'Con đường xưa' hay 'con đường đau khổ'?

Nhạc sỹ Châu Kỳ (phải) và danh ca Chế Linh.
Nhạc sỹ Châu Kỳ (phải) và danh ca Chế Linh.
TP - “Con đường xưa em đi” và 4 ca khúc lưu hành trước 1975: “Cánh thiệp đầu xuân”, “Rừng xưa”, “Chuyện buồn ngày xuân”, “Đừng gọi anh bằng chú”  vẫn chưa hết rắc rối. Theo cơ quan quản lý, những bản nhạc mang tên những ca khúc này nhưng bị sửa lời, sẽ bị cấm lưu hành vĩnh viễn. Trong khi, các bản gốc cái thì có thể xác định, cái rất khó.

Lại chuyện dị bản

Qua câu chuyện cấm lưu hành vĩnh viễn dị bản trong mấy ca khúc kể trên  đã khiến người ta liên tưởng sang mảnh đất văn học, vì phần lời ca khúc thực chất cũng có tính thơ. Không nói đến dị bản trong văn học dân gian, vốn cực kỳ phong phú, bởi nó có  đặc tính truyền miệng.

Ngay đến kiệt tác “Truyện Kiều”, trong số hàng trăm bản truyện Kiều cổ được tìm thấy, có quá nhiều dị bản khác nhau, sử dụng những từ khác nhau, gây tranh cãi. Nhưng không vì thế mà Truyện Kiều bị cấm. Càng tranh luận, truyện Kiều càng chứng tỏ sức sống và sức hấp dẫn mãnh liệt. Ngay cả những tác phẩm lớn như “Nam quốc sơn hà” tương truyền của Lý Thường Kiệt đến nay đã xác định là “không rõ tác giả”. Hay một số thi phẩm của Hồ Xuân Hương liệu có chính xác của bà hay của ai đó, cũng vẫn là băn khoăn của giới làm nghiên cứu văn học.

Một số nhà nghiên cứu nhận định: Việc tìm về bản gốc của các tác phẩm văn chương lớn vẫn tiếp tục nhưng không có lí do gì buộc độc giả phải tạm thời ngừng thưởng thức những “món ăn tinh thần” ưa thích của họ. Truyện Kiều của Nguyễn Du, dựa theo tiểu thuyết “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân là một ví dụ. Nếu “Kim Vân Kiều truyện” có chỗ đứng nhạt nhòa trong văn học Trung Quốc thì truyện Kiều lại là biến hóa tài tình của Nguyễn Du, là viên ngọc quí trong kho tàng văn học Việt.

Trở lại câu chuyện phần lời của bài hát “Con đường xưa em đi”, bà Kha Thị Đàng, vợ cố nhạc sỹ Châu Kỳ công nhận: “Con đường xưa em đi” từng có ý tưởng sửa lời, ở hai cụm từ nhạy cảm “Chiến trường anh bước đi” và “Nơi đây phiên gác canh dài”. Nhưng chỉ dừng lại ở ý tưởng, nhạc sĩ chưa sửa vào bản gốc, nên bản gốc được bà Kha Thị Đàng khẳng định vẫn là bản đã quen thuộc với khán giả, có “chiến trường”, có “phiên gác”. Song nếu cố nhạc sỹ Châu Kỳ có sửa lời trên văn bản chính thức, thì sao? Thông lệ quốc tế cho rằng, tác giả hợp pháp của tác phẩm có quyền sửa lời. Trao đổi về chuyện sửa lời, ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cũng đồng ý: “Người nghệ sỹ có quyền sửa lời”.

Chính ông Vương Duy Biên cũng băn khoăn trước vấn đề “bản gốc”: “Bản thân gia đình đăng ký bản quyền ở trung tâm tác quyền âm nhạc, bản đó chắc là bản gốc?”.  Một số độc giả thắc mắc: “Đòi hỏi gia đình trình bản gốc, vậy nếu chưa có bản gốc, dựa vào đâu cơ quan quản lý lại biết có dị bản?”.

Trả lời báo chí, người có trách nhiệm của Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã tiết lộ bản gốc của “Con đường xưa em đi” do chính nhạc sỹ Châu Kỳ cung cấp tại hợp đồng ủy quyền cho Trung tâm trong việc khai thác quyền tác giả âm nhạc. Bản gốc được tiết lộ thực ra cũng chẳng khác gì so với bài hát “Con đường xưa em đi” trong ký ức của nhiều người Việt. Cũng vẫn là: “Hỏi đường xưa mà nhớ/Con đường xưa em đi/ Thời gian có quên gì/Đá mòn kia vẫn ghi”… Có chăng câu kết: “Quán bên đường vắng tênh/ Chỉ còn em với anh”, người nào ít câu nệ chữ nghĩa thì hát “vắng tanh” cho điệp với “anh” ở câu dưới. Ngay cả khi còn sống cũng không thấy chủ nhân của “Con đường xưa em đi” than vãn về chuyện bị vi phạm bản quyền, chỉ thấy vợ ông tâm sự, khát khao của nhạc sĩ khi còn sống là tác phẩm của mình đến được và ở lại được với mọi người.

'Con đường xưa' hay 'con đường đau khổ'? ảnh 1

Bản gốc “Con đường xưa em đi”.

Cách ứng xử với “Con đường xưa em đi” cũng như những ca khúc cùng cảnh không khỏi khiến người ta hụt hẫng. Trong khi ai đó thắc mắc: “Chiến trường xưa là chiến trường nào?” thì nay vợ cố nhạc sỹ đã có lời đáp. Hóa ra, chẳng nguy hiểm như trí tưởng tượng phong phú của một bộ phận người nghe: “Hồi đó viết vậy cho… ăn khách”. Hết lí giải “chiến trường xưa” nay lại vướng vấn đề dị bản. Bây giờ bản gốc đã rõ ràng, liệu “Con đường xưa em đi” có tự “sống” lại hay phải chờ có đơn vị đề nghị cấp phép trở lại với chữ ký xác nhận của tác giả?

Theo ông Vương Duy Biên: Vợ tác giả, hoặc con của tác giả Châu Kỳ, người thân của ông có thể thay mặt gia đình để đề nghị cấp phép trở lại “Con đường xưa em đi”.

Vợ cố nhạc sỹ Châu Kỳ trả lời phỏng vấn trên một tờ báo đã nói rằng: “Tôi đã 80 tuổi rồi, không rành việc đi xin phép”. Đó biết đâu là cách nói tránh?  Người làm nghệ thuật có tự trọng riêng, như chuyện làm hồ sơ kê khai thành tích, xin xét danh hiệu nọ kia, đã nhiều nghệ sỹ “dỗi” không làm. Mà “dỗi” cũng  ít nhiều có lí.

MỚI - NÓNG