Có một dòng tranh của họa sĩ Việt xa xứ

Có một dòng tranh của họa sĩ Việt xa xứ
Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa phong cách hiện đại và tình cảm quê hương, đất nước đã làm nên nét riêng trong tranh của họ - những người con đất Việt đã rời xa Tổ quốc.
Có một dòng tranh của họa sĩ Việt xa xứ ảnh 1

Tác giả Khải Đoàn và tác phẩm tranh sơn mài

Họ sống, học tập và trưởng thành từ môi trường sống hiện đại nhưng tình yêu quê hương luôn thôi thúc họ trở về, trong đó có đội ngũ họa sĩ.

Trở lại quê hương, hành trang của họ là những tác phẩm nghệ thuật, kết hợp giữa tính hiện đại và chất dân tộc, mà họ được tiếp thu, thừa hưởng.

Đa sắc thái, phong cách

Theo gia đình rời quê hương từ năm 5 tuổi, họa sĩ Khải Đoàn định cư và trở thành công dân Đức. Anh lớn lên trong cuộc sống văn minh phương Tây nhưng từng câu chuyện kể, từng câu ca dao, dân ca ở quê nhà đã thấm vào anh. Tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Saarbrüken, Khải Đoàn quyết định trở lại quê hương để tìm cảm hứng sáng tác.

Anh đã say mê chất liệu sơn mài và sau hai năm miệt mài thử nghiệm, triển lãm Joinventure (từ ngày 15/7 đến 25/7/2005 tại Trung tâm Mỹ thuật đương đại Không Gian Xanh) là kết quả mà anh chờ đợi.

Đúng như chủ đề triển lãm, những tác phẩm sáng tác của anh đều có sự cộng hưởng cảm hứng từ những ký ức về những món ăn, những món đồ chơi thời thơ ấu... và cuộc sống văn minh hiện đại mà anh đã hấp thu từ Đức.

Những bức tranh Đông Hồ quen thuộc được thể hiện bằng những hiệu ứng kỹ thuật số, những đôi giày thể thao Nike được sơn son thếp vàng, những cô gái mặc áo dài Việt nhưng phong cách phương Tây... Tất cả tạo cho người xem phương Đông lẫn phương Tây cảm giác vừa quen lại vừa lạ.

Họa sĩ Đỗ Chí Thiện sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt. Năm 12 tuổi anh theo gia đình sang định cư ở Mỹ nhưng vùng cao nguyên thơ mộng ấy đã cho anh nhiều ký ức đẹp về quê hương.

Chưa đầy một tháng triển lãm, hơn 50% số tranh của Đỗ Chí Thiện đã được đặt mua. Đây là điều bất ngờ mà ngay cả tác giả cũng không nghĩ tới.

Triển lãm Joinventure của Khải Đoàn thu hút khá đông khán giả và sẽ tiếp tục ra mắt người xem tại Hà Nội.

Tranh vi tính của Thái Tuấn từ lâu đã có chỗ đứng trong làng mỹ thuật Việt Nam... Điều đó chứng tỏ, dòng tranh của những họa sĩ Việt kiều thực sự chinh phục được khán giả trong nước.

Tốt nghiệp ĐH San Jose State, chuyên ngành thiết kế đồ họa và chương trình đào tạo của Học viện Phim nghệ thuật San Francisco, cuối năm 2001, anh quyết định trở về nước. Đó chính là thời gian để anh thực hiện những tác phẩm hội họa mà mình đã ấp ủ từ lâu.

Ý tưởng ban đầu của anh là vẽ những bức tranh với vốn liếng văn học dân gian mà anh mang theo được khi đến xứ người. Khi bắt tay vào sáng tác, câu thành ngữ “giấy trắng- mực đen” đã cho anh nhiều ý tưởng. Chỉ với hai gam màu đen – trắng, Đỗ Chí Thiện đã mang đến cho người xem những cảm xúc nhẹ nhàng. Đồng thời, khơi gợi thêm cho người xem về tác phẩm đằng sau nhiều lớp tranh.

Sang nước ngoài, họa sĩ Thái Tuấn chấp nhận bước qua sở trường của mình là tranh lụa, sơn dầu... để thử sức sáng tạo của mình trong thể loại tranh vi tính. Tuy tranh vi tính đã xuất hiện trên thế giới cách đây hơn 10 năm nhưng những tác phẩm của họa sĩ Thái Tuấn là bước đi đầu tiên của tranh vi tính Việt Nam. Ông giới thiệu thể loại tranh này về nước, mở ra một hướng đi mới cho mỹ thuật Việt Nam trong thời đại công nghệ thông tin.

Vẫn ngập tràn hồn Việt

Khác với thế hệ họa sĩ Việt kiều trẻ, họa sĩ Thái Tuấn rời Việt Nam, định cư tại Pháp khi tranh của ông đã chinh phục người xem từ trước năm 1975. Ông được xem là lớp họa sĩ lão làng cùng thời với những họa sĩ tên tuổi của làng mỹ thuật như Ngọc Dũng, Tạ Tỵ...

Đến xứ người nhưng tình yêu quê hương trong ông vẫn luôn nồng nàn. Các sáng tác của ông vẫn thể hiện hình ảnh quê nhà với lòng nhớ nhung, khắc khoải. Cứ vài năm, ông lại về nước, đi suốt từ Nam ra Bắc để tìm cảm hứng sáng tác.

Nói về chất liệu của tác phẩm, Khải Đoàn thành thật tâm sự: “Tôi chọn chất liệu sơn mài để thể hiện những cảm xúc của mình vì đây là chất liệu riêng của dân tộc Việt Nam”.

Riêng Đỗ Chí Thiện, anh lại chọn chất liệu từ những trang sách giáo khoa vỡ lòng, những bản in nhạc, những bản in của Từ điển tiếng Việt... kết hợp với sơn dầu để làm nên tác phẩm. Với anh, việc lựa chọn chất liệu mới mẻ này là thử thách bản thân. Nhưng anh rất hài lòng vì đây là chất liệu phù hợp nhất để anh thể hiện những ý tưởng của mình.

MỚI - NÓNG