Có phải chỉ là cái xấu của người quê tôi?

Có phải chỉ là cái xấu của người quê tôi?
TPCN Trong cuốn từ điển tiếng Việt xuất bản năm 1997 của Trung tâm từ điển học, định nghĩa từ rỗi hơi như sau : Có thời gian và sức lực để làm việc coi là vô ích, là không có quan hệ gì đến mình.

Cáo lỗi

Báo TPCN số 43 (240) ngày 22/10/2006 có sử dụng ảnh minh họa cho bài báo “Có phải chỉ là cái xấu của người quê tôi?”. ảnh được lấy tại website photo.vn của tác giả có bút danh là “macli”.

Chúng tôi nhận được phản hồi cho biết đây là tác phẩm của tác giả Lê Hữu Thọ và do không có điều kiện liên hệ với tác giả nên đã chưa hỏi ý kiến tác giả trước khi đăng. Thành thật cáo lỗi cùng tác giả Lê Hữu Thọ và bạn đọc. 

Tôi có anh bạn, là đồng đội của tôi những năm chiến tranh. Về phục viên, anh mở cửa hàng sửa chữa xe đạp ngay tại nhà. Được cái tính tình sởi lởi, vui vẻ, nên đông khách.

Anh nghiện nặng ba thứ: Trà, thuốc lá và rượu. Khách đến, trong lúc chờ chữa xem là được uống và hút thoải mái, khách thân còn được anh mời rượu và nghe anh nói đủ loại chuyện, dĩ nhiên cũng toàn là chuyện anh “photocopy” cả.

Một lần đến thăm, tôi đem chữ “rỗi hơi” ra hỏi anh, cốt để anh định nghĩa hộ. Anh cười nham nhở: Ông có học hơn tôi lại bắt thằng thất học định nghĩa thì cũng chẳng đúng chỗ chút nào.

Thế cũng là rỗi hơi đấy. Theo tôi, rỗi hơi là mang chuyện người ta ra để mà bàn luận, để mà đàm tiếu, để mà chê bai. Còn anh bạn tôi gọi đó là “buôn chuyện”, tức là ngồi lê mách lẻo. Đâm bị thóc, chọc bị gạo…

Vậy thì “rỗi hơi” bắt đầu từ đâu nhỉ? Có lẽ nó bắt đầu từ “nhàn cư vi bất thiện” chăng? Có lẽ thế! Người quê tôi vốn là dân quần cư từ mấy trăm năm nay, rất ít người ở nơi khác đến. Cho nên cả thị xã ai cũng biết nhau.

Cứ hỏi nó là con cái nhà ai, ở phố nào, có gần nhà ông A, bà B không là lần mò ra được hết. Vậy thì ở cái thị xã tẻo teo này, chưa đi đã hết đường, hết phố có cái gì mà không biết. Rỗi hơi, là bệnh của dân quần cư, bệnh của dân tỉnh lẻ.

Chỉ cần hai anh ngồi với nhau là sẵn sàng làm thịt một anh thứ ba vắng mặt. Có một nỗi khổ là đến thăm ai (dĩ nhiên là người khác giới) sẽ có con mắt tinh tường của “người hàng xóm” nhòm vào. Đến chơi nhiều lần, dứt khoát là “có vấn đề”, “tình ngay, lý gian” mà.

Đi dọc các đường phố ở quê tôi, người rỗi hơi nhiều lắm. Nhất là vào những ngày trời đổ đốn, nhiệt độ lên cao, không chịu được, người ta lại mang ghế ra cửa hóng mát. Thật vô phúc có người quen đi qua là đủ mọi thứ chuyện. Họ suy diễn, nói xấu có, nói tốt có.

Nhưng nói xấu thì nhiều hơn. Dĩ nhiên cái người bình phẩm kia nào đã hơn gì. Nhưng họ có quyền nói. Nói cho sướng tai, sướng miệng, rồi thì họ cũng quên đi. Khi nào “ngứa mồm”… lại nói.

… Rỗi hơi sinh ra đủ mọi thứ chuyện. Từ chỗ câu chuyện làm qua, hóng hớt đến chỗ gây mất đoàn kết chẳng tày một gang. Thậm chí “buôn chuyện” như anh bạn tôi thường nói có khi còn làm tan cửa, nát nhà ấy chứ.

Nhưng ở quê tôi, cái thị xã cỏn con này thì có chuyện gì khác để nói, toàn bắc chõ nghe hơi cả, có ít xít ra nhiều, lắm lúc trở thành cãi vã, ẩu đả. Dân quần cư nó thế. Buôn bán cũng là vặt lẫn nhau cả thôi. Quý vị đến chợ N sẽ rõ.

Những lúc hàng họ ế ẩm, ngồi nhìn nhau là chính… đó là lúc họ rỗi hơi. Ai mà vào là được họ bình phẩm ngay. Có lẽ nên trừ các mẹ già, còn đâu họ cho vào “rọ” hết. Đôi khi tranh giành khách, ngứa mồm là họ chửi nhau như “vặt thịt”. Văn chương, chữ nghĩa từ đây mà ra cả, đến là hãi.

