Cơn gió lạ 'Dành cho tháng Sáu'

“Dành cho tháng Sáu”, phim cho tuổi teen Ảnh: BHD
“Dành cho tháng Sáu”, phim cho tuổi teen Ảnh: BHD
TP - Dàn diễn viên trẻ, diễn xuất ổn và không khí phim tươi sáng là những gì đạo diễn trẻ Nguyễn Hữu Tuấn mang lại cho khán giả mùa hè này trong phim đầu tay “Dành cho tháng Sáu”, công chiếu từ 18-5.

> 'Chân trời trắng' bị sinh viên ngành Y phản ứng

“Dành cho tháng Sáu”, phim cho tuổi teen. Ảnh: BHD
“Dành cho tháng Sáu”, phim cho tuổi teen. Ảnh: BHD.

Dành cho tháng Sáu rậm rịch ra mắt năm ngoái, nhưng phải chờ tới bây giờ, khi đạo diễn chịu gật đầu với bản dựng cuối.

“Ưu mà cũng là khuyết điểm của làm phim độc lập là không chịu áp lực thời gian, nên tôi cứ cố dựng đi dựng lại. Gần như tôi mất trọn 7 tháng cho một bản cắt tương đối ưng ý, nhưng sau khi làm việc với người dựng phim Julie Béziau lại phá bỏ, cho ra bản phim tương đối hoàn hảo như bây giờ”, Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ.

Sự chần chừ xem ra hợp lí, vì nếu ê kíp cố làm từ 2008 khi kịch bản xong, khó đạt chất lượng như bây giờ.

Kiên (Huỳnh Anh) ngoại hình hotboy, đội trưởng đội bóng rổ trường cấp 3 Duy Tân cảm mến cô bạn cùng lớp tên Minh (Thiên Tú), nhưng không được chấp nhận.

Cậu bỏ về quê, không đếm xỉa đến đội bóng sắp thi đấu. Hoàng (Quốc Trung), bạn thân và thành viên đội bóng cùng Minh về quê tìm Kiên để thuyết phục.

Nội dung nhẹ nhàng, như lát cắt cuộc sống-chỉ có vài ngày trong cuộc đời 3 bạn trẻ- thiên về diễn biến nội tâm tuổi trẻ hơn là nhiều biến cố, kịch tính.

Huỳnh Anh, sinh viên thanh nhạc, từng gây ấn tượng trong một số phim truyền hình, gần đây như Cầu vồng tình yêu, được đạo diễn đánh giá “có tố chất diễn xuất, gương mặt có thần và hợp với nhân vật”, ngay từ khi casting và còn chưa được nhiều người biết như bây giờ.

Hoàng lúc đầu tưởng mờ nhạt, sau hóa ra chủ ý đạo diễn muốn đây mới thực là nhân vật chính. Chuẩn bị tốt nghiệp chuyên ngành đạo diễn, từng học qua diễn xuất nên càng về sau Quốc Trung thuyết phục người xem.

Nữ diễn viên trẻ không chuyên Trần Thiên Tú từng được giải ở Cánh diều 2008 trong Huyền thoại bất tử. Trước đó, Tú vào vai Ngô trong Áo lụa Hà Đông, sau nữa phim Chơi vơi, hiện đang là lưu học sinh tại Trung Quốc.

Ngoại hình nhỏ nhắn, không quá ấn tượng vì xinh đẹp nhưng hấp dẫn người khác ở thần thái, đặc biệt nụ cười sáng. Hội tụ được dàn diễn viên như thế, đạo diễn 28 tuổi có thể tự tin làm phim cho tuổi teen- vốn chưa tạo dấu ấn thời gian qua trong rừng phim nhập.

Điểm hấp dẫn khác, đây là phim đầu tiên làm về đề tài bóng rổ học đường. Hip hop có vẻ thành lối mòn trong vài bộ phim điện ảnh vừa qua, môn thể thao này được xem như cơn gió lạ.

15 phút cuối phim xoáy vào trận đấu quyết liệt, xem hấp dẫn, lại là cách hợp lý để tạm khép câu chuyện của ba người trẻ. Ngoài Huỳnh Anh và Quốc Trung, diễn viên trên sân đấu đều là cầu thủ chuyên nghiệp, tất nhiên vẫn cần nhờ người dạy bài, để có được những pha đi, ném bóng điệu nghệ.

“Tôi phải biết ơn các cầu thủ. 12 ngày quay cảnh trên sàn đấu, diễn viên và cầu thủ chạy qua chạy lại như trận đấu thực sự. Có thể xem như cuộc hành xác”, đạo diễn nói.

Nhưng mồ hôi đổ được đền đáp xứng đáng bằng những hình ảnh đẹp, có chất kịch tính của trận đấu dành cho giới trẻ.

Một phần lớn nhờ công dựng phim. Không riêng những phút cuối, hai quay phim Trang Công Minh, Nguyễn Việt Hoàng tặng người xem những góc quay đẹp, chắc tay.

Guillame Vétu và Franck Desmoulins làm nhạc và âm thanh hợp với không khí trẻ trung của bộ phim. Nhiều ca khúc hay, chỉ có điều nên tiết chế hơn, đạo diễn cũng thừa nhận sẽ rút kinh nghiệm cho phim sau tinh tế hơn.

Thoại phim khá sống, gần gũi và dí dỏm trừ cảnh người anh họ Kiên cầm đàn kể lể bên đống lửa. Ý đồ nhấn nhá của đạo diễn chưa thực sự thành công. Nhưng khán giả hoàn toàn có quyền tự hào về phim cho tuổi teen tự nhiên, tươi mới.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG