Con tem “triệu đô” đang được lưu giữ tại Huế?

Con tem “triệu đô” đang được lưu giữ tại Huế?
Chúng tôi bất ngờ bắt gặp Con tem in hình nữ hoàng Victoria màu cam (từng được bán với giá trên 1 triệu USD) trong bộ sưu tập của một ông cụ 82 tuổi sống dưới chân núi Ngự Bình của Huế. Phải chăng đây là con tem thứ hai?...

Con tem in hình nữ hoàng Victoria màu cam giá 1 penny được tin rằng chỉ còn một con trên thế giới, năm 1993 nó từng được bán với giá trên 1 triệu USD. Nhà sưu tập Nguyễn Hoàng Tùng (Hà Nội) khi trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên cũng cho hay con tem này thuộc thế hệ những con tem đầu tiên của thế giới và đã lên ngôi “hoàng đế trong vương quốc các loài tem” từ lâu...

Niềm đam mê khôn nguôi

Cuối tuần rỗi rãi, một người quen ghé nhà và rủ tôi đi chơi. “Trời xui đất khiến” thế nào chúng tôi tạt vào nhà một ông cụ dưới chân núi Ngự. 82 tuổi, nhưng trông ông cụ vẫn còn rất cường tráng. Giọng nói sang sảng và hết sức minh mẫn. Ông có cái tên là lạ: Lê Phi Công. Nghe như... lính. Hỏi ra, đúng ông vốn là lính thật.

Thuộc lớp cán bộ tiền khởi nghĩa, ông tham gia cách mạng từ trước 1945. Năm 1946, mặt trận Huế vỡ, ông thoát ly theo quân đội, đánh hết trận này sang trận khác rồi được biệt phái sang Lào, đi Campuchia... mãi đến 1973 thì xuất ngũ.

Nguyên tên ông là Lê Hữu Công, nhưng trong đơn vị có đến hai người tên Lê Hữu Công. Vậy là khen thưởng, thi đua cứ lộn tùng phèo người này sang người khác. Không cách nào hơn, một trong hai người phải đổi tên... cho tiện.

Ông là người Huế, lại có khiếu vẽ vời, vậy là chỉ huy đơn vị đặt cho ông là Lê Phi Công. Bởi hồi ấy Huế có hai họa sĩ vẽ giỏi là Phi Long, Phi Hổ. Ông vẽ cũng khá nên chỉ huy đơn vị quyết cho tên Phi Công. Đơn giản thế thôi. Sau giải phóng 1975 ông đưa gia đình về lại Huế quê nhà - thành phố bên sông Hương núi Ngự...

Có một thú chơi cứ theo mãi ông “không ngừng nghỉ” từ thuở thiếu thời đến nay: sưu tập tem! Ông bảo ông mê tem từ năm còn học lớp 3. Lúc đó bạn bè quanh ông cũng nhiều người chơi như một phong trào. Ngoài trao đổi giữa bạn bè với nhau, ông là người rất cần mẫn và chịu khó tìm kiếm, sưu tập. Ông tranh thủ tất cả những mối quan hệ của mình để... xin tem.

Trong hồi ức của mình ông nhớ mãi vị linh mục Per Ganier ở Dòng Chúa cứu thế và một bà xơ ở Phủ Cam, cả hai người đều rất thương ông và hễ có con tem nào là họ để dành, đợi ông đến sẽ cho.

Đến năm 1946, bộ sưu tập tem của ông đã thuộc hàng kha khá. Ông vẫn nhớ như in trong bộ sưu tập ấy đã có tem của đến 147 nước trên thế giới. Năm 1946 thoát ly theo kháng chiến, ông đành chia tay, để bộ sưu tập tem của mình lại nhà.

Năm 1975 khi trở về, câu đầu tiên ông hỏi thăm là bộ sưu tập tem ở đâu? Và ông điếng người khi biết tất cả đã không còn. Những người thân của ông đã không hiểu được giá trị của chúng, vứt lăn lóc và cuối cùng thất lạc hết. Mà cũng phải thôi, 30 năm chứ nào ít ỏi gì...

Trở lại mùa đông năm 1946, khi giã từ cố đô Huế lên đường đánh giặc, thú chơi tem vẫn cứ mãi không nguôi trong ông. Đi đâu ông cũng để ý, sưu tập. Kiếm được con tem nào ông cẩn thận cho vào một túi nilông và bỏ trong ngực áo. Những con tem cứ theo ông đi hết chiến dịch này đến chiến dịch khác.

Những lúc dừng chân trên đường hành quân, ông lại mang ra tẩn mẩn ngắm nhìn. Đó chính là nguồn vui nâng bước chân ông suốt những năm dài kháng chiến. Ông mê tem đến nỗi có lần bom nổ, thấy một phong thư đang chấp chới bên hố bom còn bốc khói, ông đã vụt chạy sang cố nhặt bằng được để gỡ lấy con tem.

Năm 1953, trong trận đánh đoàn xe địch 36 chiếc ở Thakhet (Lào), ông xin phép chỉ huy cho ông nhặt tem trong đống hồ sơ giấy tờ đang bốc cháy của địch. Thời gian biệt phái làm nghĩa vụ quốc tế ở Lào, ở Campuchia cũng giúp ông sưu tập một số tem đáng kể...