Dĩ nhiên đây cũng chỉ là số ít, “con sâu bỏ rầu nồi canh”, biết làm sao được. Cũng chỉ tại rỗi hơi mà thôi. Tôi trộm nghĩ, nếu có ông nhà văn, nhà báo nào mà tới đây sẽ “nhặt” được khối câu dân dã, hay phải biết.

Căn bệnh đố kỵ, hẹp hòi và ích kỷ

Đây là căn bệnh thường gặp ở những người đương chức, đương quyền. Cũng theo Từ điển tiếng Việt thì: Đố kỵ là cảm thấy khó chịu và đâm ra ghét khi người ta có thể hơn mình. Hẹp hòi là không rộng rãi trong cách nhìn, cách đối xử, chỉ biết có mình hoặc bộ phận của mình. Còn ích kỷ là chỉ biết lợi riêng  cho mình mà không biết đến người khác.

Bệnh này không chỉ riêng có ở đất quê tôi mà có ở nhiều nơi. Nhưng ở quê tôi thì rất nặng, như thể bệnh đã ở giai đoạn cuối, rất khó chữa. Nhất là vào dịp đại hội, hoặc bầu cử.

Chẳng nói thì chư vị cũng biết. Cũng chỉ vì tranh giành ngôi vị cả thôi. Khổ thế, người làm được thì ít, người được làm thì nhiều. Những người không được làm và không làm được thì hậm hực, ghen ăn tức ở sinh ra đố kỵ, đặt điều, vu khống.

Sống trong một tổ chức thì dễ có căn bệnh này. Gặp thời tiết thuận lợi là nó nảy nở, sinh sôi. Người lãnh đạo có biết không? Có! Nhưng họ vẫn ngấm ngầm, kéo bè, kéo cánh, thầm thầm, thì thì như buôn bạc giả.

Cái kiểu bằng mặt nhưng không bằng lòng, nói xấu sau lưng thường xuyên diễn ra. Có những người làm tốt, đầy đủ phẩm chất năng lực vẫn bị kẻ xấu chọc ngoáy, vì chỉ sợ họ hơn mình.

Nguyên nhân của bệnh đố kỵ, hẹp hòi và ích kỷ thì nhiều. Trong đó có nguyên nhân là không chịu học hỏi, nâng cao nhận thức, nhân cách và lòng tự trọng, không nghĩ đến việc chung lớn lao hơn.

Nhưng nguyên nhân sâu xa là do xuất phát điểm của chúng ta là một nước nông nghiệp lạc hậu. Một đất nước có tới 80% là nông dân thì tính tư hữu, bảo thủ trì trệ còn nặng nề lắm. Hơn nữa chúng ta chưa thoát khỏi nghèo đói. Con người cứ quẩn quanh với cái ăn, cái mặc… thì lớn làm sao được. Cứ sống chen chúc thì lấy đâu ra sự trong sạch.

Gien văn hóa làng xã có những điều tốt, nhưng cũng có những cái làm chúng ta điêu đứng, khốn khổ. Nạn đó đã làm cho chúng ta khổ ít nhất là mấy chục năm rồi. Cái nạn một ông nông dân lên làm lý trưởng là có đủ mọi quyền uy, mắc bệnh cái gì cũng biết và không biết mình là ai cả.

Quan cai trị dân, gặp quan tốt thì dân đỏ, gặp quan tham, ô lại thì dân khổ đó là lẽ đương nhiên… Một đất nước vừa có nhân trị lại vừa có pháp trị, “phép vua thua lệ làng”, “trên bảo dưới không nghe” thì làm sao mà nghiêm minh được.

Vì thế mới sinh ra bệnh quan liêu, tham nhũng, bè phái… để rồi lại sinh ra lớp người “say mê quyền lực” chạy cấp, chạy chức và một lớp người xu thời, nịnh bợ, ngậm miệng ăn tiền, “gió chiều nào che chiều ấy”, tránh né, và rất ngại va chạm.

Căn bệnh quan liêu, nịnh hót, đố kỵ, hẹp hòi, ích kỷ là thứ bệnh cộng sinh, tồn tại không biết đến bao giờ, nó chính là tín đồ của chủ nghĩa nhân trị. Người quê tôi mắc các chứng bệnh với những nguyên nhân kể trên âu cũng là chuyện đương nhiên. Chỉ phiền một nỗi nó thành mãn tính, hoặc đã chuyển sang giai đoạn cuối… rất khó chữa!

Nhưng tôi tin, ở quê tôi với hai căn bệnh kể trên đó chính là hai căn bệnh trầm kha nhất. Chỉ mong sao mỗi người có cái tâm thật trong sáng, tự hoàn thiện mình, bớt đi những cái xấu thì dân quê tôi mới thực sự sáng đẹp trong mắt mọi người và trong Mắt người quê tôi!

MỚI - NÓNG