Cơn sốt tác phẩm mới của A.Dumas

Cơn sốt tác phẩm mới của A.Dumas
Một cơn sốt Dumas lại dâng lên ở Pháp và trên thế giới với bộ tiểu thuyết cuối cùng của ông, 1000 trang, 118 chương: Hiệp sỹ Hector de Sainte–Hermine.

Tưởng như thế là yên. Không, từ mồng 3/6 năm nay, một cơn sốt Dumas lại dâng lên ở Pháp và nhiều nơi trên thế giới, chủ yếu là Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga.

Ấy là do bộ tiểu thuyết cuối cùng của ông, 1000 trang, 118 chương, mà ông tự làm lấy từ A đến Z, trong tình trạng ốm yếu bệnh tật, thậm chí có lúc run tay, phải nhờ viết hộ, được in thành sách lần dầu tiên sau 135 năm bị quên hẳn.

Ấy là bộ Hiệp sỹ Hector de Sainte–Hermine đang được đón chào nồng nhiệt. Giữa nhiều nhân vật lịch sử có thật như Joséphine, Talleyand, Chateaubriand, công tước Enghien, là nhân vật chính bị giằng xé giữa lòng trung thành với chế độ quân chủ và sự ngưỡng mộ đối với Napoléon được diễn tả như một nhân vật cực kỳ phức tạp.

Những vấn đề cơ bản của đế chế Bonaparte được đề cập, rồi khí phách và tài năng quân sự, cũng như sự thất sủng do bất hoà tư tưởng với Napoléon của một trong những viên tướng giỏi nhất của Hoàng đế này, Thomas -Alexandre Davy de La Pailleterie (1762-1806), tức người cha Thomas-Alexandre Dumas của Alexandre Dumas (hai cha con đều lấy họ Dumas của người mẹ và người bà nô lệ da đen làm họ của mình).

Rồi những trận đánh trên cạn và dưới biển. Rồi những thủ pháp lôi cuốn người đọc bây giờ đang rất thịnh hành, ví như chuyện Hector đến tận Myanmar, đánh nhau với cá mập, hổ, trăn, dơi khổng lồ trong rừng rậm…

Bộ sách được in 20.000 bản, rồi tiếp luôn 20.000 bản nữa. Nhiều phương tiện truyền thông khắp hành tinh đưa tin và bình luận. Nhiều nước đã xin bản quyền để dịch sang tiếng nước họ.

Truyền hình và điện ảnh Pháp đang thương lượng với nhà xuất bản Phébus để sớm đưa Hiệp sỹ Hector de Sainte–Hermine lên màn ảnh. Dịp này, công chúng không chỉ ở Pháp ngỡ ngàng trước sự tận tâm của các nhà khoa học đối với Dumas.

Bên cạnh việc nghiên cứu kỹ càng mọi chi tiết liên quan đến cuộc đời và tác phẩm của ông, họ còn cố công tìm lại và công bố những bộ truyện của ông bị quên lãng sau khi được in trên báo nhiều kỳ.

Nhờ họ, tiểu thuyết Bá tước Moret (viết năm 1865) được ra đời năm 1948. Rồi Người tình nguyện 92 (1862), 1989. Lần này, sau 15 năm dày công lăn lộn, nghiên cứu, tìm tòi, tiến sỹ văn học Claude Schopp, người say mê Dumas, đã cho tái sinh Hiệp sỹ Hector de Sainte-Hermine.

Nhà văn bị giằng xé giữa những nhận định trái ngược

Cơn sốt tác phẩm mới của A.Dumas ảnh 1
Alexandre Dumas

Nhà văn Pháp Alexandre Dumas (1802 - 1870) hẳn là người duy nhất luôn luôn gây dư luận không chỉ  trên văn đàn thế giới suốt 2 thế kỷ qua. Ông gần như chưa có người sánh ngang về sức viết phi thường với khoảng 250 tác phẩm, mà 100 là tiểu thuyết, số còn lại là 91 vở kịch, rồi bút ký, phóng sự, hồi ký. Ấy là chưa kể vô số bài báo.

Ông để lại một công trình đặc biệt, Đại từ điển ăn uống, mà ông muốn được hậu thế coi là đỉnh cao sự nghiệp văn chương của mình. Ít người chịu nhiều tai tiếng, mà lại ở những chuyện tầm thường nhất, như ông.

