Cổ phần hóa hãng phim nhà nước: Sao lại sợ?

Cổ phần hóa hãng phim nhà nước: Sao lại sợ?
Hôm nay bắt đầu Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Điện ảnh VN lần thứ 6. Câu chuyện cổ phần hóa các hãng phim truyện thuộc Nhà nước được người trong nghề quan tâm.

PV 

Cổ phần hóa hãng phim nhà nước: Sao lại sợ? ảnh 1
Cảnh làm phim “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” (Hãng phim truyện I sản xuất)

Tiền Phong đã trao đổi với đạo diễn Tất Bình - GĐ Hãng phim truyện I.

Là 1 trong 3 Hãng phim truyện thuộc doanh nghiệp Nhà nước, chuyện cổ phần hóa Hãng phim truyện I là không tránh khỏi. Hãng anh có gặp khó khăn gì để xin trì hoãn quá trình này không?

Từ trước đến nay, Hãng phim truyện I chưa bao giờ “xin trì hoãn” việc cổ phần hoá. Đây là một  chủ trương hết sức đúng đắn nhằm đổi mới nền kinh tế của đất nước, vậy thì vì sao các doanh nghiệp Nhà nước lại hoảng sợ?

Chúng tôi sẵn sàng thực hiện chủ trương này, nếu các cấp có thẩm quyền xem xét và thấy đơn vị chúng tôi đã hội đủ các điều kiện để có thể tiến hành cổ phần hoá theo luật định. Vấn đề ở đây là lộ trình cổ phần hoá sẽ được diễn ra như thế nào để vừa biến một chủ trương lớn của Nhà nước thành hiện thực, vừa không xáo trộn hoạt động của đơn vị.

Đang “ở nhờ” nhà của Cục Điện ảnh, nếu chuyển thành Cty cổ phần liệu các anh có hy vọng “được ở nhà riêng”?

Hy vọng việc cổ phần hoá sẽ đem lại cho đơn vị nhiều lợi ích to lớn hơn trong quá trình kinh doanh sản xuất, không chỉ là  việc “được ở nhà riêng”. Vả chăng, dù có đang “ở nhờ” thì căn nhà đó cũng là của Nhà nước, nghĩa là của tất cả chúng ta. Vậy thì có gì không công bằng  đâu?

Anh dự đoán cán bộ công nhân viên có mua cổ phần của Hãng mình không? Anh sẽ mua nhiều cổ phần chứ?

-Với những ai đã hiểu thấu đáo việc này, tôi tin họ sẽ mua cổ phần. Với những ai chưa thực sự thấu hiểu và yên tâm, chúng tôi có trách nhiệm giải thích, động viên. Cá nhân tôi đương nhiên mua đủ số cổ phiếu được phép.

Xét về nhân lực ở Hãng, theo anh có cần tinh giảm biên chế hay thực chất vẫn thiếu người?

Dù cổ phần hay không, việc tinh giảm biên chế và tăng cường nguồn nhân lực (bằng nhiều cách: đào tạo mới, tái đào tạo, sắp xếp lại bộ máy...) vẫn là 2 việc phải song song tiến hành ở bất kỳ doanh nghiệp nào muốn làm ăn hiệu quả. Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, trong hoàn cảnh chúng ta hiện nay, ở bất kỳ lĩnh vực nào, người giỏi vẫn luôn luôn thiếu.

Ở giải thưởng Cánh diều Vàng năm qua, Hãng anh không có phim dự thi, nhưng năm tới chắc sẽ có nhiều hơn, ví dụ Cầu ông tượng (đạo diễn Phi Tiến Sơn), Tiếng đàn môi sau bờ rào đá (đạo diễn Quang Hải), Đất lành (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên)… Liệu đã có kế hoạch quảng cáo, tuyên truyền cho những bộ phim sắp hoàn thiện này chưa, để giúp chúng tiếp cận khán giả tốt hơn?

Tất cả những việc đó, hiện chúng tôi đang làm trên cơ sở “liệu cơm gắp mắm”.

Cũng lâu rồi kể từ "Cái tát sau cánh gà" không thấy anh làm phim, vì không có kịch bản ưng ý hay bận quản lý?

Cả hai! Vừa vì chưa tìm được kịch bản hợp tạng (chứ không phải là “chưa ưng ý”. Những kịch bản của Hãng tôi hiện các đồng nghiệp đang làm, tôi đều rất ưng ý đấy!), vừa vì bận quá.

Một Hãng phim nho nhỏ như chúng tôi đây mà một năm tôi phải tham gia điều hành 5 bộ phim nhựa và hàng chục tập phim video nữa thì quả thật khó lòng nghĩ đến chuyện vứt hết đấy để đi làm “đạo diễn”. Thôi thì đành làm  người  phục vụ tốt vậy.

Xin cảm ơn anh.

MỚI - NÓNG