Còi to cho vượt

Còi to cho vượt
TP - Người Việt hiện tại rất hóm hỉnh khi tự trào phúng “còi to cho vượt”. Một chiếc xe muốn vượt lên, nó phải có tốc độ lớn hơn chiếc xe phía trước, vả lại, xe tải cồng kềnh, có còi rất to, nhưng tốc độ chậm làm sao mà vượt.

Nhưng ứng dụng vào trong cuộc sống thì thấy ai mồm to, dù chẳng có lý lẽ thì được “vượt lên”. Vì thế nhiều người mới đua nhau luyện giọng “mồm miệng đỡ chân tay”.

Về điểm này, có nhiều chuyện rất buồn cười. Không ít nhà thơ, nhà văn đi công tác các tỉnh lẻ, về khoe rằng, ta đã trổ tài nói chuyện thời sự, khiến khán thính giả há mồm thán phục.

Thật lạ! Anh là nhà thơ, nhà văn, địa phương mời anh về nói chuyện như là tác giả nói về công việc của mình, sao anh không nói, lại nói chuyện thời sự châu Á, châu Âu? Vì lẽ, họ biết rằng, nói chuyện về vài tập thơ mỏng, hay cuốn sách nặng cảm tính của mình thì chẳng có gì để nói – để nghe – và để biểu hiện.

Người Trung Hoa có câu “cường từ đoạt lý”. Nghĩa là người ta sẽ dùng cường độ dày, cao độ to để lấy lời nuốt lý. Người có lý thì không cần to tiếng, mà chỉ cần nhỏ nhẹ bình thản trình bày, thì lý vẫn cứ tồn tại. Đằng này biết là mình không có lý, nên người ta dùng ngôn ngữ to, mạnh và dầy, cướp lời để đoạt lý của người khác.

Khi người ta chỉ tìm cách dùng lời cưỡng lý, thì chỉ có ẩu đả mà không có giao chiến về lý luận - tức là tranh luận. Ở đời nhiều thứ “Giao” rất hợp chức năng, rất tự nhiên và lành mạnh.

Thí dụ như “giao thông”, là mọi người đều muốn di chuyển, đi lại, nhưng đến nơi ngã ba và ngã tư đụng đầu dễ gây ách tắc, thì người ta sẽ tìm cách nhường nhịn lối “đèn xanh - đèn đỏ”, anh trước, tôi sau di chuyển; hay lối cầu vượt đường phía anh bắc qua đường phía tôi.

Trong những vấn đề của cuộc sống cũng vậy, nhiều khi những ý tưởng, những ngôn ngữ giao nhau lành mạnh trong tranh luận, để tìm cách vượt qua. Nhưng, như người ta thực hiện đi vào nút giao thông, rồi lại đi ra, mình được đi cũng không cản trở việc đi của người khác, đó là lành mạnh.

Trái lại, nếu ta chỉ ẩu đả hỗn loạn, rồi giở võ “cả vú lấp miệng em”,  cường lời cưỡng lý, thì không còn là tranh luận văn minh nữa.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.