Đương thời, ông bị chê trách là ham ăn, hay chơi. Trong đời mình ông kiếm được 18 triệu francs vàng, món tiền nằm mơ cũng không thấy. Song le, ông luôn luôn nợ nần, nhiều lần trốn nợ, thậm chí ra nước ngoài, những năm cuối đời, phải đến tá túc ở nhà con.

Ông nức tiếng là người thay nhân tình như thay áo. Quả thật, ông cưới vợ chỉ một lần, gia đình này tan vỡ rất nhanh. Ông dan díu với 25 người đàn bà, có nhiều con hoang, mỗi con của một mẹ.

Chỉ 3 con được công khai, trong đó con trai, cũng tên Alexandre Dumas (1824 - 1895), trở nên một nhà văn lừng danh, con gái thứ hai thì cuộc đời lỡ làng, con gái út – mà mẹ trẻ hơn Dumas đến gần 40 tuổi – thì chết cô đơn năm 1936 ở một làng quê trong nghèo khổ và không được ai biết đến là con gái cưng của một trong những vĩ nhân của nước Pháp.

Chuyện ông viết nhanh, viết nhiều cũng bị người ta chế diễu là ông “bóc lột không thương tiếc các cộng sự” và có cả một tập sách nhan đề “Xưởng tiểu thuyết của Alexandre Dumas” nhằm bôi nhọ ông.

Sự thực thì sao? Ông hết sức quý trọng tình bạn. Trừ Balzac và Musset, các nhà văn cùng thời đều chơi với ông, thân nhất là Victor Hugo (1802 - 1885), người đã đánh giá chính xác vai trò của ông ngay khi ông qua đời.

Hugo viết: “Trong thế kỷ này, không ai được dân chúng yêu mến sâu rộng và thắm thiết bằng Alexandre Dumas. Các thành công của ông đều tầm cỡ hơn thành công nói chung nhiều. Đó là những đại thắng lợi. Đó là những ngọn đèn pha.

Tên tuổi của ông đã vượt khỏi biên giới nước Pháp. Ông là người của cả châu Âu. Hơn thế nữa, ông là công dân của thế giới và của muôn đời. Ông thuộc số những người mà ta có thể gọi là những người gieo trồng văn minh”.

Ông vô cùng đại lượng. Ví dụ, năm 1831, do ghen tức với thành công của vở Antony của ông, Hugo cho người viết báo chê bai. Hai người giận nhau. Song năm 1834, ông chủ động giảng hoà. Ông coi các nhân vật là bạn chí cốt, cho nên khi một nhân vật phải chết, ông đã khóc oà.

Ông thường xuyên thết đãi thịnh soạn bạn bè, người thân, công chúng hâm mộ, với những bữa tiệc sang trọng khiến ngay cả Paris cũng loá mắt, trầm trồ. Thế nhưng, trong lúc mọi người ăn uống râm ran, ông lui về làm việc trong một góc riêng, còn hàng ngày, ăn uống thanh đạm.

Mãi gần đây, nhờ các học giả thật tâm với ông, người ta mới vỡ lẽ rằng ông đến với nhiều phụ nữ là do thương họ. Ông đồng thời chu cấp tiền nong đầy đủ cho vài người.

Với mỗi phụ nữ, ông đều cố gắng mang lại cuộc sống dễ chịu và hạnh phúc. Ông luôn luôn yêu đời. Ông chu du khắp nơi trên thế giới, không chỉ ở châu Âu mà cả Nga và các nơi khác. Lưu lại Italy 4 năm, ông kết thân với chính khách kiệt suất Giusepp Garibaldi và tham gia tích cực các hoạt động cách mạng của ông này.

Du lịch đến Phổ, ông “đánh hơi” thấy ngay khát vọng bá quyền của đế quốc Phổ. Những chuyến đi ấy dĩ nhiên bao giờ cũng có “em út” đi cùng và không bao giờ ông không vung mạnh tay ném tiền qua cửa sổ.

Nhạy bén với thời cuộc, ông nhận thức sớm tầm quan trọng của báo chí và của việc cách tân nghệ thuật kịch. Công đầu “Cách mạng sân khấu” Pháp đáng lẽ phải được ghi cho ông, với vở Henri III và triều đình của ông – công diễn lần đầu ngày 10/2/1829.

