Có một bảo tàng nhà văn hiện đại Trung Quốc chân thực và hấp dẫn

Có một bảo tàng nhà văn hiện đại Trung Quốc chân thực và hấp dẫn
TP - Tôi được tham gia đoàn nhà văn Việt Nam đi thăm và làm việc với Hội Nhà văn Trung Quốc. Ấn tượng nhất đối với tôi trong chuyến đi là được hướng dẫn thăm Bảo tàng Nhà văn hiện đại Trung Quốc.
Có một bảo tàng nhà văn hiện đại Trung Quốc chân thực và hấp dẫn ảnh 1
Mặt tiền Bảo tàng Nhà văn Trung Quốc

Tại khu Triều Dương, Bắc Kinh, cùng phố với Trụ sở Hội Nhà văn Trung Quốc có một toà nhà cao lớn, sang trọng nằm trong một khuôn viên rộng rãi (14.000 m2), trước cổng có một tảng đá grannit trắng nặng 50 tấn, hình trang sách lấy từ Sơn Đông về, đề rõ:

“Bảo tàng nhà văn hiện đại Trung Quốc” (National Museum Modern Chinese Literature), phía dưới khắc câu nói của nhà văn Ba Kim nói về văn học hiện đại Trung Quốc.

Đây là công trình giáo dục văn hóa trọng điểm quốc gia, là nơi lưu trữ sách báo, thư tịch văn học, hồ sơ văn học, trung tâm tư liệu văn học. Tuy nhiệm vụ được xác định như vậy, nhưng kiến trúc bảo tàng lại vô cùng chân thực và sống động.

Đặt tay đẩy cánh cửa thủy tinh dày tới 10mm, tôi phát hiện ra hai chỗ cầm nắm của hai cánh cửa đều có khắc chìm hình hai bàn tay của một người.

Hỏi mới biết đó là bàn tay của Nhà văn Ba Kim, Chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc, cây đại thụ, người khai sinh ra nền văn học hiện đại Trung Quốc ( Ông tên thật là Lý Nghiêu Đường, quê Tứ Xuyên, sinh năm 1904, mất ngày 17/10/2005, thọ 102 tuổi). Tôi có cảm tưởng như tay ông nắm tay mình dắt vào nhà.

Đi vào tiền sảnh ngôi nhà, đập vào mắt người xem là hai chiếc độc bình sứ Giang Tây khổng lồ, cao gần 3 mét, nặng 1,5 tấn. Trên 2 độc bình khắc tên và chữ ký của 5.000 nhà văn Trung Quốc, mỗi độc bình 2.500 người. Đó là lời giới thiệu sang trọng nhất về nhà văn mà tôi từng thấy.

Nhà văn Trần Hỷ Nho, Trưởng ban đối ngoại Hội Nhà văn Trung Quốc, dịch giả văn học Nhật Bản, kéo tôi tới, chỉ cho xem chữ ký và tên của ông ở độc bình với vẽ mặt rạng rỡ tự hào. Khắc chữ ký và tên của nhà văn vào độc bình trước khi nung, tráng men sứ là biểu thị sự tôn vinh vĩnh cửu của đất nước đối với các nhà văn của mình.

Các bạn Trung Quốc bảo tầng I là tầng giới thiệu các “ông tổ” của văn học cách mạng Trung Quốc như Ba Kim, Lỗ Tấn, Quách Mạt Nhược, Tào Ngu, Mao Thuẫn, Lão Xá…

Mỗi gian nhỏ giới thiệu một nhà văn gồm ảnh chân dung, tượng, ảnh gia đình, thư từ, bản thảo, bút tích, sách, và các vật dụng sinh hoạt hàng ngày. Người xem có ấn tượng như các cụ đang ở bên nhau đầm ấm trong một nhà sáng tác.

Có một bảo tàng nhà văn hiện đại Trung Quốc chân thực và hấp dẫn ảnh 2
Tượng nhà văn Đinh Linh trong vườn cảnh của bảo tàng

Tầng 2 của Bảo tàng là tầng trưng bày ảnh của các nhà văn đương đại Trung Quốc thế kỷ XX, chia làm nhiều thời kỳ như Ngũ Tứ ( 1911-1926); 1927-1937; 1945-1949; 1949-nay.

Mỗi thời kỳ đều giới thiệu kỹ về những nhà văn chính. Ví dụ thời kỳ 1927-1937 giới thiệu chân dung các nhà văn Cù Thu Bạch, Đinh Linh, Ba Kim, Tào Ngu, Tăng Khắc Gia, Chu Từ Thạnh, Băng Tâm (viết sách thiếu nhi)…, thời kỳ 1937-1949 có Trần Trọng Thư, Vây Thành, Hồ Phong, Triệu Thụ Lý.vv..

Thời kỳ 1949-1966 (trước cách mạng văn hóa) có Điển Hán, Quách Trần Xuyên… Sau đó là thế hệ từ 1976 – nay. Tầng 3 là kho sách và gian trưng bày đời sống sinh hoạt của các nhà văn với những câu đối tặng nhau, thơ thù tạc (như câu đối Lão Xá viết tặng Ba Kim: Vân thỉ Ba Sơn / Văn chương Kim thạch ).

Kho sách gồm sách của 5.000 nhà văn Trung Quốc với số lượng 80.000 cuốn là một kho sách khổng lồ giúp cho các nhà nghiên cứu và sinh viên học sinh đến tra cứu. Điều lý thú là các phòng trưng bày rất sống động.

Tôi vào bất kỳ gian tác giả nào cũng có bức ảnh lớn như nheo cười nhìn mình, rồi rất nhiều hiện vật của cuộc sống sáng tác của nhà văn hàng ngày cũng được trưng bày rất công phu, kể cả chiếc ghế ngồi, chiếc xe đạp cà tàng, đồng hồ, chiếc bao kính, các băng cassette, đĩa CD, nhật ký, thư tín, ghi âm, ghi hình… và các giải thưởng trong và ngoài nước, làm tôn lên vẻ đẹp giản dị mà sâu sắc của mỗi nhà văn.

Bảo tàng nhà văn hiện đại Trung Quốc được xây dựng từ tháng 5/2000, đến khi chúng tôi sang đã xong giai đoạn I và đang triển khai giai đoạn 2. Tổng số vốn đầu tư của Nhà nước cho bảo tàng là 270 triệu tệ (tương đương 540 tỷ đồng VN), trên diện tích 14.000 m2.

Ngoài toà nhà bảo tàng đồ sộ chứa đựng gần như toàn bộ chân dung nhà văn hiện đại của đất nước, ở đây còn có một hệ thống sân vườn cảnh rất hấp dẫn. Trong vườn cảnh được tạo dáng giả sơn, đồi cỏ, dòng suối nấp dưới các cây đại thụ xanh tốt, là hàng chục bức tượng các nhà văn nổi tiếng Trung Quốc như Ba Kim, Lỗ Tấn, Mao Thuẫn, Đinh Linh…

Tượng các nhà văn được tạc riêng với những câu nói nổi tiếng. Như Đinh Linh, nhà văn nữ xinh đẹp (từng được giải thưởng Stalin), tượng của bà đứng duyên dáng với câu nói nổi tiếng được khắc vào đá: “Tất cả đều bắt đầu từ tình yêu”.

Rồi tượng các nhà văn ngồi trò chuyện bên nhau trong vườn, tượng các nhà văn đang trên đường đi thực tế rất sống động v.v... Vào đây ta như lạc vào một khu vườn vĩnh cửu dành riêng cho các nhà văn. Trong vườn bảo tàng còn có một cụm tượng rất ấn tượng là tượng Nhân mã.

Hàng chục con nhân mã đứng thành hàng dọc hàng ngang to nhỏ đều đặn. Có lẽ vườn bảo tàng là nơi để cho các nhà văn, các nhà nghiên cứu đến đây tra cứu tư liệu dạo chơi, suy nghĩ sau những giờ lao động căng thẳng.

Hiện nay, Hội nhà văn Việt Nam đang được Nhà nước đầu tư xây dựng Bảo tàng Nhà văn Việt Nam. Theo thiển nghĩ của người viết, kiến trúc và cách thức thiết kế ánh sáng, tổ chức trưng bày của Bảo tàng Nhà văn hiện đại Trung Quốc có thể là mô hình để tham khảo học tập và rút kinh nghiệm. Nhưng vấn đề quan trọng nhất phải xác định cho được nội dung trưng bày trong Bảo tàng.

Làm sao đó không chỉ là “bảo tàng” Hội Nhà văn hiện nay, mà còn có cả Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến, Hồ Xuân Hương… cũng như các thế hệ nhà văn tâm huyết với đất nước không phải là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam!

MỚI - NÓNG