Coi uy tín cơ quan nhà nước như 'của chùa'

Coi uy tín cơ quan nhà nước như 'của chùa'
TP - “Của chùa” là của cải ở chùa, bá tánh có thể ăn (như vật phẩm sau cúng tế), có thể sử dụng (hương để đốt, chổi để quét, nước để rửa) mà không mất tiền. Nhưng không có nghĩa “của chùa” là vô chủ. Bởi chùa có sư sãi và tăng ni phật tử.

Thời bao cấp, của công, của nhà nước từ chỗ “hạt cát cũng là vàng” chẳng biết từ khi nào đã dẫn đến “cha chung không ai khóc”. Dần dần của công được ví von là “của chùa” theo nghĩa vô chủ, ai lấy được thứ gì cứ lấy.

Tư duy kỳ quặc này tồn tại dai dẳng đến bây giờ gây thiệt hại vật chất to lớn, có thể dẫn chứng bằng những vụ tham ô, lãng phí. Nó còn phát triển, gây ra những thiệt hại to lớn khác. Đáng chú ý là hiện tượng không coi trọng việc giữ gìn uy tín của cơ quan nhà nước.

Một thành phố nọ có con đường chạy giữa trung tâm. Hai bên đường có nhiều cơ quan nhà nước và nhà dân. Các cơ quan nhà nước tự chọn lấy “số đẹp” nên thứ tự lớn bé, chẵn lẻ vô cùng lộn xộn.

Trụ sở nọ số 333A, tòa soạn báo kia số 333B, Nhà thiếu nhi số 333, Phòng này số 444,v.v... Như thế, “số xấu” để cho dân? Uy tín của những cơ quan nhà nước có “số đẹp” ấy khó mà không bị giảm sút trong mắt dân.

Ở tỉnh kia, lãnh đạo Sở GD-ĐT chủ trương nâng điểm thi tốt nghiệp cho con cháu của cán bộ có chức quyền. Nhiều vị tai to mặt lớn từ cơ quan chính quyền đến cơ quan dân cử, từ cơ quan Đảng đến đoàn thể, từ tỉnh xuống đến xã đã “xin” được điểm cho con cháu.

Vụ việc đến mức bị khởi tố án hình sự. Rõ ràng những cán bộ khi “xin điểm” đã quên việc giữ uy tín cho bản thân và cơ quan nhà nước mà các vị đang lãnh đạo, nên uy tín đã bị sứt mẻ nghiêm trọng.

Viện KSND một thành phố nọ truy tố oan sai một chủ doanh nghiệp gần 10 năm. Khi tòa phúc thẩm tuyên chủ doanh nghiệp vô tội, đến nay gần một năm, Viện này chưa tổ chức xin lỗi và bồi thường theo quy định của pháp luật.

Phải chăng pháp luật cũng như uy tín của cơ quan công tố là “của chùa” nên Viện KSND thành phố này muốn “xài” thế nào tùy thích?

Phát hiện một loại thực phẩm chứa độc tố nhưng các công chức ở cơ quan có trách nhiệm lo cho sức khỏe của dân không có bất cứ động thái nào để kịp thời ngăn chặn thì không thể nói những công chức ấy đã coi trọng uy tín của cơ quan họ đang làm việc. 

Còn có thể kể nhiều ví dụ tương tự. Các cơ quan nhà nước phải chăng không cần tạo thương hiệu nên đang thiếu quan tâm giữ gìn uy tín? Không ít công chức còn coi uy tín của cơ quan nhà nước là “của chùa” để trục lợi. 

Coi uy tín của cơ quan nhà nước là “của chùa” thì khó nói đến “văn hóa công chức”, và do đó đôi lúc công luận đặt vấn đề từ chức khi công chức chưa làm tròn bổn phận có vẻ xa xỉ.

MỚI - NÓNG