Để hoàn toàn chủ động trong hoạt động sân khấu, ông bỏ ra một món tiền kếch xù để xây dựng Nhà hát kịch lịch sử của riêng ông. Khán giả rất nồng nhiệt, song không bù đắp nổi chi phí bỏ ra, nên cuối cùng Nhà hát đóng cửa.

Từ năm 1848, ông đã ra tờ báo đầu tiên. Sau đó, ông còn ra nhiều tờ báo nữa. Nhưng do quản lý kém, bị kiểm duyệt gây khó dễ, các tờ báo ấy tồn tại không bền, và ngốn của ông rất nhiều công sức và tiền bạc.

Đáng ngạc nhiên là ông không bao giờ oán thán kêu ca, nhất là sau những thất bại tủi nhục trong hoạt động chính trị, ví như 2 lần ứng cử vào Nghị viện đều thất bại, ứng cử vào Hội quốc ước thì chỉ được 261 phiếu, trong khi các đối thủ được 220.000, rồi phải sang Bỉ lưu vong năm 1851, sau cuộc đảo chính của Napoléon III. Ông dường như không quan tâm đến lý luận.

Với ông, mọi chuyện trên đời đều đã rõ ràng. Cho nên, hãy vui sống và làm việc hết sức và tận tâm. Câu nói nổi tiếng của Friedric Engels (1820 - 1895) “Tự do là tất yếu” áp dụng cho ông có lẽ là đắc địa hơn cả.

Bá tước Monte–Cristo và những bí ẩnriêng tư

Năm 1845, xuất hiện bộ tiểu thuyết Bá tước Monte–Cristo của ông, trong đó lẽ phải đã thắng, người bị làm hại đã trả được thù.

Cả nước Pháp hả hê, bộ sách thành công ngoài sức tưởng tượng. Song một câu hỏi dấy lên: Monte–Cristo, tên địa lý, nằm ở đâu trên đất Pháp, và Dumas dựa vào sự kiện lịch sử nào để viết bộ tiểu thuyết?

Nhiều người, chủ yếu là các nhà báo, cố gặng hỏi. Ông chỉ ậm ừ rằng ông viết theo một chuyện hình sự. Đương nhiên, người ta không dễ bỏ qua. Nhà sử học kiêm nhà gia phả học Jilles Henri bỏ hẳn ra 20 năm lục tìm tài liệu, bắt đầu từ những bài báo của Dumas, rồi sục sạo khắp nơi, trong và ngoài nước Pháp, cuối cùng tìm ra sự thật về xuất thân của nhà văn mà tổ tiên đều là người Pháp vùng Normandie.

Hoá ra Monte–Cristo là tên do nhà thám hiểm vĩ đại Cristobal Colon (tức Christophe Colomb, 1451 - 1506) đặt năm 1492 (khi ông đến đây) cho doi đất nhô ra biển Caraibes, cách đảo Saint–Domingue chừng một sải.

Đảo này là nơi một người em của ông nội Dumas làm nên cơ nghiệp, mà đỉnh điểm là một đồn điền mía trù phú vươn qua biển, bao trùm cả Monte–Cristo. Nguyên mẫu của nhân vật bá tước Monte–Cristo là ông nội Dumas, một người thích chơi lười làm, từng đến Saint–Domingue làm phiền em ruột với bao công nợ, rồi sau bỏ đi biệt tăm.

Em chết rồi (1773), ông ta trở về (1775), tìm cách chiếm lấy cơ nghiệp của em và trở thành bá tước. Trong thời gian “mất tích” 25 năm, ông ta đổi tên, ẩn náu ở một thành phố nhỏ của Haiti, quan hệ với một nữ nô lệ da đen, Marie Césette Dumas, sinh được 4 con: 2 trai, 2 gái.

Để trở về Pháp thăm quê và chiếm tài sản của em, ông ta phải bán vợ con. Hợp đồng bán vợ con có ghi một điều nhân nghĩa: nếu có tiền chuộc, ông ta được mua lại Thomas–Alexandre, con trai 13 tuổi được ông ta quý nhất. Thomas–Alexandre chính là bố Dumas, về sau được chuộc về.

