một cái tin, có khi còn trả nhuận bút chậm, nên bây giờ ít có họa sỹ nào đeo đuổi biếm họa”, họa sỹ Khều nói.

Hy vọng đột phá

Trong bối cảnh tham nhũng đang tràn lan hiện nay, việc Cục Mỹ thuật- Nhiếp ảnh và Triển lãm phát động cuộc Triển lãm tranh biếm họa về chủ đề phòng chống tham nhũng được coi là một bước đi táo bạo. Theo nội dung cuộc phát động thì những tác phẩm biếm họa phản ánh vấn đề nóng trong công cuộc phòng chống tham nhũng, phê bình và lên án những thói hư tật xấu, những vấn đề tiêu cực gây bức xúc sáng tác từ năm 2016 đến 2018 đều có thể tham dự.

Việc một đơn vị quản lý cấp Nhà nước đứng ra tổ chức cuộc thi biếm họa với nội dung phòng chống tham nhũng đã gây được sự chú ý đặc biệt trong giới họa sỹ, bởi theo nhiều người thì đây là vấn đề khá nhạy cảm, nội dung phản ánh nếu không cẩn trọng sẽ có thể gây hệ lụy.  “Tôi từng bị treo bút 6 tháng chỉ vì bức tranh vẽ phê phán một sở nọ làm ăn quan liêu, “đem con bỏ chợ” ở nước ngoài. Dù nội dung tôi phê phán là đúng nhưng vẫn bị phạt”, họa sỹ Khều cho biết.

Cơ hội cho tranh biếm họa ảnh 1

Tranh của họa sỹ Lý Trực Dũng.

Còn họa sỹ T. đã từng bị rút tranh khỏi triển lãm chỉ vì bức vẽ quan tham của ông có vài nét vẽ khuôn mặt quan tham giống một vị quan chức. Mà thời điểm bức biếm họa đó ra đời lại đúng vào lúc ông quan kia đang bị  điều tra vì làm thất thoát tài sản Nhà nước. “Sự e ngại đụng chạm vào các vấn đề nhạy cảm nên những bức tranh đả kích mạnh mẽ thường ít được các tòa soạn chọn đăng. Vì thế đa số tranh biếm in trên báo hiện nay ít có tính phê phán, ít có tính đấu tranh mạnh mẽ như trước đây”- Họa sỹ T. cho biết.

Giải biếm họa một thời của báo Tuổi Trẻ Cười đã vắng bóng từ rất lâu, giải biếm họa Rồng Tre (do báo TT&VH tổ chức) được vài mùa đã phải ngưng vì nhiều nguyên nhân và phải mãi tới năm 2018 mới bắt đầu phục hồi trở lại. Chính vì thế, “đất” để các họa sỹ có thể “dụng võ” chỉ còn trên mạng và nhiều họa sỹ đã lựa chọn nơi này để “hành nghề”. Theo BTC giải Rồng Tre, các họa sỹ vẽ biếm họa Việt Nam khá đông đảo, nhưng hiện nay họ không có nơi để thể hiện và giải Rồng Tre chính là nơi để tập hợp, quy tụ đội ngũ họa sỹ biếm cũng như tạo cơ hội cho những sáng tác mới. Còn theo họa sỹ Lý Trực Dũng, họa sỹ biếm Việt Nam được thế giới rất quan tâm. Phát biểu tại Lễ ra mắt giải biếm họa Cúp Rồng Tre, họa sỹ Lý Trực Dũng cho biết, một họa sỹ nổi tiếng người Canada đã đến gặp ông để tìm hiểu về biếm họa Việt Nam. “Một trường đại học Mỹ đã cho dịch toàn bộ cuối Lịch sử biếm họa Việt Nam và đã có kế hoạch mời 2 họa sỹ biếm Việt Nam qua nói chuyện với sinh viên của họ. Điều đó cho thấy biếm họa Việt Nam đã vượt khỏi tầm biên giới”- Họa sỹ Lý Trực Dũng cho biết.

Hy vọng rằng với những đột phá mới, các giải thưởng triển lãm sẽ là cơ hội để cho các họa sỹ biếm có thể tiếp tục sự nghiệp của cha anh, nói lên tiếng nói thông qua những bức tranh biếm nhưng vẫn đủ sức để lay động mọi người.

Giải thưởng Triển lãm tranh biếm họa với chủ đề Phòng chống tham nhũng do Cục Nhiếp ảnh- Mỹ thuật và Triển lãm khởi động từ ngày 22/6 và kết thúc vào ngày 7/9. Tất cả các công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên đều có thể tham dự. Các tác phẩm đoạt giải sẽ được triển lãm tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam với giải thưởng bao gồm 1 giải Nhất (30 triệu đồng); 3 giải Nhì (10 triệu đồng/giải); 6 giải Ba (5 triệu đồng/giải); 10 giải Khuyến khích (2 triệu đồng/giải) và giải thưởng cho tác giả nhiều tuổi nhất và ít tuổi nhất có tranh trưng bày (1 triệu đồng/giải).
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.