“Hoàng đế” tem ẩn mình  dưới chân núi Ngự?

Bây giờ, bộ sưu tập tem của ông có thể nói đã lên đến hàng chục ngàn con. Riêng tem Việt Nam ông có hẳn ba cuốn dày cộp. Tôi để ý có những con tem mệnh giá chỉ 2 xu, có lẽ đã được phát hành từ rất lâu rồi.

Đặc biệt, ông sưu tập đủ tem của 12 con giáp; tem chân dung của Hồ Chủ tịch, các danh nhân, lãnh tụ cách mạng...; có rất nhiều mẫu tem ông sưu tập đủ mỗi mẫu năm con làm thành một quyển.

Ông bảo đôi khi chỉ thiếu một con, ông phải lò dò đi từ Huế ra đến Quảng Bình, lên Tuyên Hóa mới tìm được. Bạn bè biết ông mê tem, ai có cũng để dành biếu ông, có người còn gửi tem cho ông từ Pháp.

Trong bộ tem Việt, ông chỉ cho tôi bộ tem phát hành dịp Mỹ đánh phá miền Bắc bằng không quân. Bộ tem phát hành kỷ niệm các mốc quân và dân miền Bắc bắn rơi 500 máy bay, rồi 1.000 chiếc, 2.000 chiếc, 3.000 chiếc, 4.000 chiếc và cuối cùng là 4.181 chiếc. Bộ tem sáu con này được một Việt kiều từ Canada về năn nỉ ông để lại với giá 3.000 USD nhưng ông lắc đầu bởi “bán đi, nó hỏng bộ sưu tập của mình”.

Lần giở bộ sưu tập tem của ông, tôi giật mình khi thấy con tem in hình nữ hoàng Victoria màu cam giá 1 penny. Hình con tem này đã được in trên báo Thanh Niên số ra ngày 7-6-2008 trong bài phỏng vấn nhà sưu tập Nguyễn Hoàng Tùng (người đã đoạt giải Vietstampex toàn quốc năm 2000).

Con tem “triệu đô” đang được lưu giữ tại Huế? ảnh 1
Con tem Victoria 1 penny được in trên báo Thanh Niên số 7-6-2008

Theo ông Nguyễn Hoàng Tùng, con tem giá 1 penny này thuộc hàng thế hệ những con tem đầu tiên của thế giới, rất hiếm và từ lâu đã được lên ngôi “hoàng đế trong vương quốc các loài tem”.

Sau vị “hoàng đế” này có những con tem “vua” khác như con tem Thụỵ Điển phát hành năm 1855 được bán đấu giá ở Zurich (Thụy Sĩ) năm 1990 với 1,25 triệu USD, con tem do Bưu cục Mauritius phát hành mùa thu 1847, bán đấu giá năm 1847 với giá 1,5 triệu USD...

Còn trên mạng Internet, BBT_Temviet đề cập con tem này như sau: “Con tem 1 penny màu cam... của Mauritius phát hành năm 1847 in hình nữ hoàng Anh Victoria. Mẫu tem được Joseph O Barnard thực hiện theo yêu cầu của Bưu điện Mauritius...

Cho đến nay người ta chỉ biết có một con tem 1 penny hiện hữu và cũng trong cuộc đấu giá vào năm 1993, con tem này được bán giá 1.072.260 đôla”.

Ông Công tin rằng con tem ông đang có cùng loại với con tem mà người ta từng nhắc tới. Rất tiếc chúng tôi là người “ngoại đạo” không đủ trình độ để thẩm định, nhưng nếu con tem in hình nữ hoàng Victoria giá 1 penny mà ông Công đang giữ đúng là con tem “hoàng đế” như vừa đề cập thì quả là bất ngờ lớn và hết sức thú vị.

Ông Công cho hay con tem này ông được một Việt kiều cho khoảng năm 1951-1952, khi ông sang công tác ở Siem Reap (Campuchia).

Cũng trong bộ sưu tập tem của ông Công, chúng tôi còn bắt gặp những con tem rất lạ: tem hình trái tim, hình tròn, hình êlip, tem của NATO, của Vatican, của Ceylan... rồi bộ sưu tập tem hình Nữ hoàng Anh Elizabeth, chân dung các tổng thống Mỹ, những con tem rất xưa cũ của Pháp, Úc và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Bộ sưu tập ấy, theo chúng tôi, dưới con mắt của các nhà chuyên môn hẳn sẽ có không ít khám phá bất ngờ nữa.

Tuổi đã ngoại bát tuần, đó là lứa tuổi mà người đời vẫn thường quan niệm là “tính ngày” (sáu mươi tính năm, bảy mươi tính tháng, tám mươi tính ngày). Ông Công đang nghĩ đến chuyện nhượng lại những con tem của mình cho ai đó biết trân quý chúng, trên hết là để những con tem tiếp tục được gìn giữ, được tỏa sáng vẻ đẹp hiến dâng cho đời...

Theo Diên Thống
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.