Những chuyện ấy, Dumas đều biết. Chúng gợi cho ông rất nhiều cảm hứng trong khi viết Bá tước Monte–Cristo. Tại sao Dumas giữ kín bí mật đó? Ông chấp nhận phân biệt đẳng cấp chủng tộc và tự ti về dòng máu nô lệ trong mình?

Có điều, bí mật đang nói chứng tỏ tính nghiêm túc cao độ của lao động nhà văn nơi ông, tính nghiêm túc góp phần tạo nên giá trị tác phẩm. Đương nhiên, chỉ nghiêm túc thôi chưa đủ.

Văn chương còn đòi hỏi gay gắt sự thể hiện độc đáo những tâm sự điển hình và những nhân vật điển hình. Qua điểm nhìn này, ta mới dễ hiểu vì sao ngày hôm nay, các vở kịch của Dumas hầu như không được diễn nữa, công chúng bỏ qua phần lớn tiểu thuyết giai đoạn đầu của ông, còn những Hoàng hậu Margot (1845), Hai mươi năm sau (1846), Bá tước Monte – Cristo (1845) và nhất là Ba người lính ngự lâm (1844) càng ngày càng cao giá.

Tình bạn quên mình, tình yêu cao thượng, ân nghĩa bao dung, lao động và chung sống vui vẻ mặn mà…, những điều này chẳng luôn luôn là bản chất của đời sống dân thường hay sao?

Như vậy, dù Dumas tỏ vẻ tỉnh bơ, văn nghiệp của ông vẫn cứ tự nhiên vượt qua các định kiến và rào cản để đi đến vị trí cao sang và xứng đáng dành cho nó trong văn học nhân loại.

Trong thế kỷ XX, hơn 200 bộ phim được làm từ các tác phẩm của Dumas, riêng Ba người lính ngự lâm: 40 phim, ở tất cả các cường quốc điện ảnh.

Năm 2000, phim truyền hình Ba người lính… được bình chọn là phim hay nhất. Dumas vẫn thuộc số những tác giả được đọc nhiều nhất hành tinh. Ba người lính ngự lâm liên tục được dịch ra hầu hết các ngôn ngữ loài người, vẫn là một trong những tác phẩm được yêu thích nhất.

Các kiệt tác của ông thường xuyên được in ấn đủ dạng đủ cấp để thoả mãn tối đa nhu cầu của thanh thiếu niên, những người sẽ đọc lại chúng trong tuổi trưởng thành.

Tất cả cứ tồn tại và phát triển bất chấp sự xao lãng của các bộ lịch sử văn học hay của nhiều cây bút nghiêm cứu và phê bình đối với Dumas và tác phẩm của ông.

Chuyện như đùa là trong những năm Cách  mạng văn hoá ở Trung Quốc, các tác phẩm của Dumas bị cấm đọc triệt để ở đất nước mênh mông này.

Đầu năm 2001, Hội những người bạn của Alexandre Dumas do nhà văn Dédier Decoin đứng đầu đề nghị Chính phủ Pháp cho chuyển di hài của Dumas vào Điện Panthéon, nơi yên nghỉ ngàn thu của các vĩ nhân của nước CH.

Tháng 12/2002, sau nhiều cuộc bàn cãi trên chính trường cũng như ngoài xã hội, Alxandre Dumas là nhà văn thứ sáu, sau Voltaire, Rousse, Hugo, Zola và Malraux, được vào Panthéon.

Linh cữu chở di hài ông đi một vòng từ quê ông, qua những nơi ghi dấu quan trọng nhất của đời ông, rồi nơi ở cuối cùng tại Paris, trước khi vào nơi yên nghỉ vĩnh hằng.

Linh cữu phủ một tấm dạ lơ trên đó thêu nổi bật châm ngôn của ba chàng lính ngự lâm: “Một người vì tất cả, tất cả vì một người”. Hành động “sửa sai” ấy gây chấn động mạnh không chỉ trong giới văn chương khắp hành tinh.

Tổng thống Jacques Chirac tuyên bố: “Với nghĩa cử này, nước Cộng hoà chúng ta trả lại toàn bộ địa vị cho một trong những người con năng nổ nhất và có tài nhất của mình, người con dành trọn cuộc đời phụng sự lý tưởng Cộng hoà của chúng ta”.

MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.