Cổ tích

Cổ tích
TP - Tôi có người bạn vong niên, có lần anh kể về những ngày thiếu sinh quân ở khu học xá Nam Ninh bên Trung Quốc.

Mỗi lần ra đường thấy người ăn xin, đám thiếu sinh quân thường móc tiền lẻ ra cho. Người phụ trách biết thế bảo: Nhà nước cho đi học, chỗ tiền lẻ tiêu vặt giữ lấy mà dùng. Có cho họ cũng chẳng thoát nghèo, đó là việc lớn mà chỉ nhà nước bằng các chính sách mới giải quyết nổi. Nghe anh nói cũng thấy có lý.

Từ ngày nghỉ hưu, tôi hay trở lại miền núi, đến những nơi hồi xưa vẫn đi qua. Bây giờ có thời gian, hay ghé vào bản chơi, thấy nhiều cảnh nghèo. Những lần trở lại tôi thường chọn những quần áo cũ của con còn lành lặn giặt sạch rồi bó thành từng bó nhỏ cùng với chút kẹo bánh. Được chia kẹo cho áo chúng vui lắm. Trẻ con ở đâu cũng thế.

Rồi những bài viết của tôi cùng các tấm ảnh làm nhiều blogger bạn bè quan tâm vì nó động đến lòng trắc ẩn của mọi người. Có người hỏi địa chỉ, nhờ chuyển chút quà vì không có điều kiện đi. Tôi thấy khó, vì mình đi có lịch trình đâu, thường là tùy hứng. Và khó nhất là dính tiền nong. Đành rằng người ta tin mình, nhưng ai kiểm chứng cho mình đã làm đúng mong mỏi của họ. Đã bao chuyện bớt xén đồ cứu trợ của các tổ chức đoàn thể đáng tin cậy hẳn hoi. Nên khi bạn gửi tiền, tôi thường giải thích như người quản lí đám thiếu sinh quân kể trên. Bạn thở dài.

2. Chuyến đi vừa rồi dùng chân tại Mộc Châu, có người gọi: Anh ơi, xuống xem người ta làm giấy. Là họa sĩ chuyên vẽ giấy nên tôi lao xuống liền.

Căn nhà của ba bà cháu người Mông nằm cô đơn bên bờ thung cách khu quán xá nhà hàng chừng dăm trăm mét. Thấy có người lạ, bà già ngước mắt nhìn lơ đãng. Hai đứa cháu lúi húi ăn cơm với khoai nấu muối. Bà và các cháu làm giấy thủ công để bán kiếm sống. Tôi rút túi biếu bà năm chục ngàn, bà lẩm bẩm câu tiếng Mông “mày tốt quá”, cười móm mém (bà không biết tiếng Kinh). Hai tay đỡ tờ năm mươi ngàn rồi mân mê, như có cả cây vàng trên tay. Ba bà cháu ở vùng được coi là du lịch giàu có nhưng gần như độc lập với đời sống bên ngoài.

3.Dọc đường về, trong đầu cứ vương vấn hình ảnh ba bà cháu với chảo khoai muối. Tôi tâm sự trên blog:

“Vài tuần nữa quay lại Mộc Châu sẽ đến biếu bà cháu họ một triệu để ăn tết. Hôm qua tiền không còn cứ áy náy mãi. Món tiền định biếu bà ấy lần tới là của một blogger bạn ở nước ngoài gửi cho tôi, nhờ tìm một địa chỉ đáng giúp đỡ thì nay đã tìm ra rồi...”.

Có một cái còm giống như lời ông bạn năm xưa: “Ngẫm ra cho dù mình có cho các em ít tiền cũng chỉ là giải quyết cái tạm thời. Cánh én chẳng làm nên mùa xuân”.

Vì câu đó mà lòng tôi chợt thức. Tôi nghĩ để cho người khác có vài giây sung sướng thì nên làm. Đời người sướng khổ đan xen. Tôi chợt nhận ra rằng: dù ít, nhưng để bà cháu họ một lần được sống trong cổ tích chứ. Họ khổ quá nên chút nhỏ niềm vui là vô cùng quí giá. Bà già chẳng hạn, chẳng sống được bao lâu nhưng nhận ra sự chia sẻ của những người không quen biết, sẽ thấy đời không quá tệ. Các cháu nhỏ có thể khắc ghi hình ảnh đó, lớn lên sẽ giữ được lòng nhân ái từ những món quà mọn. Đó là cuộc đời và cổ tích. Có lẽ những câu chuyện cổ tích về ông bà tiên hiện lên giúp đỡ người nghèo cũng xuất phát từ sự chia sẻ nho nhỏ tự ngàn xưa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".