Có một Chí Trung sau cánh gà

Có một Chí Trung sau cánh gà
TP - Trong nghề kịch, âm thầm lặng lẽ nhất là các nhà biên kịch. Chính vì vậy, ít ai biết đến một Chí Trung không phải là diễn viên mà là tác giả của hàng trăm vở diễn được dựng khắp từ Nam chí Bắc trên các sân khấu kịch.
Tranh của nguyễn xuân hoàng
Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng.
 

Nhắc tới Chí Trung là người ta thường nghĩ ngay đến NSƯT Chí Trung của Nhà hát Tuổi trẻ, người được khán giả nhớ tới rất nhiều, đặc biệt với vai Táo Giao thông mà anh thể hiện trong Cuộc thi Táo hàng năm trên VTV. Nhưng đây là một Chí Trung khác, trong nghề gọi là Chí Trung biên kịch hay là nhà viết kịch Lê Chí Trung để phân biệt với Chí Trung diễn viên.

Lê Chí Trung sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, có những ngày gian khổ phải đi làm đủ thứ nghề như chạy chợ, bỏ mối hàng và thậm chí phe vé chợ đen. Chí Trung kể: “Năm 1976, tôi đi bộ đội sau khi tốt nghiệp đại học Xây dựng Hà Nội. Sau 5 năm trời lăn lộn ở chiến trường Tây Nam, tôi đã xin chuyển ngành ra để làm bảo vệ tại một xí nghiệp sản xuất ở quận 5. Lý do tôi ở lại Sài Gòn là tôi có bà chị công tác trong này, chị ấy muốn tôi ở cùng cho có chị có em nên tôi đồng ý.

Làm bảo vệ lương thấp và đời sống khó khăn nên như nhiều người khác, tôi cũng phải nhào ra chợ kiếm sống”. Trung có vẻ không tự hào lắm khi kể lại những quá khứ đó của mình. Tuy nhiên chính những trải nghiệm đó đã giúp Trung rất nhiều khi trở thành người viết kịch.

Cơ duyên trở thành người viết kịch đến với Chí Trung cũng khá bất ngờ. Năm 1982, khi đã có chân Ủy ban bảo vệ chăm sóc trẻ em quận 5, có một lần quận tổ chức trại bồi dưỡng viết kịch bản, Trung đã được cử đi theo kiểu phong trào. Nào ngờ sau khi đi trại sáng tác, Trung bỗng nghiện luôn món… viết kịch bản và tập tọe viết lách.

Chí Trung đã bỏ viết, đã chuyển nghề sang buôn đất, làm thêm vài thứ. Kinh tế gia đình đi lên thấy rõ. Nhưng rồi anh lại nhặt bút lên, lại cặm cụi viết bởi với anh viết kịch đã thành một thứ nhu cầu ngấm vào máu.

 

Một vài kịch bản được dựng trong các hội diễn quần chúng tuy chưa để lại dấu ấn gì nhưng Trung vẫn quyết tâm theo nghề, âm thầm viết và gửi đi các nơi. Tuy nhiên một người viết nghiệp dư chẳng có tên tuổi gì đã khiến cho các kịch bản đó rơi vào vô vọng: Chẳng có đoàn kịch nào đoái hoài đến các kịch bản của Trung.

Nhưng rồi một may mắn đã đến với Trung khi một người quen giới thiệu Trung với bà Bảy Nam - má ruột của nghệ sỹ Kim Cương - Đoàn Kim Cương. Sau khi đọc kịch bản Đừng nói lời vĩnh biệt của Chí Trung đưa, bà Bảy Nam đã đồng ý sẽ dựng vở này.

“Khi nghe bác Bảy Nam nói, tôi còn không dám tin vào điều đó. Đoàn Kim Cương là đoàn kịch lớn nhất miền Nam lúc bấy giờ, được dựng vở tại Kim Cương là mong ước của nhiều tay viết chuyên nghiệp chứ đâu phải là tôi, một thằng đang chập chững những bước đi đầu tiên. Tôi nhớ mãi vở diễn đầu tay này bởi nhờ nó mà tôi đã bám trụ với nghề viết kịch suốt mấy chục năm qua.”- Chí Trung kể.

