<FONT face=Tahoma>Bên lề Đại hội:</FONT>

Có nặng lời về các nhạc sĩ trẻ?

Có nặng lời về các nhạc sĩ trẻ?
Đời sống nhạc trẻ không nằm ngoài tầm ngắm của Hội Nhạc sĩ. Tại Đại hội Nhạc sĩ VN khóa VII, các đại biểu đã phát biểu sôi nổi, trong đó vấn đề nhạc trẻ và nhạc sĩ trẻ gây được sự chú ý.

Ai cũng biết đỉnh cao sự nghiệp của nhạc sĩ phải là giao hưởng. Nhưng hội viên lão thành Nguyễn Đức Toàn đã phải giao hẹn: BCH mới phải hứa trong nhiệm kỳ 5 năm phải có 10 giao hưởng xịn chứ không phải “giao hỏng”. “Không thể ăn cơm tối ngày, uống bia hết hơi, rồi chỉ làm ca khúc. Nền âm nhạc không chỉ có thế!”.

2 năm gần đây Hội được Nhà nước đầu tư 1,4 tỷ đồng/năm làm kinh phí sáng tác và hơn 400 triệu để làm giải thưởng Hội Nhạc sĩ hàng năm.  Nhưng ai được đầu tư bao nhiêu thì chính người trong BCH cũng không được biết - đại biểu Linh Nga Niek Đam đề nghị cần ghi rõ những khoản này trong tài liệu ĐH... Đầu tư như vậy nhưng đa số thành quả là những tác phẩm “bỏ ngăn kéo”.

Thực ra, các Hội tự vận động là chuyện bình thường ở nhiều nước khác. “Ở các nước nói chung không có Hội nghệ thuật mà Nhà nước phải nuôi. Chỉ có VN thôi. Tôi thì thấy cái đó nên học tập VN. Chúng tôi có viết thư lên Tổng thống Putin đề nghị trở lại vấn đề bao cấp cho các Hội VHNT. Bởi vì không có các Hội Nghệ thuật, không thể có nền văn hóa của nhân dân”. GS Nguyễn Lân Tuất - Chủ nhiệm Khoa Sáng tác Nhạc viện Novosibirk (CHLB Nga) trả lời TP.

Tất nhiên, ở các nước phát triển, Nhà nước cũng như các tổ chức cá nhân vẫn tài trợ nhưng tài trợ không thông qua Hội mà cho cá nhân nhạc sĩ.

Tuy nhiên, Chủ tịch mới của Hội - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - đã khẳng định: “Chắc chắn sẽ phải bắt tay với các đơn vị, trong đó có các nhà doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế. Hiện nay các nhà kinh tế đã rất mặn mà với âm nhạc. Vì vậy hiện nay, chúng ta chỉ còn chờ thời cơ để bắt tay cùng nhau làm những công việc lớn.”

Khi nhạc sĩ “khẩn cầu” báo chí

Đương nhiên, đời sống nhạc trẻ không nằm ngoài tầm ngắm của Hội Nhạc sĩ. Tham luận Lời khẩn cầu với phương tiện thông tin nước nhà của nhạc sĩ Phú Quang như một bài điểm báo chớp nhoáng về tình hình nhạc trẻ hiện nay với những tuyên bố gây sốc.

Trong phần phát biểu của mình, đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, Trưởng ban TTVH Trung ương đã yêu cầu Hội Nhạc sĩ cần tăng cường vai trò chỉ đạo, định hướng, phê phán các hiện tượng âm nhạc chưa lành mạnh góp phần tích cực trong “xây dựng một đời sống âm nhạc lành mạnh, trong sáng, giàu sức sống của một đất nước đang phát triển”.

Phú Quang dẫn trả lời phỏng vấn của Duy Mạnh: Bây giờ không viết nhạc thị trường là ngu (!) và lời của Lê Minh Sơn: Tôi không lai căng vì tôi viết nhạc theo phong cách... La tinh làm cử tọa cười ồ...

Hay trên báo, Trưởng ban Kiểm tra của Hội gọi nhạc sĩ đạo nhạc (dù sao cũng) là cây đa cây đề (!) Phú Quang cũng cho rằng gọi là Bài hát mới thì chính xác hơn Bài hát Việt.

Anh bình luận: “Bây giờ sáng tác thì ít, sáng kiến thì nhiều”. Ví như đặt lời cho nhạc giao hưởng để bình dân hóa âm nhạc cổ điển, khác nào mặc quần áo cho tượng thần Vệ nữ để trông giống người bình thường...vv và vv.

Nghịch lý là trong khi viết báo về nhạc đa phần là các phóng viên trẻ “ngoại đạo” thì một nhà lý luận phê bình âm nhạc đào tạo nước ngoài như Nguyễn Thị Minh Châu lại phát biểu: “Chưa bao giờ tự tin khi xưng danh nhà phê bình âm nhạc. Tôi là ai và phải làm gì cho đúng danh nghĩa?”. Các nhà phê bình âm nhạc “xịn” không đáp ứng được tiêu chí kịp thời, hấp dẫn như của báo chí dẫn đến việc “bình luận âm nhạc đang bị báo chí hóa, quảng cáo hóa, thương mại hóa”.

Đây có lẽ mãi mãi là một nghịch lý, vì được đào tạo hàng chục năm về âm nhạc khó mà chấp nhận nghe, phân tích, thẩm định ca khúc thị trường?!

