Có ngày nhà cổ Hà Nội được bọc hổ phách?!

Tác giả Những hóa thạch sống nhận giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Ảnh: Đức Thịnh
Tác giả Những hóa thạch sống nhận giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Ảnh: Đức Thịnh
TP - Vương Văn Thạo đã “hóa thạch” (hay có thể nói là “hóa hổ phách”) khoảng 200 kiến trúc, vật thể và cả người (bán rong) liên quan đến Hà Nội. Với thành tích này, anh vừa được trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội ở hạng mục Tác phẩm.

> Vinh danh nhóm cứu chữa Rùa Hoàn Kiếm

Chàng họa sĩ gốc Hà Nội vẫn tiếp tục bảo tồn các công trình văn hóa lâu năm của quê mình theo cách riêng: Hổ phách hóa.

Tác giả Những hóa thạch sống nhận giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Ảnh: Đức Thịnh
Tác giả Những hóa thạch sống nhận giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Ảnh: Đức Thịnh.
 

Một số tác phẩm của anh không chỉ rạn mà còn xuất hiện các vết nứt. Nếu không khí đi vào bên trong, tuổi thọ tác phẩm có bị ảnh hưởng?

Hoàn toàn không ảnh hưởng. Các vết rạn nứt diễn đạt ý tưởng của tôi về sự phôi pha của thời gian. Về mặt thị giác, ánh sáng chiếu qua các khe nứt rất hiệu quả.

Anh tìm đến chất liệu composit như thế nào?

Từ 2004, tôi muốn tìm cách thể hiện để khi nhìn vào người ta có cảm giác vật thể đang được giữ gìn, bảo tồn. Từ suy nghĩ đấy tôi nghĩ đến sự hóa thạch trong tự nhiên và muốn tìm vật liệu mô phỏng hình thức đó. Tôi thử nghiệm với composit trong 2 năm, dần dần thành công.

Được biết anh còn muốn “hóa thạch” cả nhà thật?

Tôi muốn chọn mỗi phố cổ một căn nhà có kiến trúc gần như nguyên vẹn, sau đó dùng composit đổ toàn bộ. Những ngôi nhà thật sau khi được đổ đó sẽ tạo thành tác phẩm điêu khắc ngoài trời. Coi như toàn bộ 36 phố cổ trở thành một bảo tàng ngoài trời.

Sau khi hóa thạch, nhà đó không dùng được nữa?

Đúng thế. Nó đã là tác phẩm nghệ thuật rồi. Tôi nghĩ có cái hay là tác phẩm đó trở thành biểu tượng cho thành phố mình.

Vậy quá trình thực hiện ý tưởng này của anh đến đâu rồi?

Tôi đã đề cập rất nhiều rồi nhưng cảm giác rất khó thực hiện. Vì bây giờ một cái nhà trong phố cổ giá hàng chục tỷ đồng thì ai cho mình tự nhiên biến nó thành tác phẩm nghệ thuật được, nếu như không được sự can thiệp của chính quyền. Chính vì vậy tôi đã chuyển ý tưởng đấy sang mô hình thôi.

Có ai đề nghị anh làm hóa thạch nhà cửa hay đồ vật quý giá của họ?

Cũng có. Chẳng hạn họ muốn biến mô hình ngôi nhà của họ thành tác phẩm để trong nhà. Thực ra mới có một người bạn đề nghị thế, chứ nhiều người thấy đẹp thì cũng thích nhưng chỉ trong một khoảnh khắc nào đó thôi. Nhưng để đầu tư một khoản tiền để sở hữu tác phẩm thì cũng rất ít.

Mọi người hình dung khi tác nghiệp, anh sẽ phải bịt mặt bằng mặt nạ phòng độc?

Vâng. Vì trong quá trình làm có xử lý hóa chất nên tôi đeo cho đảm bảo sức khỏe. Thực ra cũng không độc hại đến mức phải dùng mặt nạ hóa học, chất liệu composit được dùng để làm răng kia mà. Về độ độc hại, sử dụng composit cũng xêm xêm như sơn dầu, có điều mình bịt mặt tránh mùi cho đỡ đau đầu.

Cách làm “hóa thạch sống” của Vương Văn Thạo: Sau khi đi khảo sát, chụp ảnh, các ngôi nhà, cổng làng, cột điện, bốt Hàng Đậu, Khuê Văn Các hay tháp Rùa… sẽ được đắp mô hình bằng đất, tạo khuôn, đổ silicon, tô màu cho giống nguyên mẫu, rồi trùm composit trong suốt với các sắc độ đỏ hoặc vàng lên.

Những vết nứt rạn cũng được tạo ra với mục đích thẩm mỹ. Bộ tác phẩm 36 nhà cổ hóa thạch của Vương Văn Thạo thuộc quyền sở hữu của bảo tàng Mỹ thuật Singapore. Năm 2009, hóa thạch cầu Long Biên nhận giải Mỹ thuật Toàn quốc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG