Có một cái chợ như thế

Một góc hội chợ. Nguồn: BTC.
Một góc hội chợ. Nguồn: BTC.
TP - Hội chợ nghệ thuật Hà Nội lần đầu được tổ chức, quy tụ hơn 50 nghệ sĩ, đa số trẻ. Họ tới đây để có cơ hội gần gũi với số đông công chúng trong cả tháng 12.

Chợ tranh, tượng

Chợ Hàng Da cũ “lên” trung tâm thương mại với thang cuốn, cửa kính chẳng thấy nét nào tương đồng với chợ quê làng Hồ. Song nó được chọn để triển khai ý tưởng hội chợ nghệ thuật - lấy cảm hứng từ chợ tranh Tết Đông Hồ.

Đặt chân lên tầng hai, khách được chào đón bởi mấy bức tượng Phật của Nguyễn Tuấn tạo hình quen thuộc, gợi mở một không gian nghệ thuật.

Không gian vuông vức với các gian tranh xếp hình khối nằm trung tâm, được bo viền bởi những gian hàng bán sản phẩm mang tính truyền thống văn hóa như gốm sứ, thổ cẩm...

Một tuần sau ngày khai mạc náo nhiệt, chợ đã nhiều khoảng lặng. Khách có đủ không gian yên tĩnh để thưởng tranh, ngoạn tượng. Gần gũi, mộc mạc là sơn mài của Bùi Đức, người mải mê khắc họa hình tượng phụ nữ vùng cao. Hoặc “quái” như tranh quái của Trần Hoàng Hải Yến. “Tôi muốn đưa ngôn ngữ hội họa tiếp cận nhiều hơn với công chúng. Do vậy không đặt mục tiêu buôn bán lên đầu mà chỉ mong giới thiệu cho mọi người biết thêm về một phần của nền mỹ thuật nước nhà. Mỗi họa sĩ chúng tôi khi tham gia hội chợ lần này đều cố gắng hết sức đặt giá tranh ở mức thấp nhất có thể”, Hải Yến nói.

Họa sĩ Nguyễn Đức Hùng, giảng viên ĐH Kiến trúc, khẳng định: “Đã ra chợ thì giá bán phải mềm hơn. Đổi lại, bày ở đây thoải mái hơn trong bảo tàng nhiều. Tranh tôi còn không làm bo, để ý tưởng tràn ra ngoài”. Bản thân anh cũng là người đeo đuổi ý niệm giải thoát.

Đông người lắm phong cách. Đường nét phức tạp hàm ẩn trong sơn dầu của Nguyễn Hồng Phương hay sắc màu trầm trong tranh in của Nguyễn Văn Thuật và Nguyễn Thu Hương. Nghệ thuật sắp đặt tương thích “một đám cưới, một đám ma” của cặp nghệ sĩ Trần Hoàng My - Phạm Tuấn Tú gợi suy ngẫm về sinh lão bệnh tử.

Trần Thức gây ấn tượng bằng tác phẩm điêu khắc sắp đặt cực thực về người mẹ Việt ngóng con. Giản dị, chân thật. Làm người ta nhớ lại bức tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp bên bàn làm việc hồi 30/4 vừa rồi - cũng của anh.

Giá trị đại chúng

“Chúng tôi mở cửa đón Tết. Kế thừa tinh thần chợ Việt và có tham khảo mô hình nước ngoài, thực hiện một hoạt động văn hóa truyền thống vừa mang tính hiện đại”, chị Võ Quỳnh Hoa (Ban tổ chức hội chợ) cho biết.  “Lần đầu làm hội chợ nghệ thuật, chẳng ai dám cá sẽ thu được lời được lãi. Trong nghệ thuật luôn có thử nghiệm. Vẫn đang trong giai đoạn lệch đâu chỉnh đấy”, chị nói.

“Tôi cũng vẽ tranh, đồng thời có một cơ sở bán đồ lưu niệm trong Sài Gòn. Tôi muốn tìm cái gì đó thật đặc trưng Hà Nội để mang vào trong kia trưng bày. Nhưng đa số đều mang tính đại chúng. Tác phẩm ở đây khá tự do về phong cách, có thể thấy sự tiến bộ của cánh họa sĩ trẻ. Chợ Hàng Da làm được cái hội chợ này khá hay”. 

Ông Nguyễn Mạnh Nghĩa - khách thăm hội chợ

CLB UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ mang xa quay tơ tới góp vui bằng làn điệu ví dặm - mới được công nhận Di sản Văn hóa phi Vật thể đại diện của nhân loại. Cũng là để hướng môn nghệ thuật dân gian này tới đại chúng.

Theo lịch, cuối tuần sau, nơi đây sẽ tổ chức lễ hầu đồng, hát chầu văn. Nếu muốn dân dã kiểu chợ quê, khách nên nhằm buổi vắng mà đến. Lúc ấy, cánh họa sĩ rảnh rỗi lôi cọ ra vẽ chân dung cho nhau và cho bất cứ ai thích. Còn không, họ lại tụ tập vào một gian tranh nào đó, đàn hát nghêu ngao.

Tranh Đông Hồ ngày trước giá tính bằng hào, bằng đồng. Chợ nghệ thuật ngày nay ngoài mấy món đồ handmade dăm chục nghìn, còn lại tính tiền trăm, tiền triệu, thậm chí mấy trăm triệu. Xem ra, dân đi xem hội chợ không có cửa mua tranh như mua mớ rau miếng đậu được.

“Mục đích của chúng tôi là biến đây thành nơi để người yêu nghệ thuật có thể gặp gỡ trực tiếp các nghệ sĩ, trò chuyện, xem nghệ sĩ làm việc. Cũng là tạo sân chơi và môi trường cọ xát cho chính các nghệ sĩ trẻ”, chị Hoa nói. Nếu được công chúng đón nhận thì hội chợ nghệ thuật kiểu này sẽ có cơ hội trở thành hoạt động thường xuyên, thành nơi tụ hội của cánh nghệ sĩ.

MỚI - NÓNG