Có một 'địa đạo Củ Chi' ở Quảng Ngãi

Có một 'địa đạo Củ Chi' ở Quảng Ngãi
TP - Nằm trên ngọn đồi thôn Phú Quý, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), địa đạo Đám Toái được người dân nơi đây gọi là “Địa đạo Củ Chi” giữa lòng Quảng Ngãi.

Chiều. Đỉnh đồi Phú Quý hun hút gió. Bãi biển Ba Làng An dậy sóng. Cụ Nguyễn Tới, 78 tuổi được xem là “nhà biên niên sử” ở mảnh đất này kể cho tôi nghe chuyện ở địa đạo Đám Toái cách đây mấy chục năm trước. Tôi cơ hồ nghe được những tiếng thở dài lẫn trong giọng kể đứt quãng của người đã tự nguyện gắn đời mình để trông coi khu địa đạo này.

Cụ kể, địa đạo Đám Toái có từ giai đoạn kháng chiến chống Pháp 1945-1947 và được củng cố, mở rộng với quy mô ngày càng lớn vào những năm 1960-1965.

Nơi đây, giờ đã có thêm một khu nghĩa trang của 66 người gồm y bác sỹ, y tá, hộ lý, cán bộ, thương bệnh binh, nhân dân đã điều trị và phục vụ tại đây - khu địa đạo - “bệnh viện dã chiến” trong lòng đất.

Cho đến nay, dù đã cố công tìm kiếm, xác minh, nhưng tên tuổi của các anh chị vẫn chưa được xác định.

Cụ Tới chợt xa xăm: Bị thất bại thảm hại và thua đau trong trận Vạn Tường (18/8/1965), quân xâm lược Mỹ điên cuồng bắn phá, liên tục hành quân đi càn quét, đốt phá khắp nơi trong khu Đông huyện Bình Sơn, cày ủi, đốt phá xóm làng, giết hại nhân dân.

Ngày 7/9/1965, Mỹ đổ bộ cách địa đạo 150 m, đến ngày 9/9, chúng phát hiện được hầm bí mật và cửa vào địa đạo. Lính Mỹ đã bắt 2 chiến sỹ của ta, trói 2 người cùng khối thuốc nổ lớn đặt trên cửa hầm địa đạo rồi bấm nổ, đánh sập cửa miệng hầm địa đạo, giết hại toàn bộ cán bộ quân y sỹ, thương bệnh binh và nhân dân đang điều trị và phục vụ tại địa đạo.

Đêm 9/9/1965, khi địch rút, nhân dân địa phương và dân quân du kích đã đào bới, tìm kiếm đưa lên được 5 người ngay cửa miệng hầm, trong đó có 3 nam, 2 nữ. Số còn lại trong địa đạo sâu dưới 5m do điều kiện chiến tranh không thể tìm kiếm được nên nhân dân lấp lại thành ngôi mộ chung.

Trong số 66 người hy sinh ở địa đạo có quân số của Trung đoàn I (Ba Gia), Tiểu đoàn 48, Đại đội 21 của tỉnh Quảng Ngãi. Các anh, các chị hy sinh trong địa đạo Đám Toái là những người con ưu tú từ khắp miền quê của Tổ quốc Việt Nam.

Dấu xưa địa đạo...

Tôi theo cụ Tới đi vào địa đạo Đám Toái. Một địa đạo nằm sâu dưới lòng đất 5m, rộng 1,4m, cao 1,6m theo hình dích dắc. Cụ Tới cho biết, ban đầu địa đạo này có qui mô nhỏ, là nơi để giấu các chiến sĩ bị thương.

Sau đó, để đảm bảo cho công tác điều trị thương binh, bệnh binh trong tình thế chiến tranh ác liệt, cán bộ, chiến sỹ xã Bình Châu đã động viên, huy động nhân dân, du kích thôn Phú Quý đào thêm gần 100 ngách hầm dưới địa đạo để đưa thương bệnh binh, kho tàng, trạm phẫu xuống khi cần thiết. Lúc cao điểm cứu chữa, điều trị, số thương bệnh binh lên đến 300 người.

Cách thức tổ chức đưa thương bệnh binh đến địa đạo Đám Toái (còn gọi là địa đạo A100) theo một đường dây an toàn, bí mật và tổ chức khá chặt chẽ.

Theo dấu thời gian, địa đạo Đám Toái giờ đã thay đổi khá nhiều. Địa đạo Đám Toái đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Cụ Tới kể, năm 1965, cụ là du kích thôn, hoạt động nằm vùng tại Phú Quý. Ngày xảy ra sự việc đau lòng kể trên, cụ cũng có mặt ở gần đó. Do vậy, từ ngày nghĩa trang Đám Toái được xây dựng, cụ tình nguyện làm người quản trang để thể hiện chút lòng thành đối với những con người đã anh dũng, chiến đấu hy sinh trên mảnh đất quê mình.

Hàng ngày, bất kể nắng hay mưa, cụ đều có mặt ở nghĩa trang cần mẫn nhổ cỏ, dọn dẹp cho từng ngôi mộ vô danh.

“Tôi cũng có 2 người em đã hi sinh đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Các anh em nằm ở đây cũng giống như hai đứa em tôi nên tôi coi họ như anh em ruột thịt của mình. Tôi nghĩ, hai đứa em tôi cũng đang được những người sống nơi hai em hy sinh chăm sóc, bao bọc” - Cụ Tới nghẹn ngào.

MỚI - NÓNG