Còn đâu chợ tình Sa Pa ngày ấy ?

Còn đâu chợ tình Sa Pa ngày ấy ?
Những chàng trai, cô gái đến từ các bản làng với những trang phục không còn mang nguyên vẹn những giá trị truyền thống, cùng những hành động thể hiện "mục đích" đến "giao duyên" càng làm cho cảnh "chợ tình" thêm buồn...

>> Chợ tình Sapa: “Chợ” đậm thêm, “tình” nhạt bớt

Còn đâu chợ tình Sa Pa ngày ấy ? ảnh 1
Các chàng trai Mông trước lúc biểu diễn. Ảnh : TP

Ai có dịp lên Sa Pa (Lào Cai) cũng đều muốn một lần được hoà mình vào không gian muôn màu của đêm "chợ tình"- một tập quán độc đáo của đời sống văn hoá nơi đây. Theo thường lệ, cứ đến tối thứ 7 hàng tuần, Sa Pa lại đông vui, nhộn nhịp. Càng về đêm, Sa Pa lại lạnh hơn; nhưng không làm cho du khách thập phương giảm đi sự háo hức trong chờ đợi để được một lần đến với "chợ tình".

Kể từ lúc mặt trời khuất núi, trước sân nhà thờ trung tâm thị trấn Sa Pa mỗi lúc một đông người. Từng đôi gái trai Mông, Dao, Giáy... từ các bản làng xa xôi "đến hẹn lại lên".

Song, điều đầu tiên người ta có thể dễ dàng nhận thấy là các chàng trai, cô gái dân tộc thiểu số đến chợ giao duyên, trao đổi hàng hoá thì ít mà khách thập phương tham quan, xem "chợ tình" thì lại đông gấp nhiều lần.

Mặc dù biết trước đến xem "chợ tình" vào mùa này không thật đông những "liền anh, liền chị", nhưng cái cảnh chỉ có hơn chục chàng trai, cô gái là người Mông bị quây quanh bởi hàng trăm du khách lại là điều nằm ngoài sự mong đợi của nhiều người.

Việc một lượng lớn khách du lịch đi chơi "chợ tình" vây quanh các đôi trai, gái người bản xứ, làm mất đi vẻ nguyên sơ, tự nhiên vốn có của nó. Hơn thế, có những khách xem còn ngẫu hứng, tò mò, thích bắt chước cũng tham gia vào việc "giao duyên", mượn cây khèn tập thổi và múa cùng những đôi gái trai vùng sơn cước với những lời bình và điệu múa "tự chế", khiến khung cảnh càng thêm náo nhiệt.

Trước cảnh tượng đó, người xuề xoà thì coi như là một sự "giao lưu", nhưng những người có văn hoá, lịch thiệp thì lại cho đó là sự lạm dụng, thậm chí xúc phạm, làm mất đi vẻ đẹp thuần khiết, tự nhiên vốn có của "chợ tình".

Cậu bé Giàng Seo Hồ, 16 tuổi, người Mông, đến từ thôn Xéo Mí Tỷ trong trang phục áo sơ-mi, có khoác bên ngoài chiếc áo truyền thống đã tâm sự về lý do đến "chợ tình": Gia đình em có bố mẹ và 4 anh em, nhà nghèo nên em đi "chợ tình" mong kiếm thêm một chút để đỡ đần bố mẹ. Kể ra mỗi tối cũng được 50-70 ngàn đồng.

Sau mỗi điệu múa vội vàng, cậu cùng các bạn lại đi vòng quanh ngửa mũ xin tiền khách. Và cứ như vậy, cảnh "múa, xin tiền" của cậu cùng bạn bè cứ lặp đi, lặp lại đến nửa đêm, khi du khách không còn "hứng" và các chàng trai, cô gái đã có một chút thảnh thơi bên nhau tâm sự.

Sa Pa vốn từ lâu đã là một địa chỉ du lịch nổi tiếng trong nước và quốc tế, là vùng đất Tây Bắc Tổ quốc, dựa sườn Đông dãy Hoàng Liên hùng vĩ, nơi có nền văn hoá, lịch sử lâu đời và điểm hội tụ của 6 dân tộc anh em: Mông, Dao, Kinh, Tày, Dáy, Xa Phó có nhiều nét truyền thống văn hoá đậm đà bản sắc, phong phú về nội dung, độc đáo về phong cách thể hiện, trong đó có "chợ tình".

Nhưng, trước sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường, còn đâu những đêm "chợ tình" Sa Pa ngày ấy mà nó đang đứng trước những nguy cơ mất đi nét bản sắc vốn có của mình.

Mong rằng các cấp chính quyền và ngành văn hoá tỉnh Lào Cai quan tâm hơn trong công tác quản lý, tuyên truyền, vận động người dân đưa sinh hoạt văn hoá này vào nền nếp, trật tự phù hợp với sự phát triển chung của xã hội, nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng.

Theo Hoàng Ngọc
TTXVN

MỚI - NÓNG