Vở “Đừng nói lời vĩnh biệt” đã sáng đèn suốt một thời gian dài trên sân khấu Kim Cương và mang lại một món tiền đáng kể cho Chí Trung. 6% doanh thu được nhận cho từng đêm diễn đã giúp Trung có cuộc sống ổn định, nuôi vợ con và nuôi luôn sự trưởng thành cho một nhà viết kịch sau này.

Và cũng may cho Chí Trung là thời điểm đó, sân khấu thành phố Hồ Chí Minh đang có sự đi lên của một lớp diễn viên trẻ đầy tài năng như Thành Lộc, Đàm Loan, Hồng Đào, Kim Xuân, Khánh Hoàng, Quốc Thảo, Việt Anh… Chính những tài năng trẻ này đã giúp sân khấu TP toả sáng trong một thời gian dài, giúp cho những người như Chí Trung có đất để viết, để sáng tạo.

Gần 30 năm cầm bút trăn trở với kịch bản sân khấu, Chí Trung không thể nhớ đã viết và được dựng bao nhiêu vở. Anh chỉ nhớ rằng gần như tất cả các đoàn kịch trong nước, thậm chí cả các đoàn chèo, cải lương đều đã từng dựng vở của Chí Trung, trong đó có những vở có tới hơn chục đoàn dàn dựng: Đó là vở Người yêu của cha tôi mà sau này, sân khấu kịch Hồng Vân đã dàn dựng lại với tên gọi mới Người tình của mẹ tôi.

Vở diễn đã đoạt Huy chương Vàng tại Hội diễn sân khấu 2009 với số điểm gần như tuyệt đối từ Ban giám khảo. Nhiều vở diễn khác của Chí Trung cũng gây ấn tượng với khán giả như Yêu là thoát tội, Đêm của bóng tối, Nước mắt người điên… Những vở kịch chừng như không mang thông điệp lớn lao, chỉ xoay quanh cuộc sống của những con người bình thường và số phận của họ nhưng qua tài năng của Chí Trung, người xem vẫn cảm thấy như có mình trong đó.

Không chỉ viết chính kịch, Chí Trung còn viết cả hài kịch. Cũng nhờ hài kịch mà Chí Trung được nhiều người gọi là Vũ Trọng Phụng của sân khấu kịch. Khi nghe nói thế Chí Trung từ chối ngay: “Tôi đâu dám so với cụ Phụng. Tôi chỉ thấy tác phẩm của cụ hay thì tôi chuyển thể thôi”.

Chuyện Chí Trung chuyển thể các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng cũng là một bất ngờ. Năm 2005, NSƯT Hồng Vân mở sân khấu kịch Phú Nhuận với ý định tìm phong cách mới. Chí Trung được mời tham gia tư vấn, khi nghe Hồng Vân nói muốn đưa các tác phẩm văn học nổi tiếng lên sân khấu, Chí Trung đã nghĩ ngay đến các tác phẩm của nhà văn tài năng nhưng đoản mệnh Vũ Trọng Phụng.

Anh cho rằng, so với các tác giả cùng thời, Vũ Trọng Phụng có tầm nhìn xa hơn và những vấn đề trong tác phẩm của ông cho đến hôm nay vẫn còn rất mới mẻ, mang tính thời sự cao. Nhiều tác phẩm của Vũ Trọng Phụng có các chất liệu rất phù hợp để viết kịch bản. Vở hài kịch Số đỏ từ tiểu thuyết cùng tên ra đời. Dù chỉ chọn những lát cắt chính từ tiểu thuyết nhưng khi lên sân khấu, vở kịch vẫn mang được “chất” của tiểu thuyết khi xây dựng được hình tượng khá rõ nét.

Vẫn là Xuân tóc đỏ láu cá ma mãnh, bà Phó Đoan thủ tiết với hai đời chồng, ông Văn Minh dốt nát nhưng chuyên dạy đời… Số đỏ đã trở thành vở kịch ăn khách tại sân khấu Phú Nhuận suốt mấy năm trời. Không dừng lại ở đó, Chí Trung còn tiếp tục chuyển thể thêm hai tác phẩm khác của Vũ Trọng Phụng là Giông tốKỹ nghệ lấy Tây. Trong đó vở Kỹ nghệ lấy Tây đã được trao giải Cù Nèo Vàng 2010 - Giải thưởng được trao cho kịch bản hài hay nhất trong năm.