Nhạc sĩ lão thành Tô Hải chung quan điểm với Phú Quang khi cho rằng văn hóa âm nhạc trên các phương tiện thông tin đại chúng còn thấp. Theo quan điểm của 2 nhạc sĩ thì nhiều khi liveshow chẳng khác nào hội nghị khách hàng được truyền hình trực tiếp.

Tô Hải dẫn lời nhắn nhủ của cố nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát: “Cố gắng lên kẻo mất nước về âm nhạc đến nơi rồi đấy Hải ạ!”.

ĐH Nhạc sĩ VN khóa VII đã chọn được tân Chủ tịch là nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, hai Phó chủ tịch mới của Hội là An Thuyên và Tôn Thất Lập. Trọng trách Chủ tịch HĐNT được giao cho GS Trọng Bằng. Nhạc sĩ Trần Long ẩn nhận vai trò Trưởng ban Kiểm tra.

5 vị trí cao phiếu nhất trong BCH lần lượt là: Đỗ Hồng Quân (82,9%), Phó Đức Phương (73,3%), Tôn Thất Lập (71,1%), An Thuyên (67,8%). Các ủy viên còn lại: Trần Long ẩn, Linh Nga Niek Đam (dân tộc Ê-đê và thành viên nữ duy nhất), Trọng Bằng, Trọng Đài, Thế Bảo.

Trong tham luận của mình, Linh Nga Niek Đam hỏi: “Về các nhạc sĩ trẻ chúng ta nói như thế có hơi nặng lời không?” và chị kiến nghị: “Hệ thống Nhạc viện trong cả nước xem lại chương trình giảng dạy. Tỷ lệ âm nhạc VN, chưa nói đến âm nhạc của các dân tộc thiểu số, cung cấp cho sinh viên được bao nhiêu? Dẫn đến con cháu chúng ta toàn ngoại lai, đi nhái lại, có lỗi của chúng ta không?”.

Chị cũng đề nghị Hội và các chi hội tổ chức cho anh em đi thực tế âm nhạc vùng miền để tiếp thu thực tế âm nhạc dân gian VN. “Có vốn nhạc Việt trong người mới mong có tác phẩm lớn hòa nhập với khí nhạc thế giới!”.

Đại biểu Nguyễn Văn Hòe (Thanh Hóa) cũng đề nghị khai thác sưu tầm, dựng lại âm nhạc cung đình và dân gian qua các thời đại để các nhạc sĩ còn được biết để thực hiện đúng chủ trương “đậm đà bản sắc dân tộc.”

Trong thời gian tới, rất có thể quan hệ giữa Hội Nhạc sĩ với báo chí sẽ “nở hoa” vì tân Chủ tịch đã khẳng định: “Chúng tôi muốn gắn kết công tác nghiên cứu của Hội với đời sống âm nhạc hàng ngày...

Công tác lý luận phê bình sẽ cố gắng đưa được những ý kiến chính thống của mình lên các trang báo, các phương tiện thông tin đại chúng, để chúng ta cùng góp phần xây dựng một nền âm nhạc VN có truyền thống vẻ vang và rất phong phú lên một tầm cao mới”. 

Bên lề Đại hội:

>> Ban thư ký trình bày bản dự thảo nghị quyết ĐH, vừa hỏi ai có ý kiến gì không, GS Tô Ngọc Thanh lập tức giơ tay tôi có... và phăm phăm đi lên. Đứng trên bục chủ phát biểu, ông chỉ nói đúng một câu đề nghị nghị quyết thêm vào chi tiết Hội Nhạc sĩ LB Nga gửi thư chúc mừng. Chứng tỏ GS đã nghe nghị quyết rất kỹ.

>> Các thực khách đang chén nốt bữa tiệc kết thúc ĐH Hội Nhạc sĩ bỗng đâu dàn đồng ca nam vang lên. Tiết mục ngoài chương trình ĐH này lời như sau: Gặp nhau anh em chúng ta gặp nhau suốt ngày còn gặp nhau mãi. Chúng ta luôn luôn gặp nhau gặp nhau suốt ngày rồi lại gặp nhau, dựa trên nhạc bài Tạm biệt của Pháp.

Tiết mục bè bối đàng hoàng với những giọng nam hàng đầu của VN: Mạnh Hà, Quang Thọ, Dương Minh Đức, Quang Huy... Trong đó có một vị là ủy viên BCH Hội khóa mới: NSND Quang Thọ với suýt soát 60% số phiếu.

>> GS Nguyễn Lân Tuất, Chủ nhiệm Khoa Sáng tác, Nhạc viện Novosibirk, người châu Á duy nhất là Nghệ sĩ Công huân của Nga, xuất hiện nổi bật trong bộ đồ lớn màu trắng.

Với báo chí, ông không quên “tiếp thị” cho nền giáo dục âm nhạc Nga: “Không nên đánh giá quá cao chẳng hạn cái sự đi học ở Mỹ nọ kia các thứ. Người Mỹ chính sang Nga học. Bây giờ ở trường của chúng tôi rất nhiều người Nhật Bản và Hàn Quốc. Tôi muốn nhấn mạnh không có nước nào dạy nhạc tốt bằng nước Nga! Không nên nhìn sang châu Âu, châu Mỹ gì cả, nước Nga gần hơn!”.

Là con trưởng của nhà giáo Nguyễn Lân, ông trông trẻ hơn so với tuổi 72. Hiện ông đang viết bản giao hưởng thứ 5 và hy vọng năm tới sẽ được công diễn tác phẩm của mình tại Nhà hát Lớn HN. 

MỚI - NÓNG