Có một Chí Trung sau cánh gà ảnh 2
 

Chí Trung chỉ chuyển thể các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, các kịch bản hài còn lại anh tự sáng tác. Nhưng gần đây, đã có lúc Chí Trung định bỏ bút. Theo anh, xã hội có nhiều biến chuyển mạnh mẽ mà làng kịch thì vẫn dừng chân một chỗ. Theo đánh giá của Chí Trung, sân khấu hai miền vẫn có sự khác biệt rất nhiều.

Nhiều sân khấu phía Nam quẩn quanh với những chuyện đời thường như yêu đương tay đôi tay ba, ma quái kinh dị hay tình dục để câu khách, còn sân khấu phía Bắc lại quá nhiều vở mang nặng thông điệp mà bỏ qua chất đời sống. Một bên thiếu cái tầm và một bên xa cách thực tiễn nên hướng phát triển của sân khấu dường như không có. “Những giải pháp hiện nay cho sân khấu tôi nghĩ không đem lại hiệu quả.

Đầu tư thì dàn trải, những trại sáng tác hay những đợt liên hoan cũng chẳng thu hồi được kết quả bao nhiêu. Tại sao những người có trách nhiệm không lựa chọn những đơn vị đang làm ăn có hiệu quả để đầu tư?” - Chí Trung thành thật. Sự bế tắc của sân khấu kịch, theo anh còn từ chính những con người làm sân khấu. Diễn viên đạo diễn lo chạy show sang phim truyền hình, có những diễn viên khi lên sàn diễn còn ngái ngủ. Rồi sai thoại, sai lời…

Trong số người biên kịch sân khấu vốn ít ỏi ở Việt Nam, gần như rất hiếm người sống được bằng tiền biên kịch. Ngay cả Chí Trung cũng không là ngoại lệ dù kịch của anh thuộc hàng đắt mối và nhiều đoàn sẵn sàng trả anh cao hơn so với quy định.

Chí Trung đã bỏ viết, đã chuyển nghề sang buôn đất, làm thêm vài thứ. Kinh tế gia đình đi lên thấy rõ. Nhưng rồi anh lại nhặt bút lên, lại cặm cụi viết, bởi với anh viết kịch đã thành một thứ nhu cầu ngấm vào máu. Dù nhiều trang viết đầy tâm tư trăn trở ấy vẫn còn chưa được sử dụng nhiều, dù rằng nó vẫn bị xã hội coi thường nhưng Chí Trung vẫn tin sẽ đến ngày sân khấu trở lại là Thánh Đường.

Đó sẽ là cơ hội cho những người như anh được thể hiện. “Không phải riêng tôi đâu mà nhiều người trong nghề vẫn giữ niềm tin ấy” - Chí Trung nói như một lời khẳng định, và có lẽ cũng như một hy vọng để anh bấu víu.

Viết là thành… tưng tưng

Chí Trung (giữa) trong lễ nhận giải Cù Nèo Vàng
Chí Trung (giữa) trong lễ nhận giải Cù Nèo Vàng.
 

Chí Trung kể, mỗi khi viết anh như bị lên đồng, hoá thân vào nhân vật, cùng đối thoại với nhân vật, diễn biến tâm lý theo nhân vật đến từng chi tiết. “Có lần con gái tôi đưa bạn về nhà chơi, cả đám bạn cứ thấy tôi đi đi lại lại rồi lẩm nhẩm đọc thoại. Chúng hỏi ba mày bị sao mà lạ thế. Có lẽ khi tôi đang viết nhiều người nghĩ tôi bị… tưng tưng” - Chí Trung nói đùa.

Sau khi vở ra rạp, Chí Trung là người siêng đi xem những vở diễn của mình nhất. Có những vở anh xem đi xem lại tới vài chục lần. Anh ngồi lẫn trong khán giả, ngồi sau quầy vé để nghe ý kiến phê bình vở kịch của mình. Chí Trung nói, anh làm vậy là để hiểu khán giả, để có thể đổi thay cho các kịch bản tiếp theo. Làm việc kỹ, nên hầu hết các kịch bản do Chí Trung viết đều được các đoàn kịch đón